Lực lượng Mỹ phô diễn sức mạnh như thế nào ở vùng Vịnh?

21/05/2019 | 15:39 GMT+7

Trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang tràn ngập không khí chiến tranh bởi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, nhất là các hoạt động gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, điều được quan tâm nhất lúc này không chỉ là chiến tranh có xảy ra hay không mà còn là “bộ máy chiến tranh” mà Mỹ đưa tới Trung Đông hiện nay đang phô diễn sức mạnh như thế nào và hiệu quả đến đâu…

Chưa đủ cho một chiến dịch lớn

Để đối phó với mối đe dọa mà Mỹ cho là từ Iran, nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ hiện đang có mặt ngoài khơi Oman. Trong khi đó, tàu đổ bộ tấn công USS Keargarge cũng đã hiện diện gần bờ biển Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Còn phi đội máy bay chiến đấu chiến lược B-52 đóng quân tại Qatar mới đây cũng đã hoàn thành chuyến huấn luyện đầu tiên cùng tiêm kích tàng hình F-35A và máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng điều tàu đổ bộ tấn công USS Arlington cùng một tổ hợp tên lửa Patriot tới khu vực đang xảy ra căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo.

Các động thái quân sự này gây lo ngại và được cho là nhạy cảm bởi tàu đổ bộ thường được quân đội Mỹ sử dụng để vận chuyển quân và trang thiết bị quân sự cho việc đổ bộ. Đây còn là công cụ để khởi động chiến tranh của hạm đội tàu.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln triển khai tới vùng biển Arab. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng, những khí tài mà Mỹ đang triển khai ở Trung Đông vẫn chưa đủ cho một chiến dịch lớn và cũng không đủ để hỗ trợ một cuộc chiến. Còn nhớ trước cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003, Mỹ đã lên kế hoạch trong nửa năm để điều động 500.000 binh sĩ. Còn trong cuộc chiến tranh Kosovo, quân đội Mỹ đã huy động hơn 40 tàu chiến. Cho đến nay, ở khu vực Trung Đông, Mỹ mới chỉ triển khai hơn 10 tàu chiến. Từ con số khiêm tốn hiện nay so với con số trong các cuộc chiến mà Mỹ từng phát động, giới chuyên gia cho rằng đối đầu quân sự chưa phải là lựa chọn của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Lộ “gót chân Asin” trên “sân nhà” Iran

Xét về mặt quân sự, theo chuyên gia an ninh người Mỹ Caitlin Talmadge, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ là phương tiện hải quân mạnh nhất thế giới, nhưng không phù hợp với mọi loại nhiệm vụ. Vùng biển hẹp như vịnh Ba Tư được đánh giá không phải là môi trường tác chiến lý tưởng cho các tàu sân bay Mỹ vốn được thiết kế cho các nhiệm vụ ở đại dương và vùng biển rộng lớn. Các vùng biển hẹp như vịnh Ba Tư sẽ khiến khí tài hiện đại này dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa trên không, trên biển và đất liền. Trong trường hợp xung đột xảy ra, tàu sân bay nhiều khả năng sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Iran tấn công tiêu diệt. Chuyên gia Caitlin Talmadge cho rằng, tàu sân bay vẫn được các tổng thống Mỹ sử dụng như một thông điệp răn đe trong nhiều thập kỷ qua, nhưng với trường hợp Iran thì hoàn toàn vô dụng vì vịnh Ba Tư trên thực tế chính là “sân nhà” của Iran.

Chuyên gia phân tích quân sự Omar Lamraini thuộc công ty tư vấn Stratfor cho biết, Iran sở hữu nhiều loại vũ khí có thể trở thành mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ ở vịnh Ba Tư, gồm các tên lửa hành trình chống hạm, tàu tấn công nhanh, xuồng cao tốc, các hạm đội tàu chiến nhỏ và tàu ngầm mini hoặc thậm chí là các máy bay không người lái được sử dụng theo chiến thuật “bầy đàn”. Trong khi đó, các tàu sân bay Mỹ mặc dù tối tân nhưng lại để lộ “gót chân Asin” là thiếu vũ khí phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng ngư lôi được phóng từ tàu ngầm của Iran. “Ở vùng biển nhộn nhịp như vịnh Ba Tư, hải quân Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và theo dõi những tàu nhỏ như vậy”, chuyên gia Omar Lamraini đánh giá.

