“Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã là xu thế, không làm không được !”

08/04/2021 | 05:58 GMT+7

Trong chuyến công tác ở Hậu Giang mới đây cùng các công ty, doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin (CNTT) tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lâm Nguyễn Hải Long (ảnh), Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, đã có những chia sẻ chân tình về chuyển đổi số cũng như ứng dụng CNTT. Ông Long cho biết: Chuyển đổi số nói riêng và ứng dụng CNTT nói chung nếu được thực hiện bài bản, hiệu quả sẽ mang lại nhiều kết quả lớn trong sự phát triển địa phương, đây là xu thế, không làm không được...

Theo ông thì điểm nghẽn, cản trở trong ứng dụng CNTT hiện nay là gì ?

- Có rất nhiều lý do tạo nên điểm nghẽn, cản trở việc chuyển đổi số nói riêng và ứng dụng CNTT nói chung.

Đầu tiên là tư duy và nhận thức, nếu giải phóng được tư duy và nâng tầm nhận thức thì mọi việc sẽ nhanh, còn thực tế hiện nay nhiều đơn vị, nhiều nơi vẫn thấy chưa thông.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trao đổi với các chuyên gia CNTT tại một hội thảo mới đây.

Thứ hai là nguồn lực đầu tư dành cho CNTT của từng địa phương chưa được đầu tư xứng đáng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và ứng dụng CNTT cũng bị giới hạn từ trình độ nhân lực, kiến thức chuyên môn.

Thực tế, khi bắt tay vào làm ai cũng mong có kết quả hiển hiện. Đây là việc rất khó, vì giai đoạn khởi đầu nhìn đâu cũng thấy tiêu tiền, chưa thấy được kết quả, nhưng về lâu về dài, từ trung hạn trở lên chắc chắn sẽ “ra hoa kết trái”...

Các địa phương thường nói ứng dụng CNTT thiếu hiệu quả là do tiền không có và con người cũng không, theo ông ý kiến này có đúng ?

- Không sai nhưng không hoàn toàn là vậy. Như tôi đã chia sẻ, khi giải phóng được nhận thức và tư duy thì cả nhân lực và tiền bạc đều sẽ giải phóng được. Tiền không có thì không được nhưng không phải là tất cả trong vấn đề này. Mình đang làm theo cách của mình, mình không phải lấy mô hình từ Anh, từ Mỹ về để áp vào mình đâu mà đặt nặng chuyện tiền bạc.

Nhiều nơi khi nói đến ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đều muốn làm “thật bự”, vậy có ổn không ?

- Không nên như vậy. Đừng đặt vấn đề quy mô lớn, mà vấn đề chính là tính hiệu quả của từng việc nhỏ, điều này sẽ quan trọng hơn. Khi có kết quả bước đầu đó sẽ tạo cảm hứng, động lực phấn đấu tiếp. Mới bắt đầu mà làm ngay việc lớn sẽ ngại lắm, nhỏ làm trước, lớn làm sau, dễ trước, khó sau sẽ ổn hơn…

Với CNTT, trong thời hạn 5 năm triển khai, có thể thấy được hiệu quả không, thưa ông ?

- Được. Nước nào cũng cần để báo cáo trong nhiệm kỳ chứ không riêng gì ở Việt Nam. Để có kết quả ngắn hạn này mới đi được dài hạn, có kết quả mới có thể động viên mọi người cùng đồng hành tiếp tục, để đủ hấp dẫn để bước tiếp, nhưng khi qua 5 năm có được kết quả ra sao thì là ở phương pháp làm.

Với những tỉnh còn khó khăn như Hậu Giang, liệu ứng dụng CNTT sẽ tạo được sự đột phá không, thưa ông ?

- Chắc chắn là có, tiềm năng Hậu Giang rất là lớn ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trái cây, nông sản, cùng đa dạng cây con khác. Chúng ta có thể ứng dụng CNTT để giải quyết bài toán nâng cao giá trị và tạo được chuỗi giá trị cho chính người nông dân và thế mạnh địa phương mình. Điển hình như một loại trái cây nổi tiếng tại Hậu Giang mà nhiều người biết là khóm Cầu Đúc chẳng hạn, từ chỗ luôn lo được mùa mất giá hoặc khó giữ giá, mình có thể nâng cao giá trị từ ứng dụng CNTT, như thông qua tin học hóa để đo lường dinh dưỡng trong khóm, kiểm soát được quy trình chăm sóc, nếu được vậy thì việc trái khóm xuất khẩu hoặc đưa vào chuỗi siêu thị lớn sẽ không còn là vấn đề nan giải, từ chỗ bán được 1-2 đồng, giờ lên 6-7 đồng hoặc cao hơn là hoàn toàn có thể.

Điều gì cũng cần khởi đầu, vậy với ứng dụng CNTT sẽ khởi đầu ra sao ?

- Tôi xin nhắc lại vẫn phải thay đổi nhận thức trước, qua việc tổ chức nhiều hội thảo về CNTT và chuyển đổi số để cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, tiếp cận được điều căn bản, để cởi mở với nhau và thông thoáng trong suy nghĩ về vấn đề này.

Những địa phương khó khăn sẽ có tâm lý là ngại và mặc cảm, như chúng tôi khi giai đoạn đầu tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, người ta nói mình có thể chẳng hiểu hết hoặc chẳng hiểu gì, nhưng mình phải tiếp cận, theo dõi, nghe chia sẻ để làm chủ mình, có ý chí tiên phong để vượt qua rào cản này, còn nếu mình thấy không hiểu, rồi ngại mà bỏ qua luôn thì càng ngày càng tụt lại phía sau…

Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang đã kết nối với Công viên Phần mềm Quang Trung để thực hiện các hoạt động liên quan đến ứng dụng CNTT. Công việc cụ thể dù chưa được thông tin chính thức nhưng đây sẽ là cơ hội cho Hậu Giang trong lĩnh vực này.

Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) được thành lập năm 2001, là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích 43ha, có nhiều phân khu chức năng về phần mềm, đào tạo, triển lãm. Năm 2018, QTSC là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, cả khu công việc có 4 trung tâm dữ liệu, 1 khu thực nghiệm ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, 1 viện nghiên cứu công nghệ, 165 doanh nghiệp, gần 22.000 người học tập, làm việc, 1 trung tâm ươm tạo, 7 trường đại học, cao đẳng, 20 tòa nhà văn phòng… QTSC thời gian qua đã kết nối và hỗ trợ rất nhiều tỉnh, thành trong triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT.

 

Xin cảm ơn ông !

HOÀNG NGUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>