Thể thao thành tích cao Hậu Giang: Những hứa hẹn đầu xuân

20/01/2023 | 06:49 GMT+7

Nghe Podcast;

/uploads/Audio/News/2023/01/21/072211THE THAO THANH TICH CAO HAU GIANG - NHUNG HUA HEN DAU XUAN.mp3

 

Thành tích 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc ở SEA Games 31 đã mở ra dấu son mới đầy hứa hẹn cho thể thao thành tích cao Hậu Giang sau ngần ấy.

Tại SEA Games 31, cặp đôi Trần Lê Lan Anh (trái) và Thái Thị Hồng Thoa đã mang về huy chương vàng quý giá cho bi sắt Việt Nam.

Đằng sau tấm huy chương vàng quý giá…

Dù khá bận bịu trong những ngày cuối năm, nhưng các gương mặt làm nên cú hích thành tích cho thể thao Hậu Giang ở SEA Games 31, vẫn dành chút ít thời gian chia sẻ những điều riêng tư về chuyện đời, chuyện nghề.

Gần 14 năm bén duyên cùng bi sắt, vận động viên Thái Thị Hồng Thoa đã thành công trong chặng đường viết tiếp hành trình thể thao dang dở sau khoảng thời gian bộn bề với cơm áo gạo tiền. Cô cùng người đồng đội Trần Lê Lan Anh mang về huy chương vàng (nội dung đôi nữ) duy nhất ở môn bi sắt cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, gần đây là huy chương đồng (nội dung bộ ba nữ) Giải vô địch châu Á. Hồng Thoa tâm sự: “Vì cuộc sống gia đình khó khăn, ba mẹ sức khỏe yếu, tôi trở thành trụ cột chính nên phải nghỉ tập luyện, đi làm công nhân vào năm 2017 để có thêm thu nhập. Năm 2021, tôi quyết định trở lại với thể thao, mong muốn tìm lại chính mình, rèn luyện từ đầu các kỹ năng, bài tập chuyên môn sau thời gian dài gián đoạn. Khó khăn nhiều lắm nhưng nhìn thành quả hiện tại tôi lại có thêm động lực phấn đấu, chính thể thao đã thay đổi cuộc sống gia đình Thoa”.

Vận động viên Thái Thị Hồng Thoa đã rất nỗ lực cho hành trình chạm ngưỡng thành công.

Còn xoay quanh câu chuyện theo đuổi thể thao đỉnh cao của người “Con gái xứ dừa” Phạm Thị Diểm, lại khiến nhiều người muốn được chia vui cùng, vì tham gia tận 5 kỳ SEA Games từ lúc còn khoác áo đội tuyển Bến Tre, đến SEA Games 31 vừa qua, cô mới giành được huy chương vàng đầu tiên. Vận động viên Phạm Thị Diểm nhớ lại: “Cuối năm 2015, tôi từng gặp chấn thương bàn chân và không thể thi đấu hơn một năm, thời gian đó, bản thân rơi vào hụt hẫng. Khi đầu quân cho Hậu Giang đầu năm 2017, tôi gượng dậy quay trở lại sân tập, cố gắng hết khả năng của mình”. Ở tuổi 32, Phạm Thị Diểm đã thật sự chiến thắng chính mình và thành công “đổi màu” huy chương. Cô đã biến cái sai của tên thành cái riêng, tạo dấu ấn cá nhân trong lòng người hâm mộ, gia đình cũng như giới chuyên môn bằng một cái tên “Diểm” rất riêng và khác lạ.

Đến việc vận động viên Nguyễn Tường Vy, giành huy chương vàng SEA Games ở tuổi 37 chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, đó là thành quả lớn nhất mà cô có được sau 22 năm gắn bó với judo. Nhiều vận động viên ở tuổi của Nguyễn Tường Vy đã phải giã từ sự nghiệp, nhưng cô lại mới thành công. Từ một vận động viên chuyên về đối kháng, năm 2018, Nguyễn Tường Vy bắt đầu chuyển sang tập luyện nội dung quyền nên gặp không ít khó khăn. Vận động viên Nguyễn Tường Vy tâm sự: “Tôi vỡ òa cảm xúc khi huy chương vàng SEA Games gọi tên mình, điều mà bản thân chưa bao giờ dám nghĩ. Đó sẽ mãi là khoảng ký ức đẹp trong quãng thời gian vận động viên của tôi. Tôi sẽ cố gắng giữ cho bản thân một thể lực tốt, sức bền, độ dẻo dai, chuẩn xác trong từng chi tiết để hướng đến những thành tích tốt hơn”.

SEA Games 31 là kỳ SEA Games thành công nhất của thể thao tỉnh nhà về số lượng tham dự lẫn thành tích thi đấu, với 7 vận động viên góp mặt, mang về 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Hành trình để chạm ngưỡng thành công đôi lúc phải đổ mồ hôi, nước mắt…

Các vận động viên Hậu Giang giành huy chương tại SEA Games 31 (từ trái sang) gồm Phạm Thị Diểm, Thái Thị Hồng Thoa, Trần Lê Thanh Thảo, Trần Lê Lan Anh, Nguyễn Tường Vy.

