Xã hội hóa - Cơ hội để phát triển thể thao

21/06/2018 | 11:29 GMT+7

Nâng cao chất lượng sân bãi, mở rộng quy mô tổ chức giải đấu từ nguồn xã hội hóa là hướng đi của nhiều địa phương, góp phần phát triển thể thao cơ sở.

Một buổi tập của câu lạc bộ bóng đá trẻ tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Út Lắm, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ.

Tương trợ qua lại

Đến thị xã Long Mỹ vào buổi chiều ngày tháng 6, trời chuẩn bị đổ mưa nhưng không khí tập luyện của các em nhỏ trên sân bóng đá cỏ nhân tạo Út Lắm, khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, vẫn rất rôm rả. Từng ánh mắt chăm chú vào trái bóng, tai lắng nghe lời huấn luyện viên hướng dẫn làm cho buổi tập luyện trở nên nghiêm túc và hiệu quả hơn. Ông Trần Văn Hiệp, huấn luyện viên môn bóng đá Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Lớp tập được duy trì từ nhiều năm qua và đây là thế hệ kế thừa, tiềm năng cho bóng đá thị xã trong tương lai. Các em đa phần tuổi 12, 13 nhưng đều có chung niềm đam mê với trái bóng. Nhờ sự hỗ trợ từ trung tâm cũng như chủ sân nên chúng tôi có điều kiện giảng dạy tốt hơn cho các em từ thời gian đến cơ sở vật chất”. Lớp được khoảng 20 thành viên tham gia tập luyện đều đặn 2 giờ mỗi buổi vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần.

Trên địa bàn thị xã Long Mỹ có 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo đang hoạt động tuy chưa đáp ứng đủ việc tham gia tập luyện nhưng quan trọng là tạo điều kiện, sân chơi bổ ích lành mạnh cho mọi người. Nhờ mối hỗ trợ qua lại nên nhiều năm qua, những sân bóng đá cỏ nhân tạo trên địa bàn thị xã đều miễn phí 3 buổi/tuần cho các đội bóng đá nữ, lão tướng, đội tuyển thị xã và câu lạc bộ bóng đá trẻ tham gia tập luyện. Em Nguyễn Bảo Minh, tham gia câu lạc bộ bóng đá trẻ, bộc bạch: “Em thấy mấy bạn đi học ở đây rất vui vừa có thể nâng cao sức khỏe lại có nhiều cơ hội để biết thêm những kỹ thuật cần thiết trong bóng đá. Ở đây dụng cụ tập luyện có sẵn, lại được thầy hướng dẫn tận tình, em thích học lắm”.

Không riêng gì sân bóng đá, mà sân cầu lông, quần vợt, hồ bơi trên địa bàn đều sẵn lòng hỗ trợ địa phương khi có nhu cầu. Việc chung tay cùng địa phương phát triển đồng bộ phong trào đã được các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã thực hiện tốt, mở ra một hướng đi mới nhiều tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Long Mỹ, cho biết: “Việc xã hội hóa để phát triển thể thao được xem là phương châm hàng đầu được chúng tôi duy trì, phát huy. Từ đây, nhiều em có năng khiếu được phát hiện vun bồi trở thành một nguồn lực tốt cho địa phương”.

Theo chia sẻ hầu hết sân bãi thể thao ở địa phương đều được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã xã hội hóa hơn 320 triệu đồng, sử dụng trong việc tổ chức, thi đấu các hoạt động thể thao quan trọng.

Đáp ứng nhu cầu người dân

Bên cạnh thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh cũng là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi trong công tác xã hội hóa. Từ đây, đã góp phần tích cực cho địa phương trong việc tổ chức nhiều giải đấu, tạo dựng phong trào thể thao cơ sở. Nhiều sân bãi, câu lạc bộ thể thao phục vụ được cả vào mùa mưa đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo thành phố, giúp người dân tận hưởng món ăn tinh thần một cách trọn vẹn hơn. Ông Phan Văn Hải, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi thấy rất vui mừng vì sự khởi sắc của phong trào thể thao địa phương. Hiện thành phố có nhiều câu lạc bộ, sân chơi dành cho thể thao, tạo điều kiện tốt để người dân tham gia tập và rèn luyện sức khỏe”.

Không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong công tác xã hội hóa, bởi đây chưa bao giờ là điều đơn giản bởi còn tùy thuộc vào điều kiện khách quan như đời sống kinh tế, nhu cầu thực tế,… Câu hỏi được đặt ra đâu là cách làm đúng đắn nhất để tạo sự đồng thuận cao từ người dân. Ông Phạm Hoàng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Châu Thành, nói: “Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình xã hội hóa nhưng chúng tôi sẽ tận dụng những điều có thể để tạo nên sự thành công. Hiện có một số sân bãi thể thao được đầu tư từ xã hội hóa nhưng chưa đủ đáp ứng, nên phần lớn phải thuê mướn khi tổ chức thi đấu, tập luyện”. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tiếp tục vận động nguồn xã hội hóa để có thể tổ chức thêm nhiều giải đấu, nhất là trong các dịp lễ, tết nhằm tạo nên phong trào đồng bộ tại địa phương. Mục tiêu quan trọng là đáp ứng nhu cầu của người dân, đưa thể thao gần hơn với mọi người.

Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại trong việc vận động xã hội hóa, nhưng phải thực hiện vì đó là cơ hội tốt nhất để hướng đến những thành công của thể thao. Thể thao thành tích cao phát triển luôn song hành với thể thao quần chúng, tất cả sẽ là một bản hòa ca đồng điệu giúp thể thao Hậu Giang vang lên khúc ca chiến thắng, vượt khó khăn để mang về thành công, trong đó có đóng góp của xã hội hóa!

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>