Câu chuyện sau cuộc đua vỏ lãi

10/07/2018 | 09:31 GMT+7

Vỏ lãi là người bạn đường thân thiết, gắn bó trong sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước nên việc đua vỏ ví như một món ăn tinh thần, dung dị như một món quà quê, nhưng lại đậm nét văn hóa rất riêng... Đằng sau cuộc đua là những câu chuyện riêng cũng dung dị không kém!

Đua vỏ lãi - một nét đẹp đặc trưng đậm chất miền sông nước.

Gặp anh Lê Văn Du, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, người đã mang về thành tích cho đoàn Hậu Giang khi giành giải nhất nội dung 7HP (mã lực) tại Giải vô địch đua vỏ Composite đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV năm 2018 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ, mới thấy hết niềm đam mê với vỏ lãi của anh. Khi chia sẻ về đam mê với vỏ lãi, trong mắt anh Du bỗng ánh lên niềm vui rạng ngời: “Là người dân vùng sông nước nên từ nhỏ tôi đã biết chạy vỏ lãi rồi. Lớn lên niềm yêu thích ấy vẫn còn nguyên vẹn, tôi thường hỗ trợ và làm nên những chiếc vỏ phục vụ anh em thi đấu. Tôi đến với vỏ lãi để thỏa niềm đam mê, hy vọng góp phần phát triển việc đua vỏ tại địa phương nhằm giữ gìn nét văn hóa riêng”. Đây là lần đầu tiên anh Du tham gia thi đấu, nhưng với sự chủ động trong tập luyện cùng quyết tâm đã giúp anh thành công. Từ một anh thợ điện với niềm đam mê vỏ lãi đã viết nên những ý nghĩ hay về môn thể thao này, lan tỏa đến nhiều người dân vùng sông nước. Ngoài giải nhất của anh Du, đội Hậu Giang còn đạt 1 giải nhì nội dung 7HP, chứng minh rằng, Hậu Giang hoàn toàn có nhiều tiềm năng để phát triển môn đua vỏ lãi.

Từ trước đến nay, dù biết và từng đi vỏ lãi nhưng nói đến việc được xem đua vỏ thì tôi chưa từng biết. Do đó, khi hay có giải đua vỏ tổ chức nên tôi không thể bỏ qua, nhằm thỏa sự hiếu kỳ bản thân. Ngay từ rất sớm tôi có mặt ở điểm đua, chọn cho mình một vị trí ngồi thuận lợi nhất để theo dõi từng lượt đua. Không khí của giải rất náo nhiệt bởi có nhiều người đến xem từ ông già, bà lão, em nhỏ, thanh niên,… Chắc là “cái máu vùng sông nước” trỗi dậy trong lòng mỗi người nên ai cũng tươi cười và hào hứng bình luận chi tiết về cách chạy, cú vượt về đích của các tay đua. Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước nên tôi cũng đã quen rồi với tiếng vỏ lãi chạy, tiếng nước khua động vào khoang nghe gần gũi đến lạ thường. Giờ đây, vỏ lãi không chỉ dùng chở người, hàng hóa mà còn được sử dụng là phương tiện làm du lịch khá linh hoạt khi chở khách tham quan trên sông. Cách làm này tạo nên một điểm nhấn đẹp và vỏ lãi đã góp phần vào việc phát triển một loại hình du lịch đặc trưng. Sự gắn bó của người dân đồng bằng sông Cửu Long với chiếc vỏ lãi theo năm tháng vẫn còn nguyên vẹn, họ lại thấy yêu và trân quý hơn phương tiện này.

Nhìn cách các tay đua chuẩn bị chân vịt máy, cú tăng tốc, đến những màn rẽ nước ấn tượng, tôi mới cảm nhận được hết niềm đam mê của họ dành cho chiếc vỏ lãi. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt, những ánh mắt rạng ngời khi phăng phăng về đích, tay lái kiên định vững vàng, tôi lại thấy cảm phục sao những bàn tay chai sạn và làn da rám nắng. Ông Nguyễn Minh Huy, đơn vị tỉnh An Giang, chia sẻ: “Đam mê đua vỏ quá nên tôi giao việc giữ mấy ao cá ở nhà cho vợ để cùng anh em xuống thi. Kinh nghiệm còn ít nên không đạt thành tích gì nhưng tôi thấy vui lắm, bởi có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cùng nhiều người có chung đam mê”. Họ hy vọng những năm tiếp theo ở An Giang có thể tổ chức những giải đấu về vỏ lãi để gầy dựng và phát triển phong trào.

Chia tay các vận động viên của An Giang, sẵn dịp tôi cũng trò chuyện thêm với một số tay đua ở nhiều đơn vị khác để hiểu thêm về tình yêu mà những người dân vùng đồng bằng dành cho chiếc vỏ lãi. Anh Lâm Hoàng Phúc, đơn vị tỉnh Cà Mau, nói: “Hầu như ở quê tôi ai cũng biết chạy vỏ hết nên khi thi đấu rất tự tin, chỉ cần mình am hiểu động cơ và có kỹ thuật tốt là được. Bây giờ đường bộ đi lại thông thoáng bằng xe máy nhưng vỏ lãi vẫn được chúng tôi tin dùng”.

Mỗi người đều có những cách nghĩ riêng về chiếc vỏ lãi nhưng chắc hẳn điểm chung là niềm đam mê. Bản thân tôi, cổ động viên và những tay đua cho rằng giải đấu kết thúc không phải dấu chấm hết mà là sự mở đầu của nhiều hứa hẹn mới trong tương lai. Khi ra về, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng các tay đua bảo nhau “Hẹn mấy anh năm sau, nếu ai có dịp thì về quê tôi chúng ta tổ chức thi với nhau cho vui”.

Từ những người chưa quen rồi dần biết nhau và thân như tự bao giờ cũng từ tình yêu vỏ lãi, một loại phương tiện di chuyển trên sông đã trở thành chất keo gắn kết giữa người và người.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>