Gánh nặng vì mưa, bão

20/10/2020 | 09:29 GMT+7

Mưa dầm kết hợp với triều cường dâng cao đã và đang gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại cho sản xuất. Dự báo, tình hình vẫn còn kéo dài trong thời gian tới nên càng làm cho người dân trong tỉnh lo lắng.

Nhiều diện tích khổ qua rừng trong giai đoạn thu hoạch của người dân ở xã Vị Tân mất trắng do bị ngập sâu.

Trên địa bàn thành phố Vị Thanh, trong thời điểm này nước lũ đã gây ngập gần như hầu hết toàn bộ diện tích rau, màu của bà con, với độ sâu từ 20-30cm. Do bị nhấn chìm trong nước nhiều ngày qua nên không ít vườn rau, màu của người dân đã rơi vào cảnh mất trắng. Với vẻ mặt đầy tiếc nuối khi nhìn 1,3ha bắp (từ mới trồng đến gần một tháng tuổi) của gia đình bị ngập sâu trong nước và lá bắp đã vàng héo chết dần, ông Đoàn Văn Há, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, buồn bã cho biết: “Nước lũ bắt đầu ngập sâu hơn 10 ngày qua. Ban đầu, gia đình tôi cố be bờ, mua cao su để tấn xung quanh nhằm hạn chế nước bên ngoài tràn vào, cũng như tiến hành bơm rút nước liên tục cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, mưa ngày càng nhiều, nước lũ xung quanh dâng lên nhanh nên gia đình đã thất thủ và đành nhìn cây bắp chết dần trong nước. Với tình cảnh này thì coi như vụ bắp tôi bị mất trắng với chi phí đã đầu tư gần 10 triệu đồng”.

Có chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Chánh, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, cho hay: “Gần 5 công bắp của gia đình đã trồng được hơn một tháng nhưng đang bị nước gây ngập phân nửa cây, có chỗ ngập gần qua đọt. Hiện tại, lá bắp bắt đầu vàng, héo nên mất trắng là khó tránh khỏi. Không chỉ có diện tích bắp mới trồng mà nhiều vườn bắp ở xung quanh đây tuy đã có trái to và gần đến ngày thu hoạch cũng bị mất trắng vì nước ngập, thương lái không đến mua. Do đó, những hộ có rẫy bắp chuẩn bị thu hoạch bị thua lỗ nặng hơn vì tiền đầu tư khá nhiều. Ban đầu, bà con cũng bơm rút nước để bảo vệ rẫy bắp, nhưng trời cứ mưa, nước càng dâng cao cả cánh đồng nên đành buông xuôi”.

Giống như bà con trồng bắp, một số hộ dân đang canh tác mô hình trồng tiêu - tràm trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ…, cũng buồn bã vì các liếp tiêu trên vườn tràm của gia đình bị ngập sâu trong nước từ 20-30cm. Do đó, nguy cơ phải đối mặt với tình trạng chết dây tiêu và phải trồng lại là rất cao. Bà Nguyễn Thị Loan, có gần 5 công tiêu - tràm ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Do bị ngập nước nhiều ngày qua nên hiện vườn tiêu của tôi có một số bụi, lá tiêu bắt đầu chuyển sang màu vàng và héo dần. Nhằm hạn chế thiệt hại, gia đình tôi đang thuê nhân công tích cực gia cố bờ bao xung quanh để bơm rút nước với hy vọng sẽ cứu vãn được tình hình. Chứ tiêu bị chết thì gây nhiều thiệt hại và phải mất nhiều thời gian để gầy dựng được”.

Qua rà soát của ngành nông nghiệp thành phố Vị Thanh mới đây, hiện toàn thành phố có hơn 4.000ha lúa, khóm, hoa màu và cây ăn trái các loại (chiếm 57% tổng diện tích) bị ngập sâu trong nước. Trong đó, ngoài cây bắp thì điều đáng quan tâm là có nhiều diện tích khổ qua rừng của người dân đang trong giai đoạn thu hoạch để giao cho công ty nhưng bị nước nhấn chìm sâu khoảng 40-50cm, từ đó gây mất trắng cho nông dân và chủ yếu ở xã Vị Tân. Bà Võ Kim Nga, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, buồn bã cho biết: “10 công khổ qua rừng của gia đình đang vào giai đoạn thu hoạch thì bị nước lũ gây ngập sâu. Giờ dây khổ qua đã xuống lá và chết. Vì vậy, gia đình tôi chỉ thu hoạch được phần ít ỏi trái non nằm phía trên, còn trái lớn thì bị ngập sâu trong nước nên mất trắng. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đây coi như không thu lại được đồng nào, ước thiệt hại hơn 50 triệu đồng”.

