Mặt trận cấp xã nỗ lực phản biện xã hội

24/05/2023 | 07:08 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, Mặt trận cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác phản biện xã hội. Qua đó, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa tổ chức Hội nghị phản biện.

Năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là 538 hộ, chiếm tỷ lệ 23,56%; hộ cận nghèo là 36 hộ, chiếm tỷ lệ 1,58%. Xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn năm nay.

Trong kế hoạch này, xã hướng tới mục tiêu huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin đại chúng. Qua đó, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các ấp… Xã còn đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,7% trở lên.

Để việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo đạt hiệu quả cao, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã tổ chức hội nghị phản biện kế hoạch này. Tại đây, đại biểu tham gia phản biện đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Cụ thể, đại biểu đề nghị trong kế hoạch cần nêu rõ kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của năm 2022, tạo cơ sở đề ra mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp cho năm 2023. Đồng thời, đề nghị bổ sung số liệu phân loại hộ nghèo như: hộ nghèo là đảng viên, đoàn viên, hội viên; hộ nghèo là gia đình chính sách; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số…

Về giải pháp thực hiện, đại biểu cho rằng cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tổ chức đối thoại với hộ nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với nhu cầu của từng hộ. Quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phối hợp xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ vốn, nhà ở cho hộ nghèo…

Bà Võ Thị Kim Nhớ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa, cho biết: “Trong danh mục dự thảo các kế hoạch do UBND xã xây dựng trong năm nay, chúng tôi chọn phản biện Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, vì công tác này có tác động đến việc nâng cao đời sống người dân. Thông qua phản biện, chúng tôi đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm giúp công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả hơn”.

Từ đầu năm đến nay, Mặt trận cấp xã trên địa bàn huyện Long Mỹ đã phản biện xã hội được 15 nội dung. Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết: “Những năm trước, Mặt trận cấp xã khá lúng túng khi tổ chức phản biện xã hội. Nhận thấy hạn chế này nên Mặt trận huyện đã tích cực “cầm tay chỉ việc”; khi huyện tổ chức hội nghị phản biện thì thường mời cán bộ Mặt trận xã, thị trấn tham dự để họ học hỏi về kinh nghiệm, cách thức tổ chức. Nhờ vậy đến nay, Mặt trận xã, thị trấn đã nắm vững và tự tin thực hiện phản biện xã hội”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hưng cũng rất quan tâm thực hiện công tác phản biện xã hội. Vừa qua, đơn vị này tổ chức hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch của UBND xã về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến như: nhu cầu vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khoảng 1 tỉ đồng là chưa phù hợp, còn quá ít, vì số hộ nghèo, cận nghèo của xã còn cao, do đó đề nghị nâng bổ sung nguồn vốn lên 2 tỉ đồng; đề nghị bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận và đoàn thể xã trong tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo…

Ông Huỳnh Văn Ly, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hưng, cho biết: “Chúng tôi đã mời đại diện lãnh đạo các đoàn thể xã và trưởng ban công tác Mặt trận của 13 ấp trên địa bàn tham gia phản biện dự thảo kế hoạch kể trên; đồng thời gửi tài liệu từ sớm để đại biểu chủ động nghiên cứu. Nhờ đó, đã ghi nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết, phù hợp với tình hình thực tế”.

Có thể nói, việc Mặt trận cấp cơ sở tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội là nỗ lực đáng ghi nhận, bởi để tổ chức được một cuộc phản biện xã hội thì không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nguồn lực về con người, kinh phí. Thông qua phản biện, đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đạt kết quả cao.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>