Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung các dự án luật

21/05/2020 | 16:26 GMT+7

(HGO) - Ngày 21-5, Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 9 với hình thức trực tuyến. Dự tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Trong ngày, ĐBQH được nghe và thảo luận các nội dung về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các báo cáo thẩm tra, giải trình…

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu góp ý kiến đối với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Phát biểu thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ đội biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh bộ đội biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Việt, cũng cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn. Đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong khi đó, phát biểu đóng góp dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (theo phương án 2). Đề nghị không quy định nội dung hộ kinh doanh vào dự thảo luật. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật này.

Bà Nguyễn Thanh Thủy phân tích, hộ kinh doanh hiện nay hầu hết là bán buôn nhỏ, lẻ, khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ. Bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới và phải bổ sung đầy đủ các nội dung tương tự như quy định từ Chương I đến Chương VIII của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

“Để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, tôi đề nghị cần cân nhắc và không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và có thể ban hành một luật riêng để điều chỉnh đối tượng này cho phù hợp hơn”, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nói.

Về con dấu của doanh nghiệp quy định tại Điều 43 của dự thảo luật, nhiều ĐBQH thống nhất với dự thảo luật là cho phép doanh nghiệp quyền quyết định có hoặc không có con dấu, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh…

“Trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần đẩy mạnh việc chủ động ứng dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho doanh nghiệp. Do đó, tôi hoàn toàn thống nhất với dự thảo luật là doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.

 

Tin, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>