Lấy thể thao để nuôi thể thao…

15/02/2024 | 08:55 GMT+7

Lấy thể thao để nuôi thể thao và có đóng góp lại cho nền kinh tế là đích nhắm mà thể thao Hậu Giang hướng tới, tuy nhiên đó còn là một chặng đường dài.

Nhiều giải đấu mang tầm quy mô quốc gia, quốc tế được tổ chức tại tỉnh là trợ lực để kinh tế thể thao ở Hậu Giang phát triển.

Xác định tiềm năng

Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ thể thao cấp phép theo quy định; 149 cơ sở hoạt động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) theo mô hình hộ kinh doanh đã được kiểm tra, thẩm định và đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành. Tập trung chủ yếu như sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, phòng tập thể hình nam, thể dục thẩm mỹ nữ, yoga, billiards, bể bơi…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT.

Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đến công tác quy hoạch đất cho văn hóa, thể thao gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ TDTT; số người tham gia và hoạt động TDTT thường xuyên tăng cao, giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật chất thể thao, phát triển các dịch vụ phục vụ người tập luyện TDTT…

Nhờ vậy, hệ thống cơ sở vật chất TDTT toàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, với 21 bể bơi các loại, 25 nhà tập luyện thể thao, 28 sân quần vợt, 142 sân bóng đá, 507 sân bóng chuyền, 344 sân cầu lông, khoảng 363 sân bãi khác.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Đối với các công trình TDTT do trung tâm quản lý đã khai thác có hiệu quả, phục vụ đông đảo quần chúng tham gia tập luyện. Chúng tôi làm tốt việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, phục vụ tốt công tác tổ chức thi đấu, tập luyện của vận động viên năng khiếu tỉnh và khai thác dịch vụ”.

Hàng năm, tỉnh đăng cai tổ chức từ 1-2 giải toàn quốc, nhận được sự tài trợ kinh phí của các cá nhân, doanh nghiệp với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Vài năm gần đây, tỉnh còn khai thác vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, tổ chức 4 giải marathon quốc tế, bình quân 5 tỉ đồng/giải.

Sự thành công của giải vượt xa dự kiến từ số lượng người tham gia, quy mô tổ chức, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Chặng đường dài cần sự quyết tâm lớn

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thể thao đã trực tiếp đem lại hiệu quả quan trọng, giúp TDTT trở nên phong phú, đa dạng, thỏa mãn nhu cầu giải trí, thưởng thức, có giá trị về sức khỏe và tinh thần.

Tại Hậu Giang, hiện chỉ mới tập trung phát triển các môn thể thao truyền thống là bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, còn các môn thể thao giải trí như thể dục thể hình, thẩm mỹ, bơi lặn, cầu mây, bắn súng… vẫn chưa được phát triển. Các hộ kinh doanh dịch vụ thể thao phát triển còn chậm, nhỏ lẻ, chưa đồng đều. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh còn hạn chế, xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, rèn luyện của người dân.

Việc phát triển kinh tế thể thao tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa đầu tư một cách hoàn thiện, chuyên nghiệp cho việc phát triển kinh tế thể thao; đóng góp cụ thể của dịch vụ TDTT là nhỏ và chưa cụ thể... Chị Hoàng Thị Đông, chủ câu lạc bộ yoga An Bình, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Câu lạc bộ hiện có hai cơ sở tại thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tuy nhiên, mong muốn của tôi là mở rộng quy mô, đưa yoga gần hơn với mọi người. Đội ngũ huấn luyện viên đã và đang nâng cao trình độ, nên cần thêm sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn để phát triển bộ môn này”.

Khó khăn hiện nay còn đến từ các hoạt động tài trợ, quảng cáo, khai thác bản quyền, kinh tế truyền thông thể thao, hoạt động du lịch thể thao và những hoạt động kinh tế thể thao khác ở Hậu Giang vẫn ở quy mô nhỏ, hạn chế, chưa thực sự được khai thác theo chiều sâu. Công tác xã hội hóa trong TDTT của tỉnh từng bước đã có sự chuyển biến, song chủ yếu chỉ hỗ trợ thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT vào dịp lễ, hội, sự kiện chính trị của địa phương. Còn việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong đào tạo tài năng trẻ, vẫn dùng nguồn ngân sách…

Kinh tế thể thao bao gồm các hoạt động liên quan trực tiếp đến tập luyện, thi đấu TDTT hoặc gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao… Hoạt động TDTT không chỉ đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện mà còn mang lại những ý nghĩa xã hội khác, tạo ra các giá trị kinh tế.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: “Tập trung, chú trọng phát triển TDTT quần chúng là biện pháp tiên quyết kích thích tiêu dùng thể thao hữu hiệu nhất. Ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách mang tính chất đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, quỹ đất, các chính sách ưu đãi để thu hút và khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực TDTT”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>