Người làm thể thao phong trào trong mùa dịch

19/03/2020 | 09:03 GMT+7

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với những lĩnh vực khác, nó gây tác động không nhỏ đến thể thao Hậu Giang. Vậy những huấn luyện viên, cán bộ thể thao phong trào làm gì để duy trì hoạt động chuyên môn ?

Ông Hiệp (bìa phải), tranh thủ thời gian giám sát, nhắc nhở việc sửa chữa sân bãi trên địa bàn đảm bảo đúng theo quy định.

Ông Trần Văn Hiệp, cán bộ thể thao Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Mọi năm, thời điểm này chúng tôi chuẩn bị nhiều hoạt động cho kỷ niệm ngày truyền thống ngành hoặc phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức giải đấu, nhưng nay không khí trầm lắng lắm. Tôi đang đến vận động các chủ sân tranh thủ thời gian để sửa chữa sân bãi, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện khi hết dịch”. Những sân đang sửa chữa hay làm mới, ông Hiệp sẽ kết hợp cùng cán bộ địa phương trực tiếp giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện, đảm bảo đúng theo quy cách, tạo sự an toàn cho người dân khi tập luyện.

Trước khi chưa có dịch Covid-19, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, ông Hiệp lại cùng câu lạc bộ bóng đá trẻ thị xã, với khoảng 25 em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở tập luyện. Đây là đội ngũ kế thừa trong tương lai được địa phương vun bồi, đào tạo bài bản, có chuyên môn tốt. Ông Hiệp đang khá lo lắng khi dịp hè năm nay, các thành viên câu lạc bộ sẽ có ít thời gian tập luyện như thường niên do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã nghỉ học quá nhiều.

Còn anh Danh Sa Rươl, cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy, cũng có những nỗi lo riêng khi đang mùa dịch bệnh. Anh Rươl tâm sự: “Anh em làm công tác thể thao luôn mong chờ vào việc địa phương tổ chức nhiều giải đấu, bởi vừa phát triển phong trào còn giúp có thêm thu nhập khi đảm trách công tác trọng tài, huấn luyện. Nhớ năm trước, thời điểm này chúng tôi đi lặn lội từng nhà vận động bà con tham gia tập luyện hưởng ứng các hoạt động, tuy cực nhưng vui, còn bây giờ thì…”.

Bên cạnh những cán bộ thể thao phong trào, các huấn luyện viên cơ sở cũng đang đối diện nhiều khó khăn cho hoạt động chuyên môn khi dịch Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe người dân thời điểm này. Câu lạc bộ Vovinam tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp, cũng đã dừng hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay. Anh Lê Thanh Tâm, huấn luyện viên đảm trách câu lạc bộ, chia sẻ: “Tôi dự định sẽ tập hợp vài võ sinh có năng khiếu để tập luyện bài chuẩn bị lực lượng thi các giải lớn của tỉnh nếu được. Sau Tết Nguyên đán đến nay các em không tham gia tập, chắc chắn ít nhiều cũng ảnh hưởng chất lượng, tâm lý thi đấu”. Câu lạc bộ cũng đã đóng góp nhiều gương mặt cho huyện tham dự các giải Vovinam do tỉnh tổ chức. Ngoài đảm trách công tác huấn luyện, anh Tâm còn là giáo viên của Trường THPT Cây Dương. Do đó, anh tranh thủ thời gian để gặp, nhắc nhở các học sinh (có võ sinh câu lạc bộ) giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch.

Còn anh Trình Thanh Phong, huấn luyện viên taekwondo ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, dù đang công tác tại địa phương nhưng vẫn có niềm đam mê mãnh liệt với môn võ này. Anh Phong chia sẻ: “Tôi dự định sẽ xin ý kiến địa phương cho các em võ sinh từ lớp 9 đến 12 trở lại tập luyện ở câu lạc bộ (căn cứ theo lịch học văn hóa), tất nhiên là phải đảm bảo yêu cầu, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh. Nếu không được tập cũng chấp nhận, ủng hộ, vì đây là quy định phòng dịch. Câu lạc bộ của tôi có hơn 120 võ sinh theo học thuộc nhiều lứa tuổi, với 4 buổi/tuần”. Cơ sở vật chất, thảm tập, dụng cụ tại câu lạc bộ đều được đảm bảo. Tuy chỉ mới hoạt động từ năm 2016 đến nay, nhưng câu lạc bộ đã góp phần tích cực khơi gợi phong trào taekwondo của huyện Châu Thành A nơi được xem là nôi của môn Vovinam. Đội cũng đã mang về được giải ba tại Liên hoan Võ nhạc mừng xuân năm 2020.

Đối với nhiều huấn luyện viên thể thao phong trào, việc dạy ở các câu lạc bộ đã giúp họ có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống. Ở đó, họ còn được quyền thỏa sức, sống trọn niềm đam mê, ươm mầm cho những tiềm năng mới. Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khiến các giải đấu lớn đã phải tạm hoãn hoặc hủy. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, cũng không ngoại lệ, gây nên khó khăn cho các huấn luyện viên, cán bộ thể thao phong trào trong hoạt động chuyên môn tại cơ sở, nhưng với họ, việc không tổ chức các giải đấu hay tập luyện đông người thời điểm này là phù hợp. Đây sẽ là khoảng thời gian để họ trui rèn bản lĩnh, thêm nhiều thời gian đề ra những kế hoạch dài hơi cho sự phát triển phong trào thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>