Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

23/02/2021 | 04:51 GMT+7

Năm 2021, huyện Long Mỹ đã xác định tập trung tái cơ cấu sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với thị trường.

Phát triển kinh tế tập thể để thành viên tham gia chủ động trong sản xuất và tiếp cận với thị trường nông sản cạnh tranh. 

Huyện Long Mỹ có diện tích cây ăn trái hơn 3.731ha và diện tích lúa bao tiêu là hơn 13.000ha. Định hướng phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của huyện cũng dựa trên đặc thù về đất đai, diện tích và đặc điểm sản xuất của từng địa phương, gắn liền với hai thế mạnh là cây ăn trái và lúa. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Đối với cây lúa, định hướng tới của ngành nông nghiệp huyện là đẩy mạnh sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa đặc sản tiến tới xây dựng thương hiệu riêng. Tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật ứng dụng tiến bộ trong canh tác, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất lúa… thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Trong năm 2020, từ các nguồn vốn và nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, phòng nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 9 tỉ đồng cho các hợp tác xã để trang bị thêm máy móc, giống, phân bón để nâng cao năng lực sản xuất.

Ông Lương Hoàng Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Lợi, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: Mới đây, HTX trang bị thêm máy gặt đập liên hợp với sự hỗ trợ 50% kinh phí của huyện. Thời gian qua, thành viên HTX còn tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Diện tích lúa của HTX đến nay khoảng 490ha, với tổng số thành viên là 24. Hàng năm diện tích lúa trong HTX được doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua ổn định. Với lợi thế về khâu chăm sóc, bơm tưới, thu hoạch đồng loạt và chất lượng đồng đều, giá cả thu mua có lợi cho các thành viên so với bán riêng lẻ. Như vụ vừa rồi 1.500 tấn lúa giống Đài Thơm 8 của HTX được thu mua cao hơn giá bên ngoài 100 đồng/kg.

Còn tại vùng chuyên canh mãng cầu xiêm ở xã Thuận Hòa, một HTX nông nghiệp cũng sớm hình thành từ năm 2017 để thúc đẩy liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho loại cây ăn trái này. Với 31 thành viên ban đầu, qua từng năm HTX dần nâng chất hoạt động và đạt nhiều kết quả khả quan, có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua ổn định. Nhờ vậy mà tính đến năm 2020 tổng số thành viên tham gia tăng lên con số hơn 40, HTX cũng được xếp loại tốt trong năm hoạt động vừa qua.

Dù tình hình tiêu thụ nông sản nhìn chung khó khăn hơn các năm trước, tuy nhiên sản lượng thu mua của doanh nghiệp đạt hơn 200 tấn, với giá 9.000 đồng/kg. Năng suất trung bình diện tích mãng cầu trong HTX đạt từ 4-5 tấn/công. Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, cho biết ngoài HTX của ông chuyên về thu mua, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hiện nay tại địa phương hình thành các cơ sở sản xuất trà mãng cầu, còn có HTX nông nghiệp và thương mại - dịch vụ mãng cầu với thế mạnh là đa dạng các sản phẩm chế biến, góp phần tiêu thụ nhiều trái tươi cho người dân và nâng cao thương hiệu cho trái mãng cầu. Không chỉ trà mà nhiều sản phẩm khác đã có mặt trên thị trường như rượu mãng cầu, mứt mãng cầu…

“Liên kết sản xuất và tham gia các mô hình KTTT là nhu cầu tất yếu để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản quy mô lớn, chất lượng cao và đầu ra ổn định. Vượt qua những lúng túng ban đầu khi mới xây dựng, các HTX trên địa bàn huyện hiện nay đã quen với cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh kiểu mới. Qua đó người nông dân làm chủ sản phẩm, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để định hướng việc sản xuất, ứng dụng tiến bộ không chỉ trong sản xuất mà còn trong cách quản lý, điều hành HTX, tiếp cận thị trường… Sự đổi mới trong tư duy còn thể hiện ở chỗ số lượng thành viên của mỗi HTX dần tăng lên, cách thức hoạt động hiệu quả, chắc chắn, có được lòng tin của doanh nghiệp khi đến hợp tác, duy trì việc làm ăn lâu dài”, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, nhấn mạnh.

Đến nay trên địa bàn huyện Long Mỹ có 30 HTX, trong đó có 29 HTX nông nghiệp, 1 HTX phi nông nghiệp. Ngoài ra còn có 90 tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả, tăng 54 tổ so với cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>