Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm

26/09/2019 | 04:48 GMT+7

Làm rõ thêm tầm quan trọng của việc sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Huy Cường (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định:

- ATVSTP tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, giúp hàng hóa nông sản tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên lương thực, thực phẩm được xem là loại sản phẩm chiến lược. Ngoài ý nghĩa kinh tế, sản phẩm này còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng.

Các cấp hội nông dân trong tỉnh đến thăm và làm việc với Hợp tác xã trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP của hội viên nông dân ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.

Vì vậy, thực phẩm không những được sản xuất, chế biến, bảo quản phòng tránh ô nhiễm các loại vi sinh vật mà còn phải đảm bảo an toàn, tránh lưu tồn chất hóa học tổng hợp hay tự nhiên vượt quá quy định cho phép của tiêu chuẩn quốc gia lẫn quốc tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực sự trở thành lĩnh vực chiến lược đối với tỉnh nông nghiệp như Hậu Giang thì yếu tố ATVSTP phải đặt lên hàng đầu, thưa ông ?

- Đúng vậy, chất lượng ATVSTP chính là chìa khóa để tiếp thị sản phẩm thành công nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Khi đảm bảo chất lượng ATVSTP sẽ mang lại uy tín cùng lợi nhuận lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng như hoạt động dịch vụ và thương mại tỉnh nhà.

Ngược lại, những thiệt hại khi không đảm bảo ATVSTP gây nên sẽ mang đến nhiều hậu quả khác nhau về kinh tế. Đáng ngại nhất là tốn các khoản chi phí khám, chữa bệnh; mất thời gian phục hồi sức khỏe, thậm chí mất nguồn thu nhập do không còn khả năng lao động…

Đối với nông dân, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không đảm bảo ATVSTP sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường, khiến cho việc sản xuất, kinh doanh không thể phát triển bền vững.

Thưa ông, vấn đề ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh được cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện ra sao ?

- Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, hội viên, nông dân những quy định về ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được xây dựng và phổ biến rộng rãi trên cơ sở áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, có thể truy xuất nguồn gốc, từng bước giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về tầm quan trọng của ATVSTP nên trong hệ thống 16 chỉ tiêu công tác hội của năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đặt ra chỉ tiêu 100% hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo ATVSTP. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký, cam kết thực hiện đảm bảo ATVSTP, làm cơ sở xét công nhận kết quả thực hiện chỉ tiêu này vào cuối năm nay.

Muốn cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thay đổi tư duy, nhận thức, hành động trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thì các cấp hội nông dân của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông ?

- Thực hiện Kế hoạch phối hợp đã ký kết với UBND tỉnh Hậu Giang, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10 ngày 7/11/2018 về việc thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Để triển khai, thực hiện tốt kế hoạch này, chúng tôi đề ra nhiều nội dung, nhiệm vụ cụ thể.

 Đó là tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng các ấn phẩm truyền thông, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, phù hợp, giúp loại bỏ dần tư tưởng “sản xuất để ăn khác với sản xuất để bán”.

Tổ chức kiểm tra, giám sát và đề xuất xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn; kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến.

Năm 2017, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hậu Giang, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký kết Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.

 

Xin cảm ơn ông !

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>