Quan tâm và có chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới

24/02/2020 | 08:57 GMT+7

(HG) - Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước về tình hình “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Tại điểm cầu Hậu Giang có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh và địa phương trong tỉnh.

Quan cảnh tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Hậu Giang.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến nông sản đạt mức độ trung bình của thế giới; một số ngành hàng chế biến như: hạt điều, cà phê, cao su, gỗ, lúa gạo, tôm, cá tra... Hiện mặt hàng chế biến nông sản đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản... Từ đó, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng 8-10%/năm, riêng năm 2019 đạt mức 41,3 tỉ USD. Đối với phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt ở khâu làm đất, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch đạt từ 40-95%; lĩnh vực chăn nuôi tại các trang trại quy mô lớn thì cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống đạt trên 90%, xử lý môi trường đạt 55%; lĩnh vực thủy sản, các máy móc cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch và các máy cho cơ sở hạ tầng ao nuôi…

Riêng tỉnh Hậu Giang, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh chủ yếu là lúa gạo với 101 cơ sở xay xát lúa gạo. Ngoài ra, tỉnh còn có 5 cơ sở chế biến rau quả; một nhà máy đường hoạt động với công suất khoảng 900.000 tấn/năm; 10 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ; 12 nhà máy chế biến thủy sản đạt tổng công suất thiết kế khoảng 110.000 tấn thành phẩm/năm. Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đã xuất hiện ở các khâu từ làm đất đến thu hoạch, trong đó riêng khâu thu hoạch lúa đã đáp ứng trên 80% diện tích lúa của tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng có 26 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có áp dụng cơ giới hóa về máy cho ăn, uống nước tự động, hệ thống quạt hút và xử lý chất thải…

Bên cạnh những mặt đạt được, tại hội nghị, nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương còn chỉ ra những hạn chế của hai lĩnh vực trên. Cụ thể là nhiều cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (khoảng 10-20%); sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế; một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh; tình hình thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp ở một số khâu còn thấp, nhất là khâu xuống giống; trình độ cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần quan tâm hơn và có chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới. Đặc biệt, tiếp tục tìm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, tránh tình trạng người dân lâm vào cảnh được mùa, mất giá cứ tái diễn như thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét có những chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất. Mặt khác, khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu xuống giống đến thu hoạch; không ngừng nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo hướng giảm giá thành; xây dựng thương hiệu gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung để tạo ra sản phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là trung tâm chế biến sâu về logistics nông sản toàn cầu; những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>