Thông qua đề cương Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi

10/09/2020 | 15:59 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 10-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ) để thông qua đề cương Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị nhóm chuyên gia có phân tích đánh giá về mặt hiệu quả xã hội trong đề án.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu vực sản xuất than củi hoạt động từ năm 1986 đến nay. Hiện tại, có khoảng 869 lò hầm than củi của 415 hộ dân, trong đó huyện Châu Thành có khoảng 525 lò của 227 hộ, thành phố Ngã Bảy có 344 lò của 188 hộ. Theo kết quả quan trắc môi trường hàng năm, giá trị các thông số chất lượng không khí xung quanh tại khu vực sản xuất than củi thường cao hơn so với các vị trí khác cùng thời điểm quan trắc và giá trị bụi lơ lửng tổng số trong không khí xung quanh tại nơi sản xuất than củi vượt giới hạn quy chuẩn quy định khoảng 1,06 lần.

Trên cơ sở đó, đề cương của đề án đã đề ra giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào giải pháp tuyên truyền, vận động; ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn, chi phí đầu tư thấp, dễ vận hành, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm than củi; nhóm giải pháp về nguồn lực và nhóm chế tài. Việc xây dựng đề án được phân ra nhiệm vụ cụ thể cho từng năm từ năm 2020-2025, trong đó năm 2021 tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi nghề nghiệp, giảm quy mô, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, xây lò mới áp dụng công nghệ tiên tiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị nhóm chuyên gia, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện đề cương và bổ sung thêm phương pháp tiếp cận. Đối với thực trạng, phải đánh giá hoạt động của các lò than và hiện trạng môi trường. Phải thống kê được các khí thải phát ra từng giai đoạn đốt và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, để có khuyến cáo cho quá trình thực hiện tới. Đối với mục tiêu cụ thể, cần sắp xếp theo thứ tự hợp lý nhất. Về giải pháp bao gồm 5 nhóm là tuyên truyền, cơ chế chính sách để chuyển đổi nghề, di dời lò than vào nơi sản xuất tập trung, cơ chế về công nghệ xử lý và giải pháp nguồn lực để chuyển đổi. Đối với lộ trình thực hiện cần chi tiết về thời gian; trong tổ chức thực hiện phải giao nhiệm vụ cụ thể và có đề xuất, kiến nghị...

Tin, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>