Giữ “lá phổi xanh” cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long

27/01/2020 | 09:06 GMT+7

Là đơn vị có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh (hơn 2.800ha), trong năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn) tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trọng tâm trong công tác giữ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nhờ vậy, kết thúc mùa khô năm 2019, Lung Ngọc Hoàng có thành tích 10 năm liền không để xảy ra cháy rừng.

Nhờ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nên Lung Ngọc Hoàng có thành tích 10 năm liền không để xảy ra cháy rừng.

Không khí trong lành, thiên nhiên hoang dã với màu xanh của rừng tràm, lau sậy, dây choại… là cảm nhận rõ nét nhất cho bất cứ ai khi đến với Lung Ngọc Hoàng. Chính điều này nên từ lâu Lung Ngọc Hoàng được nhiều nhà khoa học ví như “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để giữ lá phổi luôn được xanh cho môi trường sống trong lành thì tập thể cán bộ, người lao động nơi đây luôn nỗ lực hết mình trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác PCCCR trước điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt khi vào mùa khô.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc khu bảo tồn, cho biết: Như thông lệ hàng năm, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch và mở nhiều cuộc tuyên truyền, vận động về công tác PCCCR đến với người dân sống cặp theo các cánh rừng của khu bảo tồn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về PCCCR ngày càng được đơn vị đa dạng bằng nhiều hình thức, trong đó nổi bật là chính cán bộ của khu bảo tồn xây dựng và trình diễn những kịch bản gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bà con. Từ đó, người dân nhận thấy được những tác hại khi để xảy ra cháy rừng, đồng thời những vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào khi vào rừng khai thác, đánh bắt động vật trái phép. Với cách làm trên mà công tác PCCCR ngày càng nhận được sự chung tay góp sức của người dân.

Cùng với công tác tuyên truyền đến với người dân, khu bảo tồn còn thực hiện ký kết thỏa ước trong công tác phối hợp PCCCR giữa lãnh đạo khu bảo tồn và chính quyền các địa phương giáp ranh. Bên cạnh đó, vào cao điểm mùa khô, khu bảo tồn luôn đảm bảo lực lượng tuần tra, kiểm soát người dân vào rừng, cũng như phối hợp với lực lượng tuần tra liên ngành khi đến đơn vị làm nhiệm vụ. Đồng thời, bố trí lực lượng trực tháp canh, trực văn phòng đúng quy định kể cả ngày lễ, chủ nhật và khi cần thiết sẽ tăng cường trực, đi kiểm tra vào ban đêm nhằm bảo vệ diện tích rừng được an toàn. Song song đó, cứ cách nhau khoảng 10 ngày là khu bảo tồn tổ chức vận hành diễn tập các thao tác PCCCR và kiểm tra các trang thiết bị máy móc. Đặc biệt, trong mùa khô năm qua, khu bảo tồn phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, huyện Phụng Hiệp tổ chức một đợt diễn tập thật có đốt thực bì và buổi diễn tập diễn ra thành công, mang lại nhiều kinh nghiệm quý cho cán bộ làm công tác PCCCR tại đơn vị. 

Ngoài sự chủ động của đơn vị, công tác PCCCR luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Đặc biệt, sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại khu bảo tồn và nhận thấy sự cần thiết với đề xuất của đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho khu bảo tồn 2 camera quan sát gắn trên tháp canh và 2 thuyền bơm để phục vụ cho công tác PCCCR. Hiện tại, các thiết bị trên đã trang bị xong cho khu bảo tồn, qua đây giúp đơn vị giảm nhiều áp lực cho cán bộ trực tháp canh mỗi khi vào cao điểm mùa khô, cũng như tạo độ ẩm tốt cho rừng khi có thuyền bơm.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết thêm: Kết thúc năm 2019, khu bảo tồn đã thực hiện tích cực và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và các nhiệm vụ chuyên môn khác tại đơn vị. Đặc biệt là công tác PCCCR, việc trồng bổ sung thêm rừng tràm và cây bản địa, cũng như thực hiện một số đề tài khoa học liên quan đến công tác bảo tồn nguồn gen của nhiều loại thực bì trong rừng, đồng thời quản lý tốt việc lấn chiếm đất rừng… Từ hiệu quả trên, diện tích rừng tại khu bảo tồn luôn được đảm bảo, góp phần tạo môi trường sống trong lành không chỉ cho người dân khu bảo tồn mà còn trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL.

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>