Vì sao hải quân Mