Thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội: Còn nhiều nỗi lo

22/09/2019 | 12:36 GMT+7

Khi thời gian về gần cuối năm như hiện nay cũng là lúc các sở, ngành và địa phương trong tỉnh chạy nước rút thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình thiên tai, dịch bệnh xuất hiện nhiều cũng đang là một nỗi lo.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ sông đã gây nhiều thiệt hại cho địa phương.

Nỗi lo về dịch bệnh

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, hiện dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM) đang bùng phát mạnh và tạo ra nhiều mối lo cho ngành, cũng như người dân. Bởi qua 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận có đến 436 cas mắc bệnh SXH, tăng 290 cas so với cùng kỳ (tương đương tăng gần 200%, còn cả nước đang tăng khoảng 150%); đồng thời ghi nhận 268 cas mắc bệnh TCM, tăng 85 cas so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tuy ngành y tế đã tổ chức 3 chiến dịch (3 tháng/lần) ra quân tuyên truyền và phun thuốc diệt lăng quăng và muỗi vằn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, do một bộ phận nhỏ người dân còn lơ là và thiếu sự phối hợp là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh không được kiềm chế mà ngày càng tăng về số cas mắc bệnh.

Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: Để nâng cao nhận thức cho người dân về công tác chủ động phòng, chống bệnh SXH và TCM, ngành đề nghị Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các địa phương tăng cường phối hợp với ngành y tế cơ sở trong việc phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, cần nhắc nhở người dân đẩy mạnh việc vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, trong đó chú ý các cống rãnh, vật chứa nước và phát quang bụi rậm... để không có lăng quăng, muỗi vằn trú ẩn thì không có bệnh SXH.

Ngoài dịch bệnh trên người thì dịch tả heo châu Phi cũng đang tiếp tục là mối đe dọa lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh và gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế cho nông dân. Cụ thể, đến giữa tháng 9 này (gần 6 tháng kể từ khi phát hiện ổ bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh), dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi Hậu Giang trên 50.000 con heo, chiếm 1/3 tổng đàn heo của tỉnh, tổng thiệt hại hơn 104 tỉ đồng. Chia sẻ sự lo lắng của địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, thông tin: Đến thời điểm này, toàn thành phố có 3.900 con heo bị chết và tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi, chiếm hơn 53% tổng đàn. Do đây là dịch bệnh chưa có thuốc phòng ngừa và công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn nên dịch bệnh được dự báo là còn tiếp tục lây lan và tăng số lượng heo mắc bệnh phải tiêu hủy qua từng ngày. Vì vậy, địa phương đang lo về nguồn heo cung vào dịp tết sắp tới.

Cùng tâm trạng, ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho hay: Ngoài lo lắng về đàn heo trên địa bàn cứ giảm dần do dịch tả heo châu Phi gây ra thì qua khảo sát thực tế, hiện có không ít hộ dân có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi có ý định tái đàn trở lại nên rủi ro dịch hại nguy hiểm này tiếp tục phát sinh là chuyện khó tránh khỏi. Vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và có hướng chuyển đổi mô hình sinh kế mới đang được địa phương tích cực thực hiện.

Bên cạnh sự gia tăng số lượng heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi thì tình hình môi trường cũng đang đặt ra nhiều quan ngại. Bởi thời gian qua trên nhiều tuyến kênh, rạch ở nông thôn, nhất là địa bàn giáp ranh giữa Hậu Giang với một số tỉnh lân cận thì tình trạng heo mắc bệnh bị vứt bừa bãi xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh ngày một nhanh hơn. Trước tình hình trên, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: Tại những điểm nóng có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng không được người dân thông báo để ngành chức năng tiến hành chôn đúng quy định mà vứt bừa bãi xuống kênh, sông thì đề nghị địa phương tăng cường phối hợp với địa bàn giáp ranh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, công tác chi hỗ trợ cho hộ dân có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi phải thực hiện đúng đối tượng, đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình sản xuất để tránh dịch bệnh phát sinh trở lại, trong đó xem xét mô hình nuôi lươn được nhiều hộ áp dụng có hiệu quả...         

Dự báo năm nay nước mặn sẽ về sớm nên công tác chủ động ứng phó cần được các địa phương quan tâm.

Chủ động ứng phó thiên tai

Cùng nỗi lo dịch bệnh trên người và động vật thì tình hình thiên tai đã và đang gây không ít thiệt hại cho người dân trong tỉnh. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua 8 tháng đầu năm, giông lốc đã làm sập hoàn toàn 30 căn nhà và tốc mái 117 căn nhà của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó hai địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng của tình hình giông lốc là huyện Phụng Hiệp khi có 64 căn nhà tốc mái, 6 căn sập và huyện Châu Thành có 58 căn nhà tốc mái, 5 căn nhà sập.

Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Ngay sau khi xảy ra sự cố về nhà tốc mái hay bị sập do giông lốc gây ra thì chính quyền địa phương đều nhanh chóng đến hiện trường để giúp đỡ người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và các đơn vị liên quan cũng thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí cho những hộ dân gặp nạn để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, vào mùa mưa bão như hiện nay, địa phương cũng phân công cán bộ liên quan đảm bảo công tác ứng trực theo quy định nhằm kịp thời cập nhật thông tin và báo cáo các tình huống tại đơn vị mình về Ban chỉ huy tỉnh để có hướng chỉ đạo, khắc phục hậu quả thiên tai được nhanh và hiệu quả.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh yếu tố thiên tai gây thiệt hại không nhỏ cho địa phương thì Phụng Hiệp cũng kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan của tỉnh sớm có giải pháp trong việc kêu gọi nhà máy đường vào vụ sản xuất. Bởi hiện nay, có nhiều diện tích mía giống ROC 16 đã đến ngày thu hoạch, nếu để lâu sẽ bị trổ cờ gây thiệt hại cho người dân, đồng thời trường hợp xuất hiện lũ lớn trong lúc này thì tạo ra nhiều áp lực khác.

Ngoài giông lốc thì tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn ra khá nghiêm trọng. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 46 điểm sạt lở, tăng 23 điểm so cùng kỳ, tổng chiều dài 1.112,7m, diện tích mất đất 5.640m2. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh qua 8 tháng đầu năm gần 5 tỉ đồng. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Hiện nước lũ đầu nguồn lên nhanh và dự báo đỉnh lũ sẽ xuất hiện trong thời gian cuối tháng 9 này và có thể kéo sang đầu tháng 10 tới. Riêng trên địa bàn tỉnh, nước lũ trong những ngày qua cũng dâng cao tại nhiều cánh đồng. Do đó, đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp ứng phó theo kế hoạch đề ra, đồng thời vận động bà con chủ động kiểm tra và gia cố các đê bao, cống đập xuống cấp để bảo vệ tốt vườn cây ăn trái, mía, hoa màu và lúa Thu đông. Đặc biệt, dự báo năm nay nước mặn sẽ về sớm hơn cùng kỳ nên các địa phương, nhất là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ cần quan tâm công tác ứng phó nhằm không để bị động, bất ngờ khi nước mặn đột ngột xâm nhập vào với nồng độ cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Về tình hình tiêu thụ mía, UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và công ty cam kết sẽ xem xét vào vụ sớm khi mía đạt độ chín, đảm bảo sản lượng cung ứng cho nhà máy hoạt động...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>