Khởi sắc đầu năm

25/01/2021 | 18:57 GMT+7

Sau gần một tháng đầu năm 2021 thực hiện các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhiều lĩnh vực của tỉnh có kết quả khởi sắc so với cùng kỳ, qua đây tạo bứt phá để hoàn thành tốt các chỉ tiêu của năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong tháng 1 đạt hơn 4.300 tỉ đồng, tăng 18,05% so với cùng kỳ.

Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả ấn tượng

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, phần việc trọng tâm trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH theo từng lĩnh vực được phụ trách. Nhờ vậy, chỉ sau gần một tháng đầu năm 2021, nhiều chỉ tiêu có kết quả đạt ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Nổi bật là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện được 96,15 triệu USD, tăng 50,18%; trong đó xuất khẩu thực hiện được 69,28 triệu USD, tăng 57,34% và nhập khẩu thực hiện được 21,76 triệu USD, tăng 56%.

Giá bao tiêu lúa Đông xuân đang ở mức hấp dẫn đã tạo động lực cho người dân tích cực chăm sóc ruộng lúa của gia đình để cho năng suất cao nhất.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, cùng việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, RCEP, CPTPP...) mà Việt Nam đã ký kết đã tạo động lực và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang có sản lượng xuất khẩu ổn định hơn đối với các nhóm hàng chủ lực như: thủy hải sản, các sản phẩm dệt may, da giày... sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua đó, chỉ tiêu xuất, nhập khẩu của tỉnh trong tháng một này có mức tăng trưởng cao và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cùng với xuất, nhập khẩu thì lĩnh vực công nghiệp - đầu tư - xây dựng cũng đang có sự phát triển tốt. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được hơn 2.471 tỉ đồng, tăng 8,39%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,69%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 15,7%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,43%. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 1 đạt hơn 4.300 tỉ đồng, tăng 18,05%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 3.355 tỉ đồng, tăng 20,87%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 594 tỉ đồng, tăng 8,58%; doanh thu dịch vụ khác thực hiện được 349 tỉ đồng, tăng 9,72%.

Song song đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng cho thấy nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ khi hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Điển hình trên cây trồng chủ lực của tỉnh là lúa, với tổng diện tích lúa Đông xuân 2020-2021 đã xuống giống đến thời điểm này đạt hơn 77.000ha (kế hoạch 76.600ha). Hiện tại, lúa tập trung ở giai đoạn mạ đến làm đòng, riêng biệt có hơn 50ha ở huyện Châu Thành A đang trổ chín.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Dự báo về thị trường tiêu thụ lúa gạo tới đây sẽ gặp nhiều thuận lợi nên thông qua công tác kêu gọi của đơn vị, đến nay đã có 40 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến ký kết hợp đồng bao tiêu lúa Đông xuân cho người dân của tỉnh được hơn 39.000ha. Phấn khởi hơn khi giá bao tiêu lúa đang ở mức hấp dẫn cho người dân khi dao động từ 6.000-7.000 đồng/kg (tùy giống). Với giá lúa ở mức cao như hiện nay đã tạo động lực lớn cho người dân trong tỉnh tích cực chăm sóc ruộng lúa của gia đình mình để có thể đạt năng suất cao nhất khi thu hoạch, nhờ vậy các trà lúa trong tỉnh đang phát triển tốt, tình hình dịch hại xuất hiện ít nên kỳ vọng được mùa bội thu.

Ngoài cây lúa, hiện nhiều nông dân trong tỉnh còn chuẩn bị phong phú mặt hàng nông sản để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, từ đó diện tích trồng đã tăng mạnh. Điển hình, diện tích rau màu các loại đã xuống giống được 6.290ha, tăng 15% so với cùng kỳ; tương tự diện tích cây ăn trái đạt 41.687ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Cũng nhằm phục vụ thị trường tết, hiện đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh về số lượng, trong đó đàn heo có 84.954 con và đàn gia cầm 4,52 triệu con. Cùng với việc phát triển số lượng đàn trong chăn nuôi thì thời gian gần đây ngành thú y từ tỉnh đến cơ sở còn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc và gia cầm. Cụ thể, đã thực hiện nhiều đợt tiêu độc, sát trùng trên xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các trại chăn nuôi tập trung; cũng như tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… Từ việc triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nên hiện trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch tả heo châu Phi và dịch cúm gia cầm.

Ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm

Trên đà thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tháng 1, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh tiếp tục triển khai tốt các giải pháp theo kế hoạch đề ra; trong đó, xác định một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cần chủ động thực hiện trong lúc này là tập trung các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn để hạn chế thiệt hại trong sản xuất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn. Bởi theo dự báo của cơ quan chuyên môn Trung ương, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay tại các tỉnh vùng ĐBSCL (trong đó có Hậu Giang) sẽ diễn ra gay gắt, khó lường. Đặc biệt, nước mặn với nồng độ cao có thể lấn sâu vào nội đồng ngay trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin thêm: Điều lo lắng của ngành nông nghiệp hiện nay là toàn huyện Long Mỹ vẫn còn 160ha lúa Đông xuân 2020-2021 chưa xuống giống; riêng các diện tích đã gieo sạ thì lúa đang ở giai đoạn mạ khá nhiều. Do đó, ngành chức năng huyện Long Mỹ cần khẩn trương vận động người dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa Đông xuân, cũng như có giải pháp đắp các đập thời vụ để ngăn mặn và trữ nước ngọt phục vụ sản xuất hiệu quả khi nước mặn về. Quan điểm chỉ đạo chung của ngành nông nghiệp tỉnh trong ứng phó xâm nhập mặn năm nay là không phải đợi mặn đến đâu là đóng cống và đắp đập thời vụ đến đó mà cần xác định vùng chịu ảnh hưởng sớm sẽ tiến hành đóng cống và đắp đập thời vụ đồng loạt để có sự chủ động.

Trước sự lo lắng của ngành nông nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho hay: Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, hiện địa phương đã xuống 11 đập thời vụ và đang khẩn trương đắp tiếp 41 đập. Huyện Long Mỹ cam kết sẽ đắp xong tất cả 87 đập thời vụ trên địa bàn huyện trước ngày 25-12 (âm lịch) theo sự chỉ đạo của tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng khẩn trương vận động người dân sớm xuống giống dứt điểm lúa Đông xuân theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh tình hình xâm nhập mặn thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được ngành y tế tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chia sẻ: Tết là dịp mà người lao động từ nhiều nơi về quê họp mặt cùng gia đình, do đó công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm này sẽ được đơn vị tăng cường bằng nhiều giải pháp. Theo đó, giải pháp trọng tâm vẫn là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về việc tự nguyện đến cơ sở y tế khai báo khi từ tỉnh khác về Hậu Giang. Từ việc khai báo này sẽ tiến hành sàng lọc từng đối tượng để có giải pháp quản lý hiệu quả. Ngoài ra, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc bám sát địa bàn để kịp thời xử lý với từng trường hợp. Mặt khác, ngành cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo trong việc chia nhỏ số lượng người tham dự các buổi họp mặt, tặng quà xuân cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tháng 1, qua đây tạo động lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu theo Nghị quyết của năm đề ra. “Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để kết quả năm sau cao hơn năm trước theo sự chỉ đạo chung của Trung ương, tôi đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong lúc này là chỉ đạo tốt vụ lúa Đông xuân; rà soát và chuẩn bị tốt các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường tết; cũng như khẩn trương rà soát, kiểm tra và chủ động triển khai các giải pháp thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, dịch Covid-19 trước, trong và sau tết. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan và địa phương sớm triển khai kế hoạch và tổ chức chu đáo các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu; đặc biệt là công tác chăm lo và tặng quà tết cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ nhận bảo trợ xã hội để mọi người dân đều có cái tết ấm cúng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>