Các địa phương được quyết định tiêu chí nông thôn mới

16/09/2019 | 00:05 GMT+7

(HG) - Cuối tuần qua, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ (ĐNB). Tham dự có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương, một số tổ chức quốc tế và 19 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và ĐNB. Đối với tỉnh Hậu Giang, có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng một số sở, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (giữa) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương tại hội nghị.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, sau gần 9 năm xây dựng NTM, hiện cả hai vùng có 874/1.731 xã và 30/89 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó vùng ĐNB có 311 xã và 18 đơn vị cấp huyện, vùng ĐBSCL có 563 xã và 12 đơn vị cấp huyện. Ngoài ra, hiện hai vùng có 12 đơn vị cấp huyện của 8 tỉnh đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019. Riêng tỉnh Hậu Giang, đến nay tỉnh có 29/53 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nét nổi bật trong quá trình xây dựng NTM thời gian qua của hai vùng là cơ sở hạ tầng nông thôn (nhất là hệ thống giao thông) được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đảm bảo kết nối liên thông từ ấp đến tỉnh và kết nối vùng. Qua đây, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa mà còn thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn. Cụ thể, hiện vùng ĐNB có gần 100% số xã có đường giao thông đến huyện và 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa; đối với vùng ĐBSCL cũng có trên 97% số xã có đường đến huyện và đường trục xã được bê tông, nhựa hóa đạt gần 97%. Ngoài giao thông, hệ thống thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, trụ sở làm việc của vùng nông thôn cũng được đầu tư xây mới khang trang, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự ổn định với nhiều mô hình hay được thực hiện.   

Đông đảo đại biểu các tỉnh, thành phố vùng ĐNB và ĐBSCL tham dự hội nghị.

Về phát triển kinh tế, vùng ĐNB nổi bật là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học trên quy mô lớn nên thu hút được lượng lớn doanh nghiệp đến đầu tư vào chế biến nông sản; còn vùng ĐBSCL chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung và chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, cũng như nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm với nhóm cây, con chủ lực là “thủy sản - trái cây - lúa”. Đến thời điểm này, vùng ĐNB có 352 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo và mức thu nhập bình quân của toàn vùng là 51,26 triệu đồng/người/năm; vùng ĐBSCL có 980 xã đạt tiêu chí hộ nghèo và mức thu nhập của toàn vùng đạt 36,7 triệu đồng/người/năm.

Ngoài những kết quả đạt được, tại hội nghị, nhiều địa phương của hai vùng và một số bộ, ngành Trung ương còn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong xây dựng NTM như: hệ thống giao thông chưa đồng bộ do cần nguồn kinh phí đầu tư lớn; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở do biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân; tiến độ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của hai vùng còn chậm; cảnh quan môi trường còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là nước và rác thải sinh hoạt của người dân nông thôn…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện xây dựng NTM trên tinh thần “tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và vai trò của người dân là chủ thể”. Bên cạnh đó, các địa phương không nên chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được vì xây dựng NTM có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương sớm có giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế để đưa phong trào xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu. Ngoài ra, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương quyết định những tiêu chí NTM nhằm phù hợp với điều kiện từng nơi; đồng thời, “đặt hàng” các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn ở ĐBSCL trên tinh thần thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; các địa phương đẩy nhanh thực hiện chương trình OCOP và nhân rộng mô hình khu dân cư, ấp kiểu mẫu, vườn mẫu…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>