Vun đắp thành công - Một quá trình dài

Vài năm gần đây, thể thao thành tích cao Hậu Giang thể hiện sự vươn tầm, phát triển về số lượng lẫn chất lượng, khẳng định vị trí ở các giải quốc gia, khu vực. Thành công được đúc kết, hình thành và vun đắp từ một quá trình dài, cụ thể là kết quả nhờ việc ban hành các đề án phát triển giúp nhiều bộ môn mới ra đời, cơ sở vật chất được đầu tư, những chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, hoàn chỉnh hệ thống các tuyến vận động viên, đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Thể thao thành tích cao Hậu Giang đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, tận tâm nơi lực lượng huấn luyện viên và quyết tâm cống hiến, nỗ lực từ vận động viên. Dù có khó khăn, vất vả nhưng tôi tin nếu mọi người cùng đồng lòng thực hiện, tâm huyết với công việc sẽ giúp thể thao Hậu Giang từng bước khẳng định vị thế”.

Còn nhớ ở SEA Games 31, lãnh đạo ngành đã trực tiếp đến địa điểm thi đấu cổ vũ vận động viên của tỉnh, thưởng nóng cho mỗi huy chương vàng là 10 triệu đồng. Ngay sau đó, tỉnh đã tổ chức lễ mừng công các vận động viên với sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Mỗi vận động viên nhận huy chương vàng được thưởng gần 150 triệu đồng, như một sự ghi nhận những cống hiến của họ. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: Thể thao tỉnh nhà đã có những thành tích đáng tự hào từ các giải quốc gia đến SEA Games. Đó là quả ngọt cho sự nỗ lực, phấn đấu và luyện tập miệt mài của những người làm công tác chuyên môn, tạo thêm động lực, lan tỏa niềm tin và khát vọng vươn lên.

Thể thao Hậu Giang non trẻ, hình thành, phát triển sau so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Nhớ lại những ngày đầu thành lập tỉnh, thể thao Hậu Giang chẳng có gì từ nhân lực đến vật lực: sân bãi thể thao rải rác, không nhà thi đấu đa năng, nhà tập luyện, nhà ăn, ở cho vận động viên, chế độ dinh dưỡng thấp, chỉ đào tạo được 29 vận động viên tuyến trẻ và năng khiếu của 5 môn… Nhưng dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhiều công trình phục vụ cho thể dục thể thao ra đời từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Đặc biệt năm 2012, Nhà thi đấu đa năng tỉnh với 2.000 chỗ ngồi hoạt động, trở thành nơi diễn ra các sự kiện, giải thể thao quy mô lớn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hậu Giang. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.200 sân bãi, công trình tập luyện, thi đấu môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, bóng rổ…

Vận động viên judo Nguyễn Tường Vy mang về huy chương vàng nội dung Katame no Kata tại SEA Games 31.

Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, sẽ là tiền đề quan trọng cho thể thao tỉnh trong những năm tiếp theo. Một kế hoạch dài hơi với lộ trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể chắc chắn sẽ mang đến sự khởi sắc cho thể thao Hậu Giang. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: “Hậu Giang có tiềm năng thể thao thành tích cao, tuy nhiên cần phải tiếp tục khai thác đúng hướng, nâng cao hiệu quả, bồi dưỡng những nhân tố mới, phấn đấu cho mục tiêu đạt thứ hạng cao. Lưu ý việc duy trì sự bền vững về thành tích nhằm tạo bước đà đưa thể thao Hậu Giang phát triển trong tương lai”.

Thể thao Hậu Giang đang trên con đường chinh phục đỉnh cao sau những thăng trầm suốt gần 2 thập kỷ gầy dựng. Đất Hậu Giang đang khơi dậy, vun bồi những mầm xanh hy vọng, mở ra nhiều trang thành tích mới cho thể thao. Hành trình vươn lên của thể thao tỉnh nhà rất đẹp bởi nó mang niềm tin và nghị lực của những con người từng bước vượt gian nan.

Điểm nhấn thành tích

 

Ở SEA Games 31, Hậu Giang giành 3 huy chương vàng nhờ thành tích của vận động viên Phạm Thị Diểm, nội dung nhảy cao nữ (môn điền kinh); nội dung Katame no Kata (môn judo) của vận động viên Nguyễn Tường Vy; nội dung đôi nữ (môn bi sắt) của cặp vận động viên Thái Thị Hồng Thoa - Trần Lê Lan Anh; 1 huy chương bạc của vận động viên Trần Lê Thanh Thảo, nội dung bộ ba nữ (môn bi sắt).

Trong năm 2022, thể thao thành tích cao Hậu Giang mang về 115 huy chương các loại (31 vàng, 27 bạc và 57 đồng), đạt hơn 290% kế hoạch năm khi góp mặt ở 31 giải quốc gia, quốc tế.

 

Kế hoạch “dài hơi”

 

Giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, thể thao thành tích cao tỉnh phấn đấu đạt nhóm hạng 40 tại Đại hội Thể thao toàn quốc và hạng trung bình Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long năm 2026. Đào tạo, cung cấp từ 2-6 vận động viên các môn cho đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á và châu Á.

Tỉnh hiện đào tạo 133 vận động viên thuộc 13 môn: bóng chuyền, bi sắt, cử tạ, judo, jujitsu, kickboxing, karate, đua thuyền, Vovinam, bắn cung, cờ vua, bóng rổ, điền kinh, với 4 tuyến tuyển, trẻ, năng khiếu và năng khiếu bán tập trung.

 

HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>