Lo cho dân là trách nhiệm

05/11/2019 | 08:23 GMT+7

Trách nhiệm ấy đã được ông Tư Sang (Nguyễn Minh Sang), Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cụ thể hóa bằng hành động, việc làm thiết thực.

Những hộ nghèo như gia đình chị Danh Út Lớn rất cảm kích trước sự quan tâm giúp đỡ của ông Tư Sang.

Giúp hộ nghèo bớt khổ

Thấy ông Tư Sang tới thăm nhà, chị Danh Út Lớn, niềm nở chào đón. Dù không phải họ hàng nhưng chị Út Lớn luôn coi ông Tư Sang như người thân trong nhà, vì nể trọng cách sống, sự gần gũi và tận tâm với hộ nghèo của ông.

Gia đình chị Út Lớn thuộc diện hộ nghèo, vì khi cưới nhau, tài sản lớn nhất của họ chỉ có cái nền nhà. Căn nhà bằng cây lá của họ chẳng có gì quý giá; mọi khoản chi tiêu hàng ngày kể cả việc nuôi hai đứa con nhỏ đều dựa hết vào nghề đặt trúm của chồng chị.

Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và biết được vợ chồng chị Út Lớn chí thú làm ăn nên ông Tư Sang tìm cách giúp đỡ. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ vay vốn của ấp, ông liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Thủy tạo điều kiện cho họ vay 40 triệu đồng để mướn 5 công đất canh tác.

“Tết năm nào chú Tư cũng đến tận nhà thông báo cho vợ chồng tôi biết ngày, giờ để lên xã nhận quà tết. Cái tình, cái nghĩa của chú Tư với hộ nghèo không sao kể hết”, chị Út Lớn nói.

Dù muốn cho nhiều hộ nghèo như vợ chồng chị Út Lớn vay vốn phát triển sản xuất nhưng ông Tư Sang cũng có nguyên tắc của riêng mình. “Tôi chỉ tạo điều kiện cho vay những hộ thực sự chí thú làm ăn và có mô hình sản xuất cụ thể. Nếu cho người lười biếng, tối ngày lo nhậu nhẹt vay vốn thì khác nào hại họ”, ông Tư Sang nói.

Địa bàn ấp 3 hiện còn hơn 80 hộ nghèo thì hầu như ông Tư Sang nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Tết năm nào ông cũng vận động mạnh thường quân gần xa những phần quà tặng cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Như Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông vận động hơn 10 triệu đồng mua heo về làm cho bà con ăn tết; tặng hơn 100 phần quà (250.000 đồng/phần)…

Ông kể rằng, mình từng tham gia du kích xã. Mỗi lần bị giặc bắt thì cha ông phải bán đất lấy tiền chuộc ông về. Sau ngày giải phóng, ông và vợ vất vả lắm mới nuôi nổi 6 đứa con đến tuổi trưởng thành. Ông tích cực chăm lo cho hộ nghèo vì đồng cảm với hoàn cảnh của họ và cũng bởi gia đình ông từng “nghèo rớt mồng tơi”.

Mong xóm làng yên ấm

Ông Tư Sang còn được biết đến là người gìn giữ sự yên ấm của xóm làng. Với vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải của ấp, bằng uy tín và sự khéo léo trong cách ăn nói, ông đã hòa giải thành nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn.

Gần đây nhất là vụ tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Văn Tám. Họ từng là hàng xóm thân thiết nhưng trở nên bất hòa chỉ vì cái ranh đất. Khi hòa giải, ông Tư Sang phân tích cặn kẽ về mặt pháp lý cũng như tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Nghe có lý, có tình nên ông Minh, ông Tám bắt tay làm hòa.

Khi hòa giải thành một vụ việc nào đó thì tối về ông thường ngủ ngon giấc hơn. Ngược lại thì thấy áy náy, trăn trở, trong dạ không yên.

“Nhiều người hàng xóm chỉ vì tranh chấp nhỏ đã đâm đơn kiện nhau, làm sứt mẻ tình cảm. Tôi cố gắng làm tốt công tác hòa giải để xóm làng yên ấm”, ông Tư Sang tâm sự.

Tiền phụ cấp của Trưởng ban công tác Mặt trận ấp chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhưng ông Tư Sang thấy hài lòng với việc đang làm. Theo ông, dù bất kể ở cương vị nào hay đảm nhận nhiệm vụ gì thì mỗi người cán bộ cần có cái tâm trong sáng và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Còn muốn làm tốt vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận ấp thì không dễ nhưng cũng không khó.

“Dễ là đối với những người biết hòa mình vào cuộc sống của người dân, không có tính tư riêng lợi ích cho bản thân, không ngại khó, ngại khổ, biết nhẫn nại, mềm dẻo khi đi vận động; khó là đối với những ai lười… công việc, chỉ biết trông chờ, ỷ lại”, ông Tư Sang đúc kết.

Ông Nguyễn Hữu Kiển, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 3, đánh giá: “Điều tôi thấy nể phục ông Tư Sang chính là cái tâm và sự nhiệt huyết với công việc. Hễ chuyện gì có lợi cho người dân thì ông sẵn sàng làm”.

Ở cái tuổi 78, ông Tư Sang vẫn miệt mài với trách nhiệm của mình. Bởi ông quan niệm, những người làm công tác Mặt trận vốn chẳng giàu có, không đóng góp nhiều tiền của cho sự phát triển của địa phương, nhưng “vũ khí” lợi hại nhất của họ chính là ở sức mạnh… vận động.

Nếu nguồn sức mạnh đó được phát huy tốt sẽ tập hợp được tinh thần đoàn kết của nhiều người; huy động sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng, xã hội cùng lo việc chung. Vì vậy, nó vô giá và quý báu hơn nhiều so với tiền của, vật chất…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>