Quyết tâm nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên

25/07/2019 | 08:25 GMT+7

Sau khi Báo Hậu Giang đăng bài “Giải pháp trong tập hợp hội viên” ngày 22-7-2019, có nêu một số cơ hội tập hợp hội viên phụ nữ dưới 50% trong tổng số phụ nữ trên 18 tuổi trở lên ở địa phương (Trung ương Hội giao “đến cuối nhiệm kỳ đảm bảo không có cơ sở hội tập hợp hội viên dưới 50%”), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh cho biết sẽ có nhiều biện pháp thu hút, tập hợp phụ nữ vào Hội.

- Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan (ảnh), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, qua rà soát theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy vào cuối tháng 3-2019, tổng số hội viên theo báo cáo là 125.821, nhưng đề nghị xóa tên, đưa ra khỏi tổ chức 19.567 hội viên. Như vậy, toàn tỉnh còn 106.254/211.202 hội viên phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ thu hút hội viên khoảng 50,31%.

Cụ thể, sau rà soát có 59/76 cơ sở hội đạt tỷ lệ thu hút hội viên hơn 50%, 17/76 cơ sở đạt tỷ lệ dưới 50%, tăng 9 cơ sở so với trước khi rà soát; đặc biệt có 2 cơ sở đạt tỷ lệ dưới 25%: xã Hỏa Lựu 22,4% và Tân Bình 13,5%; 5/8 đơn vị cấp huyện đạt tỷ lệ hơn 50%.

Vì sao tỷ lệ thu hút hội viên còn thấp, thưa bà ?

- Nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền trong hệ thống hội chưa thật sự đổi mới phương thức lẫn nội dung cũng như chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ nữ; kỹ năng tuyên truyền của cán bộ hội còn yếu, dễ gây nhàm chán. Cán bộ hội LHPN các cấp chưa đảm bảo nguồn lực, thiếu chuyên môn sâu, chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền trên diện rộng.

Sự phối hợp giữa Hội LHPN với các tổ chức khác trong triển khai các cuộc vận động, phong trào, mô hình ở cơ sở thiếu chặt chẽ nên còn dàn trải, chồng chéo. Có những phong trào, mô hình chưa thật sự gắn kết với nhu cầu để phụ nữ phát triển bền vững nên tính thu hút chưa cao hoặc gây quá tải với cơ sở. Các cấp hội chưa phân luồng, chia nhóm hội viên, phụ nữ để có phương pháp vận động phù hợp.

Về khách quan, phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ lớn, chưa quản lý, tập hợp được (hơn 29% trên tổng số phụ nữ - PV); một bộ phận phụ nữ trong tuổi lao động đi làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, quá trình làm việc chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày nên ít tham gia vào tổ chức và hoạt động hội.

Lực lượng phụ nữ còn ở địa phương đa phần lớn tuổi, yếu thế, bệnh tật; một số phụ nữ không thích tham gia hoạt động xã hội hoặc chỉ tham gia khi thấy lợi ích trước mắt...

Hiện có số lượng lớn phụ nữ mặc dù có tên trên hộ khẩu do cơ quan chức năng quản lý nhưng thực tế không có mặt ở địa phương hoặc có về địa phương vài lần trong năm. Tuy nhiên, công tác tiếp cận để vận động họ (35.390 chị - PV) vào hội và tham gia sinh hoạt cũng như hoạt động hội rất khó khăn.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2016-2021, Tỉnh hội đề ra những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa bà ?

- Ban Thường trực Tỉnh hội sẽ nắm tình hình, làm việc với cấp ủy các đơn vị cấp huyện chưa đạt hoặc còn đạt thấp so với tỷ lệ được giao. Xây dựng kế hoạch có lộ trình tập hợp hội viên đối với 17 cơ sở hội có tỷ lệ dưới 50%.

Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các ngành liên quan rà soát, phân loại số lượng, nhu cầu, tâm tư nguyện vọng các đối tượng phụ nữ trên địa bàn, có kế hoạch tiếp cận, vận động phù hợp.

Ban chấp hành các cấp hội tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong tình hình mới” (Đề án 938), “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939) để có nguồn lực về kinh phí, cơ chế thực hiện công tác hội và phong trào phụ nữ.

Phát huy hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào do phụ nữ phát động. Lưu ý rà soát, chọn xây dựng, nhân rộng các mô hình gắn chặt với lợi ích của phụ nữ theo địa bàn dân cư. Loại trừ những mô hình kém hiệu quả, các hoạt động mà hội viên khó tham gia, còn chồng chéo hoặc gây áp lực với cán bộ hội ở cơ sở.

Cán bộ hội các cấp đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động hội theo hướng thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, dàn trải. Đổi mới công tác thi đua, tập trung biểu dương, khen thưởng cho cơ sở, cho chi, tổ và hội viên.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, chọn nội dung gọn nhưng là yêu cầu bức thiết của hội viên, phụ nữ; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo cho phụ nữ của tổ chức hội. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hình thức phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung của Khối vận - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại cơ sở.

Tăng cường vận động, xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ hoạt động hội và tạo nguồn phát triển sản xuất, kinh doanh, nguồn sinh kế cho hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững hoặc làm giàu chính đáng. Chú trọng xây dựng những mô hình hội viên khá giúp hội viên nghèo; các mô hình kết nối việc làm, nuôi trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho phụ nữ.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng phải thật sự hiệu quả. Chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ hội các cấp kể cả chi, tổ hội. Từ chương trình, giáo án, cách triển khai, hướng dẫn phải được đổi mới, đúng đối tượng. Thực hiện tốt mô hình dân vận khéo “Mỗi chi hội trưởng một việc làm cụ thể để tập hợp hội viên”.

Nâng cao tỷ lệ hội viên là cần thiết nhưng phải quan tâm đến chất lượng, thưa bà ?

- Muốn nâng tỷ lệ thu hút hội viên và giữ được hội viên thì yêu cầu nâng chất lượng hoạt động hội là yêu cầu cấp thiết, hàng đầu. Do đó, trong các giải pháp thu hút hội viên nửa nhiệm kỳ sau, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã ưu tiên những giải pháp lồng ghép nâng chất lượng hoạt động hội.

Tuy nhiên, chúng tôi rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, của cấp ủy các cấp; sự phối hợp hiệu quả của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác trong những vấn đề cụ thể.

Theo đó, đề xuất Trung ương thay đổi cách tiếp cận và cách tính tỷ lệ hội viên theo hướng 50% hội viên/tổng số phụ nữ có mặt tại địa phương hoặc cho điều chỉnh loại trừ các cơ sở không đạt 50% hội viên đối với những trường hợp đặc biệt (các xã có số lượng phụ nữ tại địa phương thấp hơn 50% so với phụ nữ mà ngành chức năng quản lý).

Tỉnh ủy cần có chủ trương cho Khối vận - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể rà soát, phân loại số lượng, chia nhóm hộ nghèo, cận nghèo và nhu cầu thoát nghèo. Từ đó phân chia cụ thể cho từng đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ; các đoàn thể có kế hoạch theo nhóm và được sử dụng nguồn quỹ Vì người nghèo, An sinh phúc lợi xã hội của tỉnh để thực hiện kế hoạch cho đơn vị mình.

UBND tỉnh cấp kinh phí cho Đề án 938, 939; hỗ trợ kinh phí các hoạt động đặc thù; biểu dương, kịp thời khen thưởng các phong trào do Hội LHPN phát động gắn với kinh tế - xã hội địa phương.

Xin cảm ơn bà !

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>