Công nghệ số góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

27/09/2023 | 05:02 GMT+7

Người cao tuổi trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã và đang cố gắng tiếp cận với công nghệ để phục vụ cho công việc, làm phong phú hơn, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

Ông Nguyễn Văn Minh (phường IV) được công chức UBND phường hướng dẫn sử dụng máy tính trích lục giấy khai sinh cho cháu của mình.

Khi người cao tuổi dùng công nghệ

Từ chỗ không biết dùng máy vi tính, giờ đây ông Nguyễn Văn Minh, 73 tuổi, sống tại khu vực 1, phường IV đã có thể gửi thư điện tử, tự lập tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ông Minh chia sẻ: “Gần đây nhất, tôi đã làm được hồ sơ trực tuyến trích lục giấy khai sinh cho cháu của tôi, thao tác trên máy vi tính rất đơn giản, bấm bấm, gõ gõ lát là xong, kết quả được trả về tận nhà. Ban đầu tưởng rất khó nhưng thực tế thì không khó như mình nghĩ, tôi lại thấy hay, tiện lợi nên thường tuyên truyền cho các thành viên trong các nhóm zalo và khi có hội họp trong tổ, xóm tôi cũng tranh thủ tuyên truyền và hướng dẫn họ sử dụng để khi cần thì thao tác trên điện thoại cho lẹ, đỡ tốn chi phí, thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính như trước đây”.

Còn ông Nguyễn Thành Lập, 72 tuổi, sống tại khu vực 3, phường I, chia sẻ: “Trước đây, tôi sử dụng điện thoại thông minh chủ yếu xem tin tức, nghe nhạc thôi chứ không dám làm bất cứ thứ gì, nhất là thanh toán tiền qua mạng, vì lớn tuổi mắt cũng kém, thao tác chậm, hơn nữa rất sợ thao tác sai thì mất luôn tiền. Nhưng từ khi được tổ chuyển đổi số của phường đến nhà tuyên truyền hướng dẫn, cài đặt sử dụng hình thức trực tuyến, tôi đã yên tâm hơn. Sau này, tôi có thể tự thanh toán chi phí mua sắm, đi du lịch”.

Cũng ở tuổi 73, ông Nguyễn Hồng Vũ, sống tại khu vực 4, phường VII đã có “thâm niên” sử dụng điện thoại thông minh gần 10 năm. Ngoài việc lên mạng đọc báo, xem youtube, ông còn sử dụng thành thạo mạng xã hội như facebook, zalo. Trước đây, khi chưa sử dụng, ông rất ngại vì sợ bị... lừa gạt nhưng từ khi sử dụng thành thao, ông thấy tiện lợi và kết nối được với bạn bè, người thân ở xa. Gần đây, ông bắt đầu làm quen sử dụng thanh toán điện tử và làm giấy tờ thông qua internet.

Không riêng gì ông Vũ, ông Lập, ông Vinh, rất nhiều người cao tuổi trên địa bàn thành phố đã và đang cố gắng tiếp cận với công nghệ để làm phong phú hơn, cũng như nâng cao cuộc sống của mình.

Hỗ trợ tích cực với người cao tuổi

Chị Lê Thị Thùy Vân, ông chức tư pháp hộ tịch, phụ trách cải cách hành chính và chuyển đổi số UBND phường I, cho biết: “Đối với các cô chú đã rất thông thạo về công nghệ thì chỉ việc hướng dẫn thêm việc lập tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tuyên truyền thêm việc nộp hồ sơ trực tuyến khi cần làm các thủ tục hành chính, sử dụng mua bán online và chuyển tiền qua tài khoản; đóng tiền điện, nước trực tuyến hoặc đăng ký sổ sức khỏe điện tử… Còn đối với các cô chú chưa rành về công nghệ thì mình hướng dẫn từng bước và không chỉ đến một lần mà còn nhiều lần nữa để các cô chú thông thạo và hiểu rõ hơn về các dịch vụ trực tuyến”.

Các cô chú khi được hỏi đều chia sẻ: Thông qua công nghệ số, người cao tuổi cũng trở nên an toàn hơn, các thành viên trong gia đình có thể theo dõi, biết được lịch trình cha mẹ, ông bà. Khi sử dụng công nghệ số, cuộc sống của người cao tuổi trở nên vui vẻ, năng động hơn; họ hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng, không còn cảm thấy lạc lõng.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Dịch vụ công (DVC) trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã đang được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả chuyển đổi số. Thành phố đã triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công 52 DVC toàn trình, 181 DVC một phần (cấp huyện); 11 DVC toàn trình, 109 DVC một phần (cấp xã) trên Cổng Dịch vụ công để người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó có người cao tuổi. Đối với người cao tuổi, nếu chịu khó nghiên cứu, xem video hướng dẫn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà, sẽ giảm bớt thời gian cũng như chi phí đi lại, tiện lợi, an toàn hơn cho các cô chú, góp phần chung trong việc giúp tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố cũng đã chỉ đạo cơ sở tăng cường thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ người cao tuổi sử dụng các ứng dụng công nghệ”.

Công nghệ số giúp cho chính quyền giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, dễ quản lý hơn. Với người dân, đặc biệt là người cao tuổi, công nghệ số đã hỗ trợ khá nhiều trong cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ và niềm vui cho những người cao tuổi, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố có 10.034 người cao tuổi, trong đó có 9.288 hội viên. Thời gian qua, bên cạnh tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, là cầu nối giải quyết nhiều vấn đề ở xóm, ấp, khu vực, người cao tuổi trên địa bàn thành phố Vị Thanh còn tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, hỗ trợ các hội viên hoàn cảnh khó khăn bằng hoạt động thiết thực. Đặc biệt là tích cực, chịu khó học hỏi cách sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân, góp phần cho hành trình chuyển đổi số ở địa phương đạt hiệu quả cao nhất.

 

Bài, ảnh: TUỆ TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>