Sáu người trong gia đình đăng ký hiến thi hài

13/07/2020 | 08:36 GMT+7

Sau nhiều lần từ chối gặp mặt, chúng đã tôi cố gắng liên hệ và gặp được bà Lê Thị Nghì, sinh năm 1964, ở ấp Tầm Vu 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, người đầu tiên trong gia đình có 6 thành viên tình nguyện đăng ký hiến xác (ngoài bà Nghì còn có người anh trai, chị dâu và 3 em ruột). Để nghe tâm tình, nghe câu chuyện mong muốn để lại những điều tốt đẹp cho đời...

Bà Nghì (bìa trái) cùng hai người em gái và chị dâu đã đăng ký hiến xác phục vụ y học cách đây 2 năm.

Để lại cho đời điều tốt đẹp nhất

Khi được hỏi vì sao bà có ý định hiến xác? Bà Nghì cho biết: “Khi xem các phương tiện thông tin, thấy bây giờ có nhiều người mắc phải những căn bệnh lạ chưa tìm được nguyên nhân để chữa trị. Rồi một số người mắc bệnh nan y phải cắt bỏ một bộ phận trên cơ thể, nhưng không có nguồn để thay thế. Sau đó, tình cờ nghe một người anh đang làm việc ở bệnh viện nói có thể hiến xác để phục vụ nghiên cứu trong y học, từ đó tôi đã ấp ủ ý tưởng hiến xác khi mình qua đời”.

Khi chia sẻ tâm nguyện được hiến xác, bà Nghì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người mẹ già gần 80 tuổi. Nhưng quyết không từ bỏ mong muốn được làm điều tốt đẹp để lại cho đời, bà Nghì đã thuyết phục và dẫn chứng ý nghĩa của việc hiến xác nhằm thuyết phục mẹ mình. “Ngày thuyết phục được mẹ đồng ý và nhận được sự ủng hộ của các anh chị em trong gia đình để tôi đăng ký hiến xác, tôi mừng rơi nước mắt. Khi hoàn thành thủ tục đăng ký hiến xác và nhận thẻ đăng ký tôi thấy trong lòng rất nhẹ nhõm, như vừa làm được một điều gì đó rất ý nghĩa, dù thi hài của bản thân chưa phục vụ được cho y học. Không chỉ đăng ký hiến thi hài, sau khi về già đến lúc thấy mình không còn khả năng sống sót tôi cũng sẽ đăng ký hiến tạng”, bà Nghì chia sẻ thêm.

Hơn 20 năm bôn ba làm công nhân ở đất Sài Gòn, bà Nghì như thấm thía hơn, nỗi vất vả của những hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, khi về địa phương bà tích cực tham gia góp công phục vụ ở các tổ cơm, cháo, nước sôi tại các trung tâm y tế. Bà còn đóng góp chia sẻ với những hộ khó khăn tại địa phương.

Bị dị nghị vì làm chuyện... lạ !

Không chỉ tự mình đăng ký hiến xác, bà Nghì còn vận động thêm 4 anh chị em trong gia đình cùng làm việc ý nghĩa để lại cho đời sau khi mất. Ông Lê Văn Hạnh, sinh năm 1961, anh trai của bà Nghì, tâm sự: “Việc hiến xác trên thế giới đã có từ lâu, còn ở Việt Nam tôi biết mới có vài chục năm trở lại đây thôi. Bởi vậy, hồi lúc mấy anh em trong gia đình tôi lại địa phương xác nhận đơn đăng ký hiến xác, địa phương cũng không biết phải xác nhận như thế nào. Vì khi đó, hiến xác là một việc làm chưa được nhiều người biết đến. Đặc biệt, một số người còn dị nghị nói không biết gia đình tôi có bị gì không, mà lại làm chuyện lạ vậy”.

Sinh ra và lớn lên với một cơ thể không lành lặn, bị ảnh hưởng của cơn sốt bại liệt lúc nhỏ, nên chân phải của ông Hạnh bị khuyết tật gây khó khăn trong việc đi lại. Không đầu hàng trước số phận, ông luôn cố gắng từng ngày bằng công việc bán vé số dạo để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Hiện, dù gia đình là hộ cận nghèo, còn nhiều khó khăn, nhưng khi ông đưa ra quyết định hiến xác cho y học, ông đã nhận được sự đồng tình từ vợ và 4 người con. Đặc biệt, vợ ông cũng đã cùng ông đăng ký hiến xác. Ngoài vợ chồng ông Hạnh, 3 đứa em gái của ông cũng đã đăng ký hiến xác tại Trường Đại học Võ Trường Toản cách đây 2 năm.

Có nhiều cái chết lại là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới. “Tôi muốn ngay cả khi không còn sống mình vẫn có ích. Vì vậy, tôi đã đăng ký hiến xác, để sau khi mất đi, thi thể của mình sẽ được các y, bác sĩ, các sinh viên y khoa dùng để nghiên cứu khoa học và nâng cao tay nghề, như vậy cái chết có ý nghĩa hơn. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, nên những việc muốn làm thì phải làm ngay lúc còn sống. Giờ cũng lớn tuổi rồi, không biết khi nào mới về với ông bà, tổ tiên. Ước nguyện của tôi là được hiến xác để phục vụ cho nền y học và nhắc nhở con cháu không nên sống ích kỷ, chỉ vì mình”, ông Hạnh bộc bạch.

Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm khi “nhắm mắt xuôi tay” đều mong muốn linh hồn mình được siêu thoát, thân thể mình được an nghỉ nơi đất mẹ thiêng liêng. Nhưng nhiều người như gia đình bà Nghì, ông Hạnh đã vượt qua mọi quan niệm về xã hội và tâm linh ấy để hiến xác cho y học. Nghĩa cử ấy của họ thật cao đẹp và đáng trân trọng!

Trên địa bàn tỉnh có 9 người đăng ký hiến thi hài phục vụ y học tại Trường Đại học Võ Trường Toản

Trường Đại học Võ Trường Toản hiện là một trong những địa chỉ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp nhận thi hài phục vụ y học. Nhận thức đúng đắn về giá trị đạo đức, ý nghĩa nhân văn và nhân đạo của việc hiến thi hài cho y học, PGS.TS.BS Trương Văn Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản, chia sẻ: “Trường Đại học Võ Trường Toản kêu gọi toàn thể người dân với mong muốn được nhận thi hài tự nguyện phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường. Nhà trường sẽ mãi mãi mang nặng nghĩa tri ân đối với sự hy sinh của những người bạn đặc biệt - những người đã có nghĩa cử vô cùng cao đẹp, hiến xác mình cho sự nghiệp đào tạo y khoa. Nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực y tế xuất sắc phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh”.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>