Cùng với nông dân trồng rau, màu thì bà con trồng lúa trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào tình cảnh thiệt hại nặng do mưa dầm và triều cường dâng cao. Qua ghi nhận tại nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh, mưa dầm kết hợp triều cường đã gây đổ ngã, ngập úng nhiều diện tích lúa Thu đông trong giai đoạn thu hoạch. Trước tình cảnh lúa quá ngày cắt nhiều hôm liền và đang bị ngập sâu, đổ ngã; đồng thời mưa liên tục xuất hiện nên máy cắt không thể vào ruộng để cắt lúa. Vì vậy, nhằm vớt vác lại phần nào vốn liếng đã đầu tư, hiện nhiều nông dân đã liên hệ với cánh “cò lúa” xem xét mua lúa thu hoạch bằng tay để bà con gấp rút kiếm nhân công cắt.

Anh Lương Văn Tùng, một “cò lúa” ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: “Nhiều ngày qua, có không ít bà con nơi đây gọi điện cho tôi đến xem ruộng để áp giá mua lúa thu hoạch bằng tay. Chứ còn đợi máy cắt thì tình hình ngày một xấu thêm và không khéo còn mất trắng vì lúa đã chín nhiều ngày. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cố gắng xem và mua những ruộng nào có lúa còn đứng hoặc bị sập chút đỉnh, còn ruộng sập nhiều thì rất khó do lúa bị ngâm trong nước nhiều ngày, chất lượng hạt gạo giảm”.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước trên các sông, kênh, rạch trong tỉnh lên nhanh trong những ngày qua là do mưa liên tục từ đầu tháng 10 đến nay. Trong đó, mực nước đo được đến ngày 19-10 đạt mức cao nhất trong thời gian qua. Cụ thể, tại sông Cái Côn, huyện Phụng Hiệp là 1,56m và trên kênh xáng Xà No, thành phố Vị Thanh là 0,92m. Từ ngày 20-10 mực nước sẽ xuống chậm trong 3 ngày tiếp theo và duy trì ở mức từ 0,85-1,46. Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, đề nghị các địa phương trong tỉnh cần tuyên truyền, vận động người dân chủ động đề phòng đỉnh triều dâng cao kết hợp với mưa lớn tại chỗ gây ngập, lụt, tràn đê bao cục bộ, nhất là tại một số vùng trũng. Trong đó, các địa phương và người dân có giải pháp phù hợp trong bảo vệ từng loại cây ăn trái có mức chịu đựng ngập lũ khác nhau nhằm hạn chế thiệt hại.

Qua tổng hợp nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình thiệt hại mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao trong những ngày qua, đến chiều ngày 19-10, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 3.913ha lúa Thu đông trong giai đoạn trổ chín đến sắp thu hoạch bị đổ ngã, với tỷ lệ đổ ngã từ 10-100%, ước thiệt hại năng suất từ 5-80%; đồng thời có 5.809ha lúa Thu đông ở giai đoạn mạ và trổ chín đến sắp thu hoạch bị ngập sâu từ 10-30cm. Ngoài ra, ghi nhận 304,8ha cây ăn trái bị ngập úng cục bộ; có 26ha mía bị đổ ngã (tỷ lệ từ 10-30%) và hơn 1.062ha mía bị ngập sâu từ 5-30cm. Bên cạnh đó, có hơn 333ha rau màu bị ngập úng cục bộ, tỷ lệ thiệt hại từ 5-30%. Mặt khác, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 200.000ha đất tự nhiên và đất ven lang bãi bồi bị ngập sâu trong nước từ 10-30cm.  

 

    Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>