Giúp nông dân nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

12/09/2019 | 05:53 GMT+7

Hội viên nông dân là những người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, nông sản, do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn là điều được các cấp hội nông dân chú trọng. 

Hội viên nông dân tham gia tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là để nông dân nhận thức tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, trong năm nay, Hội Nông dân tỉnh mở nhiều lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức về sản xuất đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Phước Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Qua tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp cho cán bộ, hội viên nông dân chúng tôi hiểu biết sâu hơn các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, hội viên nông dân sẽ tự giác hơn trong chấp hành các quy định”.

Cũng theo ông Hiền, theo dõi tin tức trên phương tiện truyền thông về tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm mất vệ sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân đã phần nào tạo được nhận thức cho người dân trong lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng.

Là người trực tiếp tham gia làm ra nông sản nên đòi hỏi nông dân cũng cần nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng các phương pháp sản xuất nông sản sạch, không sử dụng hóa chất độc hại, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Qua các lớp tập huấn cũng là dịp để nông dân nhận thức rõ hơn tác hại của việc sử dụng hóa chất độc hại; nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với nông sản mình tạo ra.

Gia đình ông Lương Văn Minh, ở khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh, có gần 8.000m2 trồng cà, mướp. Biết được tầm quan trọng của sản xuất nông sản an toàn, trong canh tác, ông luôn tuân thủ quy định về liều dùng, thời gian cách ly của nhà sản xuất khi sử dụng phân, thuốc trừ bệnh cho cây. Ông Minh cũng luôn ưu tiên chọn những loại phân vi sinh, thuốc trừ bệnh nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chuyên môn.

 “Để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, tôi chủ yếu sử dụng phân vi sinh trong sản xuất. So với phân, thuốc hóa học thì chi phí cao hơn nhưng về chất lượng nông sản sẽ tốt, an toàn hơn cho sức khỏe người dùng và cả bản thân tôi trong quá trình trồng trọt”, ông Minh chia sẻ.

Cùng với việc đẩy mạnh chỉ đạo các cấp hội nông dân tăng cường vận động, tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, hội viên, Hội Nông dân tỉnh còn triển khai cho nông dân thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn (mỗi cơ sở hội đảm bảo có từ 80% hội viên, nông dân thực hiện cam kết).

Ông Lê Minh Sớm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Đơn vị thực hiện cam kết đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Nhìn chung, hội viên nông dân rất đồng thuận hưởng ứng, điều này cho thấy ý thức của hội viên về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nâng lên”.

Theo nội dung cam kết, từng hội viên nông dân phải thực hiện đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trên tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhất là phải thực hiện nghiêm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nhỏ lẻ theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức, thời gian tới, các cấp hội nông dân tỉnh nhà tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân chủ động thực hiện các mô hình điểm trong sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong chọn lựa nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>