Leo thang quân sự đánh đòn "tâm lý chiến"

Hiện nay, căn cứ vào những phát biểu và động thái của Mỹ và Iran, giới phân tích nhận định cả hai đều không muốn chiến tranh cho dù “đạn đã lên nòng”. Khả năng được dự đoán nhiều hơn đó là những động thái leo thang quân sự ở Trung Đông của Mỹ là nhằm gia tăng sức ép tổng lực lên Nhà nước Hồi giáo. Bộ tư lệnh Trung tâm Lực lượng hải quân Mỹ (NAVCENT) sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với hải quân các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Những nước này đã bắt đầu các hoạt động tuần tra tăng cường tại những vùng biển quốc tế ở khu vực nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin và phối hợp giữa Hạm đội 5 của Mỹ với các nước GCC trong việc hỗ trợ hợp tác hải quân khu vực và các hoạt động an ninh hàng hải tại vùng Vịnh.

Ngoài ra, tin từ báo chí Arab cho biết, các nước vùng Vịnh đã đồng ý cho Mỹ triển khai quân để làm bàn đạp tấn công Iran. Tờ Al-Sharq al-Ausat dẫn các nguồn tin cấp cao tiết lộ, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác như UAE đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai tàu, thuyền trong vùng lãnh hải và binh sĩ trên lãnh thổ của họ để ngăn chặn Iran. Sự chấp thuận này được cho là xuất phát từ các thỏa thuận song phương giữa Mỹ với các nước Arab thuộc vùng Vịnh nhằm ngăn chặn Iran leo thang quân sự và tấn công những nước này, hoặc gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Trước các động thái leo thang quân sự có vẻ giống đánh "đòn tâm lý” hơn là “động binh” của Washington, Iran vẫn được cho là đang hết sức kiềm chế nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện với đối phương. Nhưng những diễn biến phức tạp gần đây ở vùng eo biển Hormuz cho thấy, Iran dường như đang có cách đáp trả của riêng mình. Những dự báo cho rằng, cùng với các hành động leo thang quân sự của Mỹ ở khu vực là các động thái đáp trả từ các lực lượng ủy nhiệm của Nhà nước Hồi giáo, có vẻ không phải vô căn cứ. Mấy ngày qua đã xảy ra các vụ tấn công phá hoại nhằm vào một số tàu hàng ở ngoài khơi bờ biển UAE, trong đó có hai tàu chở dầu của Saudi Arabia. Hai tàu này bị tấn công gần khu vực nằm bên ngoài eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới. UAE đang tiến hành điều tra vụ việc cùng Mỹ, Pháp và một số nước khác trong bối cảnh chưa có tổ chức nào thừa nhận gây ra vụ tấn công.

Trước đó là vụ tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn, nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco của Saudi Arabia và đây được cho là sự khởi đầu cho chiến dịch tấn công của lực lượng này nhằm vào 300 mục tiêu quân sự trọng yếu của Saudi Arabia và UAE. Lực lượng Houthi đã nêu rõ các mục tiêu mà lực lượng này hướng tới là các trung tâm quân sự và cơ sở quan trọng tại Saudi Arabia, UAE cũng như các căn cứ của hai nước này ở Yemen.

Có lẽ không cần tới khi chiến tranh Mỹ-Iran bùng nổ, các hành động leo thang căng thẳng từ hai phía như vậy cũng đủ để cục diện Trung Đông trở nên rối ren và nguy hiểm khó lường.

Theo MAI NGUYÊN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>