Đầu tư công nghệ tạo đột phá cho hạt gạo

22/09/2019 | 12:34 GMT+7

Xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm 2019 tiếp tục gia tăng về số lượng. Đây là năm thứ tư liên tiếp xuất khẩu gia tăng về số lượng, nhưng giá trị lại giảm. Cụ thể, tổng giá trị trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,96 tỉ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng cần có những đột phá về công nghệ trong chế biến và bảo quản để tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, tạo thương hiệu.

Nhận diện khó khăn…

Thời gian qua, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có những bước tiến căn bản khi nông dân và doanh nghiệp đã quan tâm đến cơ cấu giống lúa chất lượng cao, đầu tư hệ thống sấy, xay xát và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đã góp phần cải thiện hình ảnh hạt gạo Việt Nam. Song, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo của  Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Cụ thể, tỷ lệ thất thoát của Việt Nam là 13,7%  so với Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%; chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%; phân phối lợi nhuận chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất và giảm chất lượng trong bảo quản. Hệ thống sấy lúa còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, công nghệ sấy còn bất cập đã ảnh hưởng xấu tới chất lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống kho chứa mới chủ yếu bảo quản gạo không đủ diện tích kho để bảo quản thóc, do đó sau khi thu mua lúa các cơ sở đều phải xay xát ngay và tồn trữ dưới dạng gạo lức, chất lượng gạo bị giảm trong quá trình bảo quản; quy trình chế biến sau thu hoạch chưa tối ưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiệu quả chế biến và giá trị gia tăng thấp, thất thoát cao, chất lượng kém và khó tận dụng phụ phẩm trong chế biến lúa gạo để tạo ra giá trị gia tăng.

Dù đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho, xay xát nhưng theo chuyên gia trong ngành lúa gạo: Tình trạng dùng “quy trình ngược” vẫn còn phổ biến. Cụ thể là phương pháp xay xát cắt khúc, gồm bóc lức một nơi sau đó xát trắng và đánh bóng ở một nơi khác. Phương pháp xay xát cắt khúc này gây tổn thất lớn cả về khối lượng và chất lượng của lúa gạo.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Nghị quyết 05 (Trung ương khóa IX) đã cụ thể thể hóa nội dung: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn là phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường”. Hiện nay, chúng ta đang thảo luận nhiều đến chuỗi giá trị lúa gạo. Giá trị thặng dư của nông nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp (18-20% theo phân tích của Ngân hàng Thế giới). Công nghiệp chế biến của chúng ta vẫn còn là câu hỏi lớn, chưa có giải pháp thỏa đáng trong đầu tư cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Trong khi công nghệ sau thu hoạch và tồn trữ nông sản trên thế giới đang đổi mới khá nhanh

Loại bỏ “quy trình ngược”

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất: Để nâng cao chất lượng gạo, trong thời gian tới, cần cải thiện hơn nữa quy trình công nghệ và thiết bị để xay xát lúa gạo. Bên cạnh đó, ứng dụng tự động hóa để kiểm soát hoàn toàn và chính xác quá trình xay xát nhằm nâng cao chất lượng của gạo sau khi xay xát. Đối với công nghệ xay xát, cần ứng dụng phương pháp “xay xát một giai đoạn duy nhất”; ứng dụng công nghệ xát lức 2 lượt, xát trắng 2-3 lượt và đánh bóng 2-3 lượt để giảm cường độ chà xát và tích tụ nhiệt lượng đối với hạt gạo, nhằm giảm tỉ lệ tấm và tăng tỷ lệ gạo nguyên sau xay xát. Ứng dụng các máy làm sạch, phân loại và tách màu tiên tiến để cải thiện hơn nữa chất lượng của gạo sau khi xay xát đáp ứng được các yêu cầu chất lượng cao, đặc biệt đối với các loại gạo thơm, gạo Nhật, gạo đặc sản của các thị trường khó tính.

Thực tế, các doanh nghiệp xay xát, chế biến lương thực, dù quy mô nhỏ hay lớn, chuyện đáng buồn là hàng năm đều có doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, mặc dù đa số các công ty này có kinh nghiệm và lâu năm trong ngành. Cạnh tranh trong ngành gạo rất khốc liệt, đòi hỏi rất nhiều yếu tố để có thể tồn tại và phát triển. Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, than thở về “chuyên khát vốn”: “Ngoài yếu tố thị trường theo quy luật cung cầu, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong các nguyên nhân chính không giúp ngăn được đà giảm giá lúa gạo cho nông dân vào rộ vụ thu hoạch, làm doanh nghiệp cũng lỡ mất cơ hội kinh doanh khi không đủ tiền để có thể mua nhanh lượng lúa hàng hóa này”.

Một số chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng: Để góp phần tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel. Đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp mới, một yếu tố được xem là quyết định của thành công. Israel có tới 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Ngần ấy đã giúp thay đổi hoàn toàn bức tranh nông nghiệp của Israel và tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế. Lúa gạo ĐBSCL đã và đang khao khát nguồn vốn FDI như vậy”.

“Phát triển theo chiều sâu đối với nền nông nghiệp Việt Nam phải dựa trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp. Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao không phải ngoại lệ. Làm gì khi nông dân chắc chắn sẽ đối diện gay gắt với quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa toàn cầu, sự cạnh tranh không cân sức giữa các nước giàu và nghèo trong chính sách trợ giá nông sản bất hợp lý của nước lớn. Trong vùng này, nông dân sẽ áp dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp chính xác với những thiết bị thông minh. Vùng chuyên canh phải gắn liền với nhà máy chế biến nông sản đó là những nền tảng cho ngành lúa gạo Việt Nam”, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chỉ ra.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Đây là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

 

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>