Dân vận góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh

14/09/2023 | 18:43 GMT+7

Nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập, Hậu Giang đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Trong thành công ấy có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận. Bởi những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, thông qua công tác dân vận đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện.

Thông qua tuyên truyền, vận động nên người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để tỉnh triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc.

Tuyến đường Trần Ngọc Quế B, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh trước đây chỉ đổ đá dăm nên gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa. Thấy vậy, Khối dân vận phường đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng tuyến đường này theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần giúp tiến độ thi công tuyến đường dài 650m, rộng 2m, với kinh phí hơn 250 triệu đồng được thuận lợi, đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân.

Dân vận tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận

Ngoài đóng góp tiền, ông Trần Văn Diệu, ở khu vực 1, phường III, còn tham gia nhiều ngày công lao động. “Trước đây, đường Trần Ngọc Quế B chỉ đổ đá dăm nên gây khó khăn cho việc đi lại. Khi nghe cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đóng góp tiền và ngày công lao động để xây mới tuyến đường này thì gia đình tôi đồng ý ngay, vì hiểu đây là việc làm có lợi cho người dân của toàn khu vực, chứ không riêng gia đình tôi”, ông Diệu chia sẻ.

Vào tháng 8 năm nay, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, công tác dân vận góp phần quan trọng tạo nên kết quả này. Bởi thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động như đến tận nhà dân; loa phát thanh; sinh hoạt chi, tổ hội đoàn thể... được triển khai sâu rộng nên nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của người dân.

Cụ thể, bà con đã phát huy vai trò chủ thể, tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc hiến 100.000m2 đất, cây cối, hoa màu để làm lộ nông thôn, mở rộng “đường làng ngõ xóm”, xây dựng cảnh quan, cải tạo môi trường thông thoáng, sạch, đẹp... với tổng trị giá khoảng 11 tỉ đồng.

Đặc biệt là thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương trong tỉnh có tuyến đường cao tốc đi qua đã vận dụng sáng tạo công tác dân vận khéo để tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án chiến lược này. Trong đó, thông qua việc kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình vận động; đồng thời, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của Nhân dân, nhất là những trường hợp người dân chưa đồng tình, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm từ các địa phương, đã tạo sự đồng thuận cao của bà con đối với công tác giải phóng mặt bằng.

Nhờ vậy, giúp tỉnh nhà trở thành điểm sáng trong giải phóng mặt bằng thực hiện các tuyến cao tốc. Đơn cử, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn đi qua địa bàn xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy với chiều dài 7,6km, có 172 hộ dân chịu ảnh hưởng. Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Tường, ngoài việc tổ chức họp dân để tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng đường cao tốc, cấp ủy, chính quyền của xã và chi bộ các ấp còn đến tận nhà dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thuyết phục bà con đồng tình, hưởng ứng thực hiện.

“Chúng tôi bám sát từng trường hợp cụ thể để tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương, cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng và vận động để người dân đồng tình ủng hộ tham gia. Thấy được sự cầu thị và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tư tưởng thông suốt nên tất cả người dân đều đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng”, ông Trần Thanh Lâm chia sẻ.

Gia đình ông Trần Minh Tâm, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, có 800m2 đất được thu hồi để xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thì gia đình ông đã bàn giao mặt bằng. “Nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ có một con đường cao tốc đi qua quê hương mình, tương lai con cháu sẽ được thụ hưởng nên lòng tôi thấy vui và hưởng ứng thực hiện”, ông Trần Minh Tâm bộc bạch.

Người dân góp sức xây dựng tuyến đường Trần Ngọc Quế B, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh.

Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong tình hình mới

“Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, ghi nhớ lời dạy của Bác, công tác dân vận được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện từ ngày thành lập tỉnh đến nay. Công tác này thực sự trở thành sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị và người dân, là “chất keo” kết dính Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh thành một khối thống nhất. Đây thực sự là nền tảng để xây dựng nên tỉnh Hậu Giang từ nghèo khó đã nhanh chóng bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm qua.

Bởi thông qua công tác dân vận đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân. Bà con đóng góp rất nhiều ngày công lao động, sẵn sàng hiến đất, hoa màu… cho việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Điểm quan trọng là mặc dù tỉnh thực hiện nhiều công trình, dự án phải thu hồi nhiều diện tích đất của người dân nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, không xảy ra “điểm nóng” trong suốt thời gian qua.

Tình hình mới đang mở ra cho tỉnh nhiều thời cơ cũng như thách thức, nhất là sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch đã có tác động đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, người dân. Đặc biệt, với mục tiêu đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài thì sức mạnh đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng là điều rất quan trọng.

Thực tế trên đặt ra trách nhiệm cho hệ thống dân vận trong tỉnh ngày càng nặng nề hơn, nên trước hết, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải thật sự gần gũi, chịu khó lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Như vậy mới có thể vận động, thuyết phục được bà con chấp hành theo những chủ trương, nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua của địa phương.

Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong thành tựu phát triển ấn tượng của tỉnh trong 20 năm qua có đóng góp quan trọng của công tác dân vận. Nổi bật là hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, truyền tải các quan điểm chỉ đạo, chính sách phát triển của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hệ thống dân vận còn làm tốt công tác tham mưu nâng cao hiệu quả việc nắm tình hình trong Nhân dân. Đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ngày càng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, đúng theo tinh thần “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.

Thời gian tới, ông Trần Văn Huyến yêu cầu hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục truyền tải các chủ trương, định hướng chỉ đạo, các văn bản, chính sách phát triển của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” cần mang lại hiệu quả thực chất, tránh dàn trải, manh mún.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiếp tục tham mưu làm tốt việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các giai tầng trong xã hội, trong đó chú ý giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của người dân. Đồng thời, phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận đảm bảo về năng lực, bản lĩnh, kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>