Tận dụng thời cơ vàng

30/05/2024 | 17:53 GMT+7

Vượt qua những khó khăn, thách thức, Hậu Giang đã có những bước đột phá vượt bậc trong kinh tế lẫn thu hút đầu tư, tiến sát mục tiêu trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL.

Bài 1: Biến khát vọng thành hiện thực

Những năm gần đây, bức tranh kinh tế, hạ tầng Hậu Giang khởi sắc, bắt nhịp với toàn vùng, sẵn sàng những bước đi mới xứng tầm với tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn tỉnh đang được triển khai, khi hoàn thành mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh.

Đột phá giao thông

Hậu Giang hiện có 2 tuyến cao tốc đi qua là Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Trong đó, Dự án thành phần 3 được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản để thực hiện, với chiều dài 37km, có 1.150 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi 260ha. Đây là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên tỉnh làm cơ quan chủ quản, nhưng với quyết tâm chính trị, với tinh thần quyết liệt, không ngại khó, không ngại khổ, tỉnh đã nỗ lực hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Là một trong những trường hợp bị ảnh hưởng đường dẫn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1, ông Lê Văn Ba, ở huyện Phụng Hiệp vui vẻ cho hay, ngay khi được thông tin tuyên truyền của địa phương, gia đình ông đã chủ động bàn giao mặt bằng, bởi đó là trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương. Ông Lê Văn Ba tâm sự: “Dân địa phương ở đây dân ai cũng nhất trí, đồng ý hết. Nhà nước bồi thường cũng thỏa đáng, xong rồi nhận giấy là bàn giao liền”.

Để người dân bị ảnh hưởng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn tỉnh sớm ổn định cuộc sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo “thần tốc” đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư, tổng diện tích trên 13ha, tổng mức đầu tư khoảng 264 tỉ đồng, dự kiến có trên 700 nền được bố trí. Ngoài ra, tỉnh còn làm 2 khu tái định cư bố trí khoảng 567 nền cho các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 220 tỉ đồng. Từ đó, hộ gia đình, cá nhân khi vào ở sẽ có điều kiện sinh hoạt tốt theo nguyên tắc “Nơi ở mới của người dân phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ”.

Điểm dừng chân của doanh nghiệp

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau, các công trình giao thông hình thành đang tạo ra đột phá lớn với vùng đất đồng bằng. Do đó, để đẩy nhanh thực hiện các dự án, thời gian qua, Tỉnh ủy đã tập trung nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Nhờ vậy, nguồn đất sạch được đảm bảo, mặt bằng thi công cao tốc được tỉnh bàn giao đúng hạn, người dân thuận lòng ủng hộ chính sách của tỉnh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Hậu Giang đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn, chúng ta có 2 tuyến cao tốc. Dự kiến, năm 2025 xong 1 tuyến, năm 2026 xong một tuyến, thì mở ra cơ hội đầu tư rất lớn. Vì nói là đại lộ là đại phú, trung lộ là trung phú và tiểu lộ là tiểu phú thì đây là cơ hội vô cùng lớn. Cùng với Quốc lộ 61C, hiện nay tỉnh đang tập trung các nguồn lực chi ngân sách hàng năm xây dựng các hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh, nội huyện để liên kết với nhau, mỗi năm dành hàng ngàn tỉ đồng để làm việc này”.

Với những điểm sáng về bức tranh kinh tế và ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, ngày 27-5 vừa qua, Công ty Cổ phần bia Quốc tế Camel đã đến Hậu Giang để tìm hiểu về các chính sách và khảo sát, lựa chọn vị trí để đặt nhà máy sản xuất. Công ty hiện đã xây dựng 2 nhà máy hiện đại với tổng diện tích rộng hơn 100.000m2. Đến nay, Camel đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Nhu cầu của doanh nghiệp khoảng 10-15ha để xây dựng nhà máy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.200-1.500 tỉ đồng.

Ông Phùng Đức Hải, Giám đốc Truyền thông, Công ty Cổ phần bia Quốc tế Camel, cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư thật, dự kiến nhà máy bia sắp đầu tư có công suất 200 triệu lít/năm. Công ty rất vui mừng khi được lãnh đạo tỉnh đón tiếp, giới thiệu và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hậu Giang. Khi chọn được vị trí, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào thực hiện dự án và cam kết đến năm 2026 sẽ có sản phẩm phục vụ người dân Hậu Giang và các tỉnh, thành ĐBSCL”.

Hậu Giang đã và đang khẳng định vị thế của mình, là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến tháng 5-2024 toàn tỉnh có 321 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 184.733,2 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 25 dự án FDI với tổng vốn 754 triệu USD. Hậu Giang tiếp tục định hướng phát triển và thu hút đầu tư tập trung vào 4 trụ cột gồm “Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh và Du lịch chất lượng”.

Nhằm tạo động lực phát triển đột phá trong thời gian tới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Quan điểm của tỉnh là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh rất mong muốn có những doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tỉnh mới được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch 2 khu công nghiệp của tỉnh, đó là Khu công nghiệp Đông Phú 2 và Khu công nghiệp Sông Hậu 2 đặt tại huyện Châu Thành với diện tích 614ha. Hiện tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư để vào đầu tư hạ tầng, diện tích đất công nghiệp của tỉnh còn rất nhiều. Ngoài ra, với 2 khu công nghiệp, tổng diện tích 492ha, tỉnh vẫn còn diện tích mà trước đây đã giao cho đơn vị mà sử dụng chưa hết. Cùng với đó, còn một phần diện tích khoảng 20ha chưa giao cho nhà đầu tư, hiện ngành chức năng đang lập thủ tục để thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa.

“Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp để phối hợp triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cho nên những chính sách về ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp được những ưu đãi cao nhất. Tỉnh mong muốn có những doanh nghiệp lớn đến địa bàn tỉnh đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện thành công dự án tại địa phương với phương châm của tỉnh là Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui, sự khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh và sự thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh”, ông Đồng Văn Thanh, khẳng định.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 2: Hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>