Nghị quyết HĐND tỉnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

05/07/2020 | 19:19 GMT+7

Thời gian qua, HĐND tỉnh thực hiện có chất lượng công tác ban hành nghị quyết theo thẩm quyền, nhất là các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết đặc thù của địa phương, khi triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tỉnh nhà.

Nhiều nghị quyết được đại biểu HĐND tỉnh thông qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Xét cho cùng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử là quyết định và ban hành những nghị quyết chất lượng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện địa phương. Một nghị quyết chất lượng là khi nó đảm bảo được tính hiệu lực, khả thi, sát thực tế và đi vào cuộc sống.

Nhận thức được điều đó, HĐND tỉnh không ngừng chú trọng công tác ban hành nghị quyết từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm tra, thẩm định và quyết định tại kỳ họp, trong đó, vai trò của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến về việc xây dựng nghị quyết, trong đó nêu rõ nội dung, thời gian trình để UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành chuyên môn thực hiện quy trình soạn thảo.

Đối với các ban HĐND tỉnh, trên cơ sở nắm vững chủ trương, chính sách, tiềm năng, điều kiện của tỉnh và tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã đưa ra quan điểm, chính kiến trong quá trình thẩm tra đối với từng vấn đề trong dự thảo nghị quyết, làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, quyết định. Còn đại biểu HĐND tỉnh với thực tiễn hoạt động dân cử và nhiều kênh thông tin có được tích cực xem xét tính khả thi, phù hợp để quyết định thông qua hay không thông qua nghị quyết...

Hiệu quả các nghị quyết, đề án chuyên đề về nông nghiệp

Là một tỉnh thuần nông nên HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm ban hành các nghị quyết mang tính chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong tình hình cả nước nói chung đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.

Khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2014 về việc thông qua Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1000) đã nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng của người dân. Qua thời gian triển khai thực hiện mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân trên địa bàn.

Khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động, gia đình bà Lưu Thị Lâm, ở ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, mạnh dạn tham gia Đề án 1000. Cụ thể là đăng ký chuyển đổi 5 công đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, đồng thời được vay 41 triệu đồng để thực hiện việc chuyển đổi.

Bà Lâm cho rằng việc chuyển đổi cây trồng theo Đề án 1000 là quyết định đúng đắn. “Giá bưởi da xanh trên thị trường luôn ở mức cao giúp gia đình tôi thu được số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm, trừ đi chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng. Nếu trồng 5 công mía thì rất khó kiếm được lợi nhuận như vậy do giá cả lên xuống thất thường”, bà Lâm cho biết.

Toàn xã Hỏa Lựu có 15 hộ tham gia chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây có múi, trong đó có 14 hộ vay vốn với số tiền hơn 550 triệu đồng; 5 hộ tham gia chuyển đổi chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với số vốn vay là hơn 570 triệu đồng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật xã Hỏa Lựu, cho biết, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã khi tham gia Đề án 1000 đều thu về kết quả khá tốt, cho thấy đề án được triển khai đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của người dân.

UBND tỉnh đánh giá ngay từ khi triển khai Đề án 1000 đã nhận được sự đồng thuận cao và tích cực đăng ký tham gia của người dân. Tổng số hộ dân đăng ký thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 2.492 hộ với diện tích 1.953ha và 1.281 hộ đăng ký chuyển đổi chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế mang lại là rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn như mô hình chuyển đổi từ vườn tạp, chuyển đổi mía kém hiệu quả sang trồng cây có múi, sau khi trừ chi phí đầu tư, đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái ổn định, mỗi năm hộ dân đạt lợi nhuận từ 70-400 triệu đồng/ha (tùy loại cây trồng).

Sở dĩ tình hình kinh tế của các hộ dân tham gia Đề án được cải thiện đáng kể là vì được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và một phần lãi suất vốn vay, do đó người dân có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích.

