Quần vợt Hậu Giang nhiều tiềm năng phát triển

23/05/2024 | 07:37 GMT+7

Duy trì tổ chức các giải đấu thường niên, hệ thống sân bãi được đầu tư,... đưa phong trào tập luyện và thi đấu quần vợt ở Hậu Giang phát triển.

Hậu Giang đoạt huy chương vàng ở nội dung đôi nữ (bục số 1) tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX năm 2023.

Từ chỗ kén người chơi đến môn thể thao đem lại nhiều thành tích

Trước đây, quần vợt được cho là môn thể thao khó tiếp cận mọi người do chi phí đầu tư giày, vợt, thuê sân bãi tập luyện cao…

Hiện nay, với nhu cầu rèn luyện sức khỏe, tham gia tập luyện thể dục thể thao của người dân, phong trào quần vợt đã lan tỏa rộng khắp, có chiều sâu, thu hút nhiều lứa tuổi, giới tính, ngành nghề.

Quần vợt Hậu Giang được đánh giá là có tiềm năng khi hệ thống sân bãi tập luyện dần hoàn thiện. Thống kê từ Liên đoàn Quần vợt tỉnh, hiện có 31 sân, cụm sân quần vợt (thuộc 7/8 huyện, thị xã, thành phố, trừ huyện Long Mỹ), đáp ứng nhu cầu tập luyện và đủ điều kiện đăng cai các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực. Một số sân, cụm sân được xây dựng khang trang, phát huy tối đa công năng sử dụng như cụm sân Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh (thành phố Vị Thanh), cụm sân của Công ty TNHH MTV Hưng Đạo (huyện Châu Thành A), sân ở phường Bình Thạnh (thị xã Long Mỹ),…

Các địa phương trong tỉnh đa phần đều có câu lạc bộ quần vợt hoạt động, với hơn 430 hội viên tham gia tập luyện thường xuyên. Ông Dương Văn Khiêm, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ quần vợt thị xã Long Mỹ, cho biết: “Thành lập từ năm 2015, câu lạc bộ đi vào hoạt động bài bản, nề nếp, phát triển về số lượng lẫn chất lượng, với hơn 60 hội viên là cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân, học sinh… Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các giải nội bộ để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, chiến thuật lẫn nhau, thúc đẩy phong trào, tạo được nguồn vận động viên tham gia giải tỉnh”. Mỗi tháng, các hội viên câu lạc bộ đóng góp kinh phí 300.000 đồng/người để phục vụ chi phí thuê sân, điện, nước, còn lại làm nguồn quỹ tổ chức giải và thi đấu giao hữu.

Với sự phát triển ổn định từ cơ sở, dù là môn thể thao phong trào nhưng quần vợt Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tích nổi bật ở sân chơi khu vực. Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII - Bến Tre năm 2017, giành 1 huy chương vàng đôi nữ; lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020, 1 huy chương vàng đôi nữ và 1 huy chương bạc đôi nam nữ; lần thứ IX - Hậu Giang năm 2023, 1 huy chương vàng đôi nữ và 1 huy chương đồng đôi nam nữ, xếp hạng ba toàn đoàn.

Vận động viên Hứa Mỹ Loan, huy chương vàng Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX, chia sẻ: “Bản thân rất đam mê quần vợt và duy trì tập luyện hàng ngày, nên tôi mang tâm thế bình tĩnh, tự tin, quyết tâm thi đấu hết mình để đem về kết quả tốt nhất. Quần vợt giúp tôi rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và kết nối nhiều bạn bè”.

Nền tảng để quần vợt phát triển

Liên đoàn Quần vợt tỉnh chính thức thành lập và đưa vào hoạt động năm 2012, đã tạo bước đà vững chắc, điều kiện thuận lợi cho phong trào quần vợt Hậu Giang phát triển. Chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ, hỗ trợ cho phong trào.

Hàng năm, dựa trên nhu cầu thực tế, Liên đoàn Quần vợt tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố duy trì tổ chức các giải thi đấu thường niên nhân ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước. Với quy mô, chất lượng được nâng chất dần, thu hút nhiều vận động viên có chuyên môn cao. Năm 2023, tổ chức được 10 giải cấp huyện, 3 giải cấp tỉnh, với nguồn vận động xã hội hóa 620 triệu đồng.

Các sở, ban, ngành, địa phương còn đưa môn quần vợt tranh tài ở hội thao, giải thể thao hàng năm. Góp phần tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi, rèn luyện năng lực, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả phong trào. Vận động viên đều chuẩn bị chu đáo, thể hiện qua chất lượng từng trận thi đấu, với nhiều pha giao bóng, đập bóng, bỏ nhỏ bóng đẹp mắt, độ khó cao…

Các tay vợt có cơ hội thể hiện khả năng, giúp ngành chuyên môn dễ dàng tuyển chọn gương mặt tiềm năng đại diện cho địa phương tham gia giải đấu trong và ngoài tỉnh. Thành công ở các giải còn khẳng định tính chuyên nghiệp, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào quần vợt tỉnh nhà.

Liên đoàn Quần vợt tỉnh còn thực hiện chấm điểm trình độ vận động viên, đảm bảo việc phân loại chính xác, chi tiết và cụ thể. Cử huấn luyện viên, trọng tài quần vợt tỉnh tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn do Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tổ chức; duy trì mở các lớp đào tạo năng khiếu trẻ….

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh, cho biết: “Liên đoàn sẽ phối hợp ngành chuyên môn đẩy mạnh phong trào tập luyện, mục tiêu là nâng cao số lượng, chất lượng người tham gia, giúp quần vợt tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, có chiều sâu. Quan tâm tổ chức các giải đấu với chất lượng chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu của người dân. Rà soát, nâng cấp chất lượng sân bãi và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cho các lớp vận động viên trẻ kế cận”.

Điều kiện sân bãi tốt và trình độ các tay vợt tiến bộ nhanh là tín hiệu vui về một tương lai đầy khởi sắc cho quần vợt Hậu Giang.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>