Hậu Giang và khát vọng phát triển tuổi 20

28/10/2023 | 08:07 GMT+7

“Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”. Đây là nhấn mạnh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Hậu Giang, qua gần 20 năm thành lập, kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang luôn đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển vượt bậc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Bài 1: Khơi dậy tiềm lực, bứt phá vươn lên

Vượt qua những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, Hậu Giang có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để có những bước đột phá vượt bậc trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL trong thời gian sớm nhất.

Vượt qua những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, Hậu Giang có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để có những bước đột phá vượt bậc trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL trong thời gian sớm nhất.

Phát huy lợi thế

Nằm ở trung tâm của ĐBSCL, Hậu Giang sở hữu nhiều lợi thế ít địa phương nào có được. Đó là phát triển vận tải đa phương thức từ đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Bên cạnh đó, với 3 tuyến cao tốc đi qua, là cơ hội vàng để tỉnh phát triển trở thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, tháo gỡ nút thắt phát triển về hậu cần, từ đó, giảm chi phí, giảm rủi ro vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Hậu Giang không chỉ hưởng ưu đãi của tỉnh mà còn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ phụ trợ của đất Tây Đô để phát triển. Đáng chú ý, năm 2022 Hậu Giang là tỉnh có GRDP đứng thứ nhất vùng ĐBSCL, thứ tư cả nước. Đặc biệt 9 tháng năm 2023, GDRP của Hậu Giang đạt 13,3%, dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nắm rõ những lợi thế này, những năm gần đây, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh liên kết với các trường đại học trọng điểm của vùng và cả nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thu hút đầu tư thành công phải trên cơ sở bảo đảm hài hòa 3 lợi ích đó là: Người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết phát triển 4 trụ cột, ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến nông sản và đầu tư nông nghiệp sinh thái với 3 tiêu chí lựa chọn, là: Sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường.

Sau 20 năm thành lập tỉnh, từ một tỉnh còn non trẻ, Hậu Giang đã và đang phát triển, khẳng định vị thế của mình. Hậu Giang đang là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 320 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn khoảng 170.000 tỉ đồng. Ngoài ra có 25 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn hơn 3,9 triệu USD.

Đầu tháng 7 năm ngoái, Nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP chính thức khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tổng diện tích dự án khoảng 6ha với tổng vốn trên 600 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang làm chủ đầu tư. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2024, nhà máy mới có công suất thiết kế gần gấp đôi nhà máy hiện tại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, chia sẻ: Sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh trong suốt 2 năm qua đã giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch rất tốt. Mặt khác, các buổi “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp có dịp trao đổi, chia sẻ để tháo gỡ những khó khăn kịp thời. Việc trao đổi bằng điện thoại thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh có ghi nhận, đóng góp vào chính sách để góp sức phát triển nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng tốt hơn”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, được tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi tối đa, Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung tâm Thực phẩm Masan Miền Tây, gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỉ đồng, ước tính đạt doanh thu 7.400 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.640 tỉ đồng và sử dụng 600 lao động địa phương trong năm 2022”.

“Từ năm 2015 đến nay, được tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi tối đa, Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung tâm Thực phẩm Masan Miền Tây, gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỉ đồng, ước tính đạt doanh thu 7.400 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.640 tỉ đồng và sử dụng 600 lao động địa phương trong năm 2022”, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những hoạt động của đơn vị tại Hậu Giang.

Cũng theo ông Nam, công ty còn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho giai đoạn 2 của Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Tây tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, có tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, quy mô tối thiểu 40ha gồm 4 phân khu sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống,... giá trị cao, tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và các vùng phụ cận.

Nâng cao sức cạnh tranh

Nhờ phát huy lợi thế mà các lĩnh vực kinh tế của Hậu Giang đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Minh chứng là năm 2022, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 13,94%, đứng thứ 4 cả nước. Đến 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh tiếp tục đạt 14,21%, vươn lên dẫn đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 20 cả nước, xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL.

Thành quả trên bắt nguồn từ sự điều hành quyết liệt, sáng tạo và những giải pháp hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển sản xuất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân trong tỉnh trong việc phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, đề xuất: “Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong sản xuất nông lâm thủy sản, bên cạnh việc bảo vệ, chăm sóc diện tích lúa, cần tăng cường chuyển dịch cây trồng sang những sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm có vòng quay ngắn (rau màu), đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản… Ở lĩnh vực công nghiệp, nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các ngành công nghiệp chế biến như: thủy sản đông lạnh, sản xuất đồ uống, sản xuất giày dép, sản xuất giấy...

Trong chiến lược phát triển Hậu Giang đến năm 2025, tỉnh nỗ lực cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách. Phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000-15.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời, trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL. Doanh nghiệp đến đầu tư sẽ được Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh hỗ trợ thông tin nhanh chóng, chính xác, thuận tiện cho nhà đầu tư.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Không phải nhà đầu tư nào chúng ta cũng kêu gọi hết, vừa đảm bảo bao nhiêu vốn đầu tư trên 1ha của khu công nghiệp, sử dụng bao nhiêu nhân công, đảm bảo môi trường. Hướng tới xây dựng một khu công nghiệp xanh, sạch, đẹp và có đóng góp ngân sách nhiều cho địa phương”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng Hậu Giang là một trong những địa phương được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất về thuế, tiền thuê đất. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, địa phương cũng cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao và liên kết vùng trong chế biến, xúc tiến tiêu thụ phát triển mạnh lĩnh vực thế mạnh này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Sức bật lớn nhất là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tầm nhìn và sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Nhất là các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, chế tạo, dịch vụ logistics. Hậu Giang cũng là địa phương dành cho các doanh nghiệp những ưu đãi cao về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, mặt nước… Đây là lợi thế riêng là nền tảng quan trọng giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tìm kiếm, gặt hái những thành công khi đầu tư ở tỉnh.

Ở góc độ của mình, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng các cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường và đem lại trải nghiệm tích cực nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư với phương châm sự thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà. Vì vậy, tỉnh đã lựa chọn chủ đề Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui. Với lợi thế vốn có và những tiềm năng mới xuất hiện, Hậu Giang thật sự trở thành điểm đến thành công của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, một trong ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh đó là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. Thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, một tuyên ngôn và một hành động làm mục tiêu chung. Lấy cam kết 2 nhanh, 3 tốt. Đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

HOÀI THANH - MỘNG TOÀN

--------------

Bài 2: Những bước đi đúng hướng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>