Nghĩa tình và trách nhiệm chăm lo đời sống người dân

12/09/2023 | 07:09 GMT+7

Gần 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác chăm lo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh (thứ ba từ phải qua), ở ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, nhận quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết.

Theo ông Trần Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo là trách nhiệm được cả hệ thống Mặt trận trong tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, Mặt trận đặc biệt coi trọng việc phối hợp thực hiện chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Mặt trận còn phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện để người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua các chương trình kinh tế, xã hội của địa phương để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, trong công tác giảm nghèo, Mặt trận đặc biệt quan tâm và lồng ghép chặt chẽ trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các tiêu chí về giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo.

Đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc tổ chức kêu gọi và vận động Quỹ “Vì người nghèo” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng nhiều chương trình huy động sự góp vốn của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Thông qua sự hỗ trợ, giúp sức của Mặt trận Tổ quốc đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Vào tháng 2 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, ở ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, vui mừng nhận bàn giao nhà đại đoàn kết. Căn nhà trị giá 75 triệu đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do mạnh thường quân và người thân của bà Minh đóng góp. Bởi gia đình bà Minh thuộc diện hộ nghèo vì không có đất canh tác. Thu nhập bấp bênh nên gia đình chưa có điều kiện xây mới căn nhà cũ bị xuống cấp.

Được hỗ trợ nhà đại đoàn kết giúp gia đình bà Minh giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. “Mong ước về một căn nhà mới, kiên cố thay thế cho căn nhà cũ xập xệ của gia đình tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất biết ơn sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận ở địa phương dành cho gia đình tôi. Căn nhà mới giúp chúng tôi được an cư, tạo điều kiện để gia đình sớm vươn lên thoát nghèo”, bà Minh chia sẻ.

Việc chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được Mặt trận các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Thống kê từ năm 2004 đến năm 2018, Mặt trận Tổ quốc góp phần xây dựng 25.264 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết cho người dân. Riêng từ năm 2021 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.594 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Chưa kể, Mặt trận các cấp còn tích cực hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Điểm sáng trong công tác này phải kể đến hệ thống Mặt trận trên địa bàn huyện Long Mỹ. Nổi bật phải kể đến mô hình “Hỗ trợ con giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế” do Mặt trận xã Lương Nghĩa triển khai, thực hiện.

Cụ thể, mô hình cho 8 hộ nghèo mượn vốn không tính lãi suất, mỗi hộ 5 triệu đồng để mua bán nhỏ, mua con giống chăn nuôi. Trong 12 tháng, các hộ sẽ hoàn trả lại vốn. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 40 triệu đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã vận động. Bà Danh Thị Hạnh, hộ đồng bào Khmer ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Tôi dùng số tiền 5 triệu đồng được cho mượn để mua gà về nuôi và buôn bán nhỏ. Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, chi xài tiết kiệm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Không chỉ có xã Lương Nghĩa, Mặt trận các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng đã ra mắt thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân như: Mô hình “Hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ Khmer nghèo, cận nghèo” tại xã Xà Phiên; “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo” tại xã Vĩnh Viễn A…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, thời gian qua, từ các mô hình do Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện thực hiện đã hỗ trợ vốn sinh kế cho 89 hộ dân, tổng số vốn hơn 700 triệu đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Không chỉ hỗ trợ về vốn, Mặt trận còn thường xuyên phối hợp với ngành chức năng có liên quan để theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp mô hình làm ăn của người dân đạt hiệu quả cao.

“Mặt trận các cấp có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ để hỗ trợ hoặc cho mượn vốn thực hiện mô hình sinh kế một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao từ phía người dân. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ ấy, người dân thấy được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở địa phương luôn quan tâm chăm lo đến cuộc sống của mình. Từ đó, kết chặt hơn nữa mối quan hệ keo sơn, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận với người dân”, bà Hân cho biết thêm.

Có thể nói, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng xã hội, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 24% thời điểm thành lập tỉnh năm 2004 xuống còn 4,84% như hiện nay.

Sự đóng góp kể trên rất đáng ghi nhận, nhưng đó chưa phải là điểm dừng. Bởi hệ thống Mặt trận nói chung, từng cán bộ làm công tác Mặt trận nói riêng đã và đang tiếp tục kêu gọi, vận động, tập hợp cộng đồng xã hội cùng chung tay chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, để không một ai bị bỏ lại phía sau, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>