Bên cạnh đó, từ các mô hình thí điểm hiệu quả mà tỉnh đã đúc kết và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang lại kinh tế cao để mạnh dạn khuyến cáo rộng rãi trong Nhân dân. Đặc biệt là hình thành được những vùng chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Ngoài Đề án 1000, HĐND tỉnh còn ban hành nhiều nghị quyết, đề án chuyên đề về nông nghiệp như: Đề án nâng cao chất lượng hợp tác xã; Đề án phát triển trạm bơm điện; Đề án giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chất lượng cao; Nghị quyết quy định chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp...

Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng... đã chứng minh các nghị quyết, đề án nông nghiệp được HĐND tỉnh ban hành rất kịp thời, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển tỉnh nhà.

Hộ dân ở xã Hỏa Lựu nâng cao thu nhập nhờ tham gia Đề án 1000.

Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết

Nhận diện du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có nên HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 26 ngày 6/12/2019 quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2024, để tạo “cú hích” thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Nghị quyết nêu rõ chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng khách sạn; xây dựng nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, quà tặng du lịch, quà lưu niệm Hậu Giang; xây dựng khu mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng dành cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh trực tiếp đầu tư xây dựng, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng Nghị quyết số 26 tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh; kích thích việc đầu tư, cải tiến sáng tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho hoạt động du lịch của địa phương phát triển, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương; góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác như: vận chuyển, dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… phát triển và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 715 để triển khai thực hiện. Để triển khai có hiệu quả và tạo thống nhất trong cách thức thực hiện, Sở này ban hành Công văn số 591 hướng dẫn quy trình và đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố triển khai sâu rộng trên địa bàn. Bên cạnh đó, phòng văn hóa và thông tin cấp huyện đã chủ động rà soát, nắm lại danh sách, tìm hiểu nhu cầu của người dân để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thiết thực cho hộ làm du lịch được hưởng lợi từ chính sách mà nghị quyết đề ra. Có thể thấy, từng nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đều hướng tới mục tiêu tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung, từng lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh nói riêng phát triển. Thực tế là các nghị quyết khi được triển khai thực hiện tốt đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững tỉnh nhà những năm qua.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng một số nghị quyết chưa thật sự đi vào cuộc sống, tính khả thi chưa cao. Cụ thể, một số đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh có nội dung về vốn hiện nay tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách còn chồng chéo, rườm rà, gây khó trong tổ chức triển khai; một số chính sách lạc hậu so với thực tế và so với các quy định mới của pháp luật...

Chẳng hạn như việc triển khai Đề án 1000 kể trên được đánh giá là chậm do phải điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp và mỗi bước cần có thời gian cho công tác thẩm định. Mặt khác, việc chuyển đổi đất lúa 3 vụ sang 2 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 thủy sản ở một số địa phương không triển khai được do chưa phù hợp với thói quen của người dân...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành nghị quyết, nhất là các nghị quyết chuyên đề, đặc thù, Thường trực HĐND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục chủ động, đôn đốc UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình các đề nghị xây dựng nghị quyết theo đúng quy định tại Điều 111 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để các nghị quyết được ban hành đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh giao các ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo nghị quyết. Việc lấy ý kiến đảm bảo tính công khai, rộng rãi, dân chủ, xuống tận cơ sở để tránh việc ban hành nghị quyết mang tính quy chụp, quan liêu, thiếu cơ sở thực tế dẫn đến khó khả thi trong thực hiện.

Thường trực HĐND tỉnh cũng sẽ đề nghị UBND tỉnh kịp thời sơ kết, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các nghị quyết để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của đại biểu dân cử trong việc biểu quyết thông qua hay không thông qua nghị quyết. Để làm được điều này, ngoài việc đại biểu cần tích cực tự nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến các chính sách trong nghị quyết thì các ban, Văn phòng HĐND tỉnh phải hỗ trợ bằng cách cung cấp sớm thông tin, tài liệu cần thiết để đại biểu tham khảo, đối chiếu, xem xét và quyết định…

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, HĐND tỉnh ban hành 195 nghị quyết, trong đó có 163 nghị quyết nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>