Đại hội Thể thao đồng bằng kéo dài đến khi nào ?

06/08/2020 | 08:45 GMT+7

Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020 có thể xem là kỳ đại hội dài nhất trong các kỳ đại hội đã diễn ra. Theo kế hoạch đầu tiên thì đến cuối tháng 4 đã kết thúc, thế nhưng cứ kéo giãn vì tình hình dịch bệnh, nay lại phải tạm hoãn tiếp...

Các vận động viên karatedo Hậu Giang vẫn tích cực tập luyện để chờ ngày trở lại thi đấu.

Kỳ đại hội “đáng nhớ”

Canoeing, bóng chuyền bãi biển, karatedo, bơi lội do Cần Thơ đăng cai tổ chức, dự kiến khởi tranh ngày 1-8, nhưng Ban tổ chức địa phương quyết định hủy kế hoạch thi đấu vào phút chót vì Covid-19, dù đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, sân bãi. Trong khi, lực lượng vận động viên của nhiều tỉnh, thành cũng háo hức đến Cần Thơ tranh tài nhưng đành gác lại hành trang. Mọi người lấy làm tiếc khi cuộc thi đấu không diễn ra theo dự định. Ông Bùi Văn Bình, huấn luyện viên đua thuyền Hậu Giang, cho biết: “Đầu tháng 8, chúng tôi dự định di chuyển đội hình lên thành phố Cần Thơ thi đấu với một tâm trạng phấn khởi, hào hứng nhưng mọi kế hoạch đều phải tạm hoãn. Hiện đội vẫn đang tập luyện tích cực ở Sóc Trăng, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng môn canoeing sẽ sớm trở lại thi đấu để các em giữ được đà hưng phấn và phong độ vốn có”.

Đây có lẽ là kỳ đại hội “đáng nhớ” nhất đối với những người làm công tác thể thao đồng bằng khi nhiều lần dời đổi thời gian thi đấu. Trước đó, đại hội dự kiến khởi tranh vào đầu năm 2020 và kết thúc trong tháng 4. Nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, đại hội phải đến tháng 6 mới khởi động lại. Tuy nhiên, chặng đường chinh phục thử thách của các vận động viên đang diễn ra nửa chừng lại phải tiếp tục dừng lần hai vì Covid-19.

Sự gián đoạn thi đấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị của các đoàn thể thao địa phương. Việc tập luyện mang tính chất cầm chừng khiến vận động viên khó đảm bảo thể lực và chuyên môn, tinh thần thi đấu cũng bị tác động. Các bộ môn cũng gặp khó trong việc tính toán điểm rơi phong độ, thể trạng, bài tập riêng phù hợp cho thi đấu.

Ông Lê Tấn Hảo, huấn luyện viên karatedo Hậu Giang, chia sẻ: “Đội đã phải tạm hoãn thi đấu hai lần vì dịch bệnh. Hiện tôi chủ yếu cho các em duy trì thể lực và chiến thuật thật tốt, không bị gián đoạn việc rèn luyện nhằm giữ phong độ. Các em được gửi đào tạo cũng trở về Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo thực hiện đúng giáo án mà ban huấn luyện đề ra”. Thể thao Hậu Giang hiện có 3 môn tham gia thuộc khuôn khổ đại hội bị hoãn vì Covid-19 là karatedo, canoeing và billiards.

Theo kế hoạch đại hội, đến cuối tháng 8, 18 môn thể thao của giai đoạn I sẽ lần lượt tổ chức thi đấu ở các địa phương đăng cai. Đến nay, đã có 11/24 môn diễn ra gồm cầu lông, bóng bàn, judo, bi sắt, võ cổ truyền, cờ vua, Vovinam, boxing, quần vợt, đua ghe ngo, kickboxing. Sau đó, lần lượt các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau sẽ tổ chức môn cử tạ, thể hình, billidards, canoeing, karatedo, bơi lội và bóng chuyền bãi biển. Ở giai đoạn II, có 6 môn là cầu mây, bóng đá nam, điền kinh, bắn cung, bóng chuyền nam, taekwondo sẽ tổ chức thi đấu tại Vĩnh Long và kết thúc vào đầu tháng 9. Thời điểm này, đại hội sẽ phải vừa xây dựng kế hoạch thi đấu, vừa phụ thuộc diễn biến của dịch Covid-19 để định đoạt tương lai...

Kịch bản nào cho đại hội ?

Ghi nhận từ những cuộc tranh tài vừa qua, các đoàn tham dự đều có sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo với lực lượng vận động viên mạnh, chất lượng chuyên môn cao… Tiền Giang, An Giang và Cần Thơ đang lần lượt giành 3 thứ hạng đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Riêng thể thao Hậu Giang, mọi công tác chuẩn bị cho đại hội đã được thực hiện từ năm 2019, với một nguồn lực được tạo điều kiện tập huấn, gửi đào tạo nhiều nơi. Tuy nhiên, lịch thi đấu cứ tiếp tục dời, hoãn đã gây không ít khó khăn cho đội để hướng tới thành tích và phong độ cao nhất.

Nhưng với việc tạm xếp 7/14 đoàn tham gia là một kết quả ngoài mong đợi, đáng ghi nhận cho thể thao Hậu Giang tại đại hội. Tỉnh còn tranh chấp 7 môn nên sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các vận động viên gặt vàng. Nỗi lo là các địa phương tạm xếp sau Hậu Giang đang có số lượng huy chương khá sít sao nên dự báo giai đoạn còn lại tại đại hội sẽ không hề dễ dàng cho thể thao tỉnh nhà trong cuộc cạnh tranh thứ hạng. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Nguyễn Phước Hưng thông tin: “Các đội cần bình tĩnh, tự tin, hăng say, nỗ lực tập luyện để phát huy kết quả đạt được ở chặng đường còn lại. Chúng tôi trông chờ các em sẽ mang về nhiều hơn nữa những tấm huy chương cần thiết để cải thiện thứ hạng thể thao tỉnh nhà”.

Kịch bản nào cho Đại hội Thể thao ĐBSCL 2020 khi Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp? Mọi người vẫn mong chờ đại hội sớm diễn ra để thưởng thức những giải đấu được tổ chức bài bản, mang tinh thần thể thao, tạo cơ hội va chạm, cọ xát và phát triển.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>