Hạn, mặn vẫn còn gay gắt

07/04/2021 | 07:46 GMT+7

Mùa khô năm 2020-2021, ở ĐBSCL, xâm nhập mặn đã diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt dự báo sẽ còn diễn ra gay gắt.

Nồng độ mặn vẫn còn ở mức cao ở một số địa phương của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Nguồn nước sụt giảm

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT, nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về ĐBSCL xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mekong về ĐBSCL (tính tại trạm Kratie) từ đầu mùa khô đến nay bình quân là 61,28 tỉ m3, cao hơn 4,0 tỉ m3 so với TBNN cùng kỳ; cao hơn 18,68 tỉ m3 so với mùa khô năm 2015-2016 và cao hơn 26,82 tỉ m3 so với mùa khô 2019-2020.

Dung tích Biển Hồ Campuchia từ đầu mùa khô đến nay hầu hết ở mức thấp hơn TBNN, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 và năm 2015-2016. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-2021 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ khoảng 5-15%. Mùa kiệt năm 2021, lượng xả nước từ khu vực Trung Quốc xuống hạ lưu dự báo trên dưới 1.000 m³/s. Mưa hạ lưu vực không đáng kể, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong các tháng đầu mùa khô. Trong tuần này mặn có xu thế giảm và tăng trở lại vào tuần trăng từ ngày 9 đến 13-4. Nồng độ mặn 4%o có thể xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 40-50km, 85-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn. Vùng thượng nguồn ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, nguồn nước hiện thuận lợi cho sản xuất, tận dụng thời điểm lấy nước ở các vị trí xa kênh trục.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, mặn xuất hiện sớm đã ảnh hưởng đến các cửa lấy nước vào các kỳ triều cường, cần chủ động tích nước và kiểm tra chất lượng nước khi lấy nước. Các vùng cách biển 40km trở lên có thể tranh thủ lấy nước khi độ mặn cho phép trước khi mặn lên cao. Chủ động các biện pháp tích trữ nước ngay khi có thể, khi mặn rút ở các kỳ triều kém. Chủ động các biện pháp tích trữ nước bảo vệ các vườn cây trái và nước sinh hoạt.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn, mặn.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, cho rằng do lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh giảm, từ đó lưu lượng dòng chảy trên sông, rạch không đủ cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, nuôi thủy sản và xuất hiện tình trạng thiếu ở một số địa phương như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, một số xã ở thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy. Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết là hiện tại nồng độ mặn đo được trên địa bàn Hậu Giang đang dao động từ 0,1-7,1%o. Trong đó, nồng độ mặn cao xuất hiện ở một số sông chính ở xã Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ; xã Tân Tiến, Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

Dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu đến giữa tháng 4, ở vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn bắt đầu giảm dần, phạm vi xâm nhập cách biển từ 30-45km, có nước ngọt khi triều thấp, chân triều; vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức như trong tháng 3. Từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm; ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng 25-30km trở vào có thể có nước ngọt.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống lúa Hè thu ở những nơi nguồn nước đảm bảo.  

Nhiều giải pháp cần thực hiện

Theo các cơ quan chuyên môn, để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, các giải pháp cần được thực hiện là cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, chất lượng nước, ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương. Tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của Nhân dân; lợi dụng thủy triều để tranh thủ bơm nước; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp; xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn, ngọt rõ ràng, để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Bố trí cơ cấu, thời vụ lúa Hè thu hợp lý để phát huy hiệu quả của nguồn nước theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

Cụ thể, khuyến cáo thời vụ ở đồng bằng sông Cửu Long, việc xuống giống vụ Hè thu có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi, cần đề phòng tình trạng thiếu nước vào đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn, những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống. Những khu vực nào thuận lợi về nguồn nước có thế xuống giống sớm hơn, còn những nơi không đảm bảo phải chờ mưa xuất hiện trên diện rộng mới thực hiện xuống giống. Những khu vực thuận lợi về nguồn nước vẫn phải đề phòng một số trường hợp bất thường do mưa muộn, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng thấp, khi xuống giống cần kiểm tra kỹ độ mặn.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT Lê Thanh Tùng cho rằng, quan điểm chỉ đạo của đơn vị là tập trung giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giảm giống gieo sạ, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm với mục tiêu giảm giá thành và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ dịch hại; giảm chi phí sản xuất vừa chủ động đối phó với diễn biến giá cả thị trường trong nước và xuất khẩu vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường khó tính, gia tăng lợi nhuận cho ngành lúa gạo.

Sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và đề xuất của doanh nghiệp, của thương lái thu mua trong vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và liên kết đồng bộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa trong và ngoài nước. Thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước phục vụ sản xuất, sự phát sinh, phát triển của dịch hại để bố trí thời vụ xuống giống thích hợp dựa trên nguyên tắc tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ sản xuất lúa.

Trước ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều nên những tháng đầu năm 2021 tại vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển đang xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ đã kéo theo giá nước ngọt tăng cao làm ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL tích cực triển khai các giải pháp ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Theo đó, khẩn trương xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn để chỉ đạo, triển khai những giải pháp cụ thể và hiệu quả. Trong đó, ưu tiên nguồn nước để cấp cho sinh hoạt và không để hộ dân nào thiếu nước; trường hợp cần thiết thì huy động lực lượng quân đội, công an nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, từ đó kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương và người dân có giải pháp ứng phó phù hợp.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè thu 2021, kế hoạch toàn vùng Nam bộ gieo sạ hơn 1,6 triệu héc-ta, năng suất dự kiến đạt 5,61 tấn/ha và sản lượng 9,1 triệu tấn. Trong đó ĐBSCL có kế hoạch gieo sạ 1,52 triệu héc-ta; năng suất gần 5,63 tấn/ha; sản lượng 8,554 triệu tấn. Tỉnh Hậu Giang, dự kiến xuống giống 76.000ha, sản lượng khoảng 489.000 tấn. Hiện tại, nông dân trong tỉnh đang xuống giống tại các vùng lúa Đông xuân sau khi thu hoạch. Còn lại một số vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn sẽ xuống giống khi mùa mưa bắt đầu.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>