Đẩy mạnh chuyển đổi số và tập trung xây dựng Chính phủ điện tử

13/01/2021 | 08:36 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 12-1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

Giai đoạn 2016-2020, ngành TT&TT đã thực hiện đạt và vượt 10/10 chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu của dịch vụ bưu chính đạt trên 35 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2,4 nghìn tỉ đồng. Số doanh nghiệp bưu chính hoạt động bưu chính đến năm 2020 là 555 doanh nghiệp. Doanh thu viễn thông năm 2020 ước đạt 130 nghìn tỉ đồng. Đã thực hiện cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G. Triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao. Riêng trong năm 2020, đã phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống Covid-19. Theo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU, Việt Nam xếp thứ 50/175 trong số 194 quốc gia được xếp hạng…

Riêng trong năm 2020, nổi bật là công bố nền tảng Mã địa chỉ bưu chính gắn bản đồ số V - Map (Vpostcode), phát hành 21 bộ tem bưu chính; thúc đẩy phát triển điện thoại thông minh, phát triển mạng 5G; thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 trên mạng internet Việt Nam; hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất… Kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc năm 2020 xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Tổ chức triển khai Đô thị thông minh, ra mắt 38 nền tảng quản trị “Made in Viet Nam” giúp doanh nghiệp, người dân thực hiện chuyển đổi số. Ghi nhận 5.168 cuộc tấn công mạng gây sự cố vào các hệ thống thông tin Việt Nam…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được, cùng những đóng góp của ngành TT&TT trong thời gian qua. Trong thời gian tới, ngành TT&TT cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin, truyền thông. Toàn ngành cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng lĩnh vực bưu chính tiếp tục có những chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số và tập trung xây dựng Chính phủ điện tử…

MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>