Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27

20/11/2020 | 10:00 GMT+7

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến vào ngày hôm nay (20-11), hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vào tháng 11-1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực.

Tham gia “sân chơi” APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào những “sân chơi” rộng lớn và có mức độ cam kết cao hơn, như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Với vai trò chủ nhà năm APEC 2006, Việt Nam đã thúc đẩy thực chất quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt, đặc biệt là qua các chuyến thăm của các nhà Lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Chile trong dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2006.

Kết quả của Năm APEC 2006 với tinh thần “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng” đã góp phần tạo thêm xung lực đẩy mạnh hợp tác APEC theo hướng hiệu quả và năng động hơn.

Sau 11 năm, Việt Nam tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC lần thứ hai. Thành công của các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử và hàng chục cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tiếp tục đặt nền móng nâng tầm quan hệ song phương của Việt Nam với nhiều đối tác trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động và hiện đại.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch, Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt. Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC), được các thành viên đánh giá cao.

Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

Năm 2020, Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát, thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự 9 hội nghị, đối thoại cấp Bộ trưởng. Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như Tầm nhìn APEC sau 2020 (đây là một trong những đề xuất quan trọng của Việt Nam, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC), Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025 (với vai trò Trưởng nhóm công tác), các tuyên bố hội nghị, cũng như các báo cáo quan trọng khác.

Trong năm 2020, Việt Nam tham gia đóng góp trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng với vị thế gia tăng. Nhằm triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp định hình các thể chế đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng APEC trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược về cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.

Theo VIETNAM+

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>