Niềm tin & kỳ vọng

26/01/2020 | 18:38 GMT+7

Năm 2019, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ở Hậu Giang không ngừng nỗ lực để mang về những kết quả nổi bật. Bước sang năm mới này, các doanh nghiệp, nhà quản lý đang kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến mới, là nơi để nhà đầu tư gắn bó, hợp tác và phát triển.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Cần Thơ:

“Nơi có nhiều điểm để doanh nghiệp an tâm đầu tư”

- Khi làm việc thực tế với các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang thì tôi nhận thấy Hậu Giang có 3 điểm nổi bật giúp doanh nghiệp an tâm khi đầu tư dự án vào đây. Thứ nhất, Hậu Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về giảm chi phí trong làm thủ tục đầu tư. Thứ hai, là một trong số ít tỉnh của cả nước có sự công bằng đầu tư giữa các doanh nghiệp. Thứ ba, là một trong những tỉnh có chỉ số về chính quyền năng động nhất của cả nước.

Từ ba điểm trên cho thấy, doanh nghiệp đến đầu tư sẽ được hưởng nhiều mặt thuận lợi. Nhất là về chính sách ưu đãi, sự nhiệt tình hỗ trợ của các cấp chính quyền, rút ngắn nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục. Bên cạnh đó, phải kể đến sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Lê Công Lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh:

“Hậu Giang là nơi tạo cho doanh nghiệp phát triển”

- Công ty đã đầu tư và hoạt động gần 10 năm, chuyên về nông sản, rau, củ, quả với các mặt hàng về xoài, chanh dây, bắp non, đu đủ, đậu bắp, khóm, chuối, thanh long… chủ yếu chuyên về đông lạnh và đóng lon xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 6 triệu USD, xuất qua các nước như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.

Chế biến nông sản xuất khẩu ở Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh.

Tôi nhận thấy Hậu Giang là vùng đất giàu tiềm năng, tỉnh luôn có chính sách thu hút đầu tư thiết thực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống giao thông khá tốt, khu cụm công nghiệp đang có nhiều đất sạch với giá ưu đãi cho nhà đầu tư. Có chi phí mặt bằng, lao động thấp nên thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng sản xuất. Khi tham gia đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất theo quy định của Nhà nước.

Ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A mà công ty đang đặt nhà máy là nơi được mời gọi ưu đãi đầu tư và tỉnh luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là trung tâm của vùng ĐBSCL, không cách xa đô thị lớn và nhất là thành phố Cần Thơ, gần các trường đại học nên thu hút nguồn nhân lực rất tốt cho nhà máy. Và cũng là trung tâm logistics ĐBSCL nên việc xuất khẩu bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy rất thuận lợi và sắp tới đây là có đường sắt trên cao. Với lợi thế này, công ty sẽ tìm hiểu, mở rộng thị trường, tăng quy mô sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu về cho doanh nghiệp và của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đửng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ:

“Còn nhiều tiềm năng cho trái cây xuất khẩu”

- Sau 10 năm đi vào hoạt động, công ty đang trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi lớn nhất Việt Nam và đứng top 10 ở thị trường châu Âu về xuất khẩu trái cây có múi. Trong đó, hai sản phẩm xuất khẩu chính là chanh không hạt và bưởi Năm Roi khi chiếm hơn 90%. Thời gian qua, công ty đã hợp tác với nông dân tại huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy trong tiêu thụ hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty. Tôi nhận thấy vùng đất Hậu Giang còn nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn trái.

Nhiều loại trái cây chủ lực của Hậu Giang đã có doanh nghiệp bao tiêu và đã xuất khẩu.

Theo bản ký kết hợp tác giữa công ty và Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thì định hướng đến năm 2021, hai bên sẽ tăng cường hợp tác xây dựng thêm 400ha chanh không hạt và 400ha bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành xây dựng nhà máy chế biến 2ha, điểm trình diễn mô hình, trại thực nghiệm giống cây ăn trái 10ha… để nâng dần giá trị trái cây của tỉnh.

Ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh:

“Nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới”

-  Lĩnh vực sản xuất của công ty là chế biến nông sản để xuất khẩu và sản phẩm chính là nước ép trái cây, sản phẩm đông lạnh. Trong năm 2019, có phát triển thêm sản phẩm trái cây sấy dẻo. Là doanh nghiệp có quy mô vừa, mọi dây chuyền sản xuất được nhập từ Italia. Có 5 sản phẩm chính, chiếm trên 80% tổng sản lượng của nhà máy như mãng cầu, trái tắc (hạnh), thanh long, chanh dây, chanh không hạt. Các sản phẩm này có chọn lựa về mùa vụ nên ít bị trùng hợp, tận dụng tối đa công suất cho nhà máy.

Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, từ khi thành lập, công ty đã tiến hành khảo sát, xây dựng vùng nguyên liệu với số lượng cung cấp ổn định và chất lượng an toàn cho nhà máy hoạt động. Công ty cũng xác định xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm do mình cung cấp, tạo niềm tin với khách hàng. Để làm được điều này, công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến BRC, ISO 22000, HACCP và mở rộng đối tượng tiêu thụ với người ăn kiêng. Ngoài ra, còn xây dựng tiêu chuẩn trách nhiệm cộng đồng để chăm sóc cho người lao động gắn bó lợi ích lâu dài với công ty. Những loại trái cây nguyên liệu do công ty thu mua đều có sự hợp tác, đầu tư và quản lý đến quy trình trồng và chăm sóc. Đặc biệt, quan tâm đến dư lượng nông dược nghiêm khắc, theo tiêu chuẩn của các nước tiêu thụ vốn là những nước phát triển cao.

Thủy sản đang là thế mạnh của Hậu Giang và ĐBSCL, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khá lớn.

Thị trường của công ty hiện nay là Canada, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… Năm 2019, dự kiến giá trị xuất khẩu từ 9-10 triệu USD, sản lượng 6.000-7.000 tấn. Đối với sản phẩm trái cây sấy dẻo chủ yếu cung cấp thị trường Trung Quốc và có đưa vào một số siêu thị ở Việt Nam. Mục tiêu vào năm 2020, công ty sẽ có 10 sản phẩm trái cây sấy dẻo (hiện mới có 2 loại) và đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu và hy vọng sẽ có một số sản phẩm vào được thị trường Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần bê tông ly tâm Hậu Giang:

“Lấy chất lượng làm thước đo thị trường”

 - Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi cơ cấu và đi vào hoạt động, công ty đã sớm ổn định và phát triển đáng kể. Nhất là cách quản lý trong vận hành kinh doanh, đơn vị đã thực sự tạo ra mặt bằng sức mua một cách thuyết phục, hiệu quả và uy tín. Từ đó, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, cũng như thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong giai đoạn hiện nay.

Sản xuất cọc bê tông ở Công ty Cổ phần bê tông ly tâm Hậu Giang.

Trong năm 2019, doanh thu của công ty vượt kế hoạch đề ra. Kết quả kinh doanh các năm qua ổn định, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Bên cạnh đóng góp thêm nguồn thu ngân sách, còn góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà.

Đạt được kết quả trên, là do Ban Giám đốc có kế hoạch bài bản, khoa học với phương châm “Chất lượng - Uy tín - Sáng tạo - Cùng phát triển bền vững”. Sử dụng nguồn nhân lực với giá rẻ, giảm giá thành vận chuyển và nguồn cung ứng vật tư chính ổn định, kịp thời. Từ đó, mà sản phẩm về gạch và cọc bê tông của công ty đã có mặt ở các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty cũng xác định đầu tư dây chuyền, trang thiết bị, nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt quyết định thành công của doanh nghiệp. Về hiện tại và trong tương lai, công ty cũng có định hướng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:

“Đưa ngành thủy sản phát triển bền vững”

- Thủy sản là thế mạnh của Hậu Giang, cũng như vùng ĐBSCL và đã góp phần rất lớn trong ngành thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn ở mức cao và có sự tăng trưởng qua từng năm.

Nuôi trồng thủy sản hiện nay bên cạnh giống tốt, nuôi trồng tốt thì sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, vượt qua được các rào cản của thị trường. Quan trọng nhất là chế biến, xuất khẩu thủy sản phải có liên kết, nhất là tổ chức lại sản xuất một cách đồng bộ.

Hội nhập hiện nay là một cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Yêu cầu của thị trường rất khắt khe, việc tìm phương thức để gia nhập thị trường là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản nên chủ động thay đổi công nghệ, tìm hiểu thị trường mới để duy trì quá trình sản xuất.

Những năm gần đây, ngành thủy sản đã trải qua nhiều thăng trầm và đối mặt với các thách thức như tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thiếu cơ sở hạ tầng, rào cản thị trường và công nghệ gây ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Phát triển các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, tối ưu hóa chi phí, xây dựng thương hiệu và tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến được xem là một trong những giải pháp chính giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản hiện nay.

Đặc biệt là chúng ta đang nỗ lực gỡ thẻ vàng và được Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, ngoài những doanh nghiệp hiện hữu còn có thêm 4 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0 USD/kg, qua đây sẽ góp phần gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong thời gian tới.

HOÀI TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>