Đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

27/05/2020 | 08:23 GMT+7

(HG) - Ngày 26-5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Dự điểm cầu Hậu Giang có bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu thảo luận tại điểm cầu Hậu Giang.

Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cho rằng lần sửa Luật Tổ chức Quốc hội này sẽ thể hiện đầy đủ, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tạo điều kiện để Quốc hội khóa mới tiếp tục chọn lựa những ĐBQH thật sự là đại diện ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân; còn ĐBQH chuyên trách sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ Quốc hội, phục vụ Nhân dân, là người có tâm, có đủ tầm, có trọng trách cao với quốc gia, dân tộc, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Quan tâm đến quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đồng tình với việc quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Liên quan đến việc đổi tên Ủy ban “Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng” thành “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục”, Ủy ban “Về các vấn đề xã hội” thành “Ủy ban Xã hội”, nhiều đại biểu tán thành và cho rằng việc đổi tên gọi như thế ngắn gọn, khái quát, dễ sử dụng.

Trong ngày, các ĐBQH còn được nghe nội dung của tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư...

Tin, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>