Khóm Cầu Đúc vươn tầm xa

19/05/2023 | 09:03 GMT+7

Vào tháng 7 tới đây, lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc nhằm kết nối tiêu thụ và giới thiệu, quảng bá hình ảnh khóm Cầu Đúc của Hậu Giang đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với ưu điểm ít xơ, vị ngọt thanh, khóm Cầu Đúc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và là niềm tự hào của người dân địa phương. Trải qua bao thăng trầm, trái quê” giờ không chỉ bán tươi mà còn thay áo mới thành những sản phẩm mới, độc đáo, sáng tạo góp phần đưa vị ngọt quê nhà vươn xa trên bàn ăn tứ xứ.

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, nhưng đối với người dân xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh thì lại khác. Đó chỉ có thể là khóm, dù đất nhiễm phèn và bị mặn nhưng khóm luôn cho trái ngọt, giúp người dân có cuộc sống khá, giàu.

Từ vài rẫy khóm ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 3.000ha khóm, trong đó riêng thành phố Vị Thanh có khoảng 2.800ha. Người dân xứ khóm như những nghệ sĩ tung hứng điêu luyện, phối hợp ăn ý, chụp trái nào “trúng bon” trái đó.

Về xứ khóm mùa thu hoạch, dễ dàng bắt gặp những chiếc xuồng đầy ắp khóm len lỏi trong những con mương nước trong veo. Xuồng khóm không chỉ là sản vật mà còn gửi gắm hy vọng chuyên chở kinh tế gia đình, tương lai học hành của con em người dân.

Niềm vui rạng rỡ trên những cánh đồng. Sọt khóm nặng thì người trồng nhẹ gánh  lo cơm, áo, gạo, tiền.

Khóm mùa thu hoạch với nhiều màu sắc, đẹp như một bức tranh. Không khí vụ mùa luôn hối hả nhưng vẫn rộn rã tiếng nói cười...

Nét riêng của khóm Cầu Đúc là cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hốc mắt hơi sâu. Trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2kg/trái. Thời gian qua giá khóm loại 1 (từ 1kg trở lên) ở mức từ 10.000 – 13.000 đồng/trái. Với 1ha khóm, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí người trồng bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Khóm không chỉ được ăn tươi mà khóm chín còn được làm rượu khóm, bánh, mứt, nước màu khóm. Riêng củ hủ Khóm là đặc sản thuộc dạng hiếm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon mang đậm tình quê.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những ưu điểm của khóm Cầu Đúc. Khóm là một trong loại nông sản chủ lực của tỉnh theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, diện tích trồng khóm 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm.

Hiện có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được chế biến từ khóm Cầu Đúc gồm: rượu khóm, 2 sản phẩm nước màu khóm, 2 sản phẩm mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, siro khóm, siro khóm củ dền và siro khóm củ gừng.

Đến với làng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, du khách sẽ xem cách chăm sóc, thu hoạch và điều thú vị là được thưởng thức tại chỗ những trái khóm tươi ngọt cùng những món ăn đặc trưng được chế biến từ khóm, sẽ mang lại cho bạn nhiều kỷ niệm đẹp khi đến với vùng đất bên dòng Xà No, hiền hòa nhưng giàu lòng mến khách.

TRẦN MỘNG TOÀN – LÝ ANH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>