Tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành đạt 86%

14/07/2020 | 07:21 GMT+7

(HG) - Ngày 13-7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp cùng Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, bằng hình thức trực tuyến.

Dự hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp…

Quang cảnh hội nghị ở Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, dự hội nghị có ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp…

Phát biểu tại đây, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, mong rằng qua hội nghị này hoạt động hòa giải sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, tiến bộ, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần giảm bớt vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giảm bớt vụ việc dân sự khiếu kiện hành chính, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở; góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hệ thống chính trị; tăng cường tình cảm, sự chia sẻ lẫn nhau để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo báo cáo, qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân, ít tốn kém và hiệu quả bền vững.

Đến cuối năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập, 600.462 hòa giải viên. Kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được nâng lên. Trong 6 năm (từ 2014-2019) tổ hòa giải ở cơ sở của cả nước tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ, việc, đạt 86%. Hầu hết vụ, việc sau khi hòa giải thành, các bên có ý thức tự giác thực hiện theo thỏa thuận. Cả nước hiện có trên 128.000 cán bộ Mặt trận làm hòa giải viên các tổ hòa giải. Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Trong khi đó, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm. Qua 6 tháng thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%; gần 10 tháng mở rộng thí điểm tại 124 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án của 16 tỉnh, thành phố, đã hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%.

Kết luận hội nghị, ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị thời gian tới, Ban Dân vận, MTTQ, ngành tư pháp và tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục quan tâm, ủng hộ chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau thực hiện tốt kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải nhằm nâng cao chất lượng hòa giải, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết vận dụng kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải. Tăng cường truyền thông về vai trò, vị trí, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở…

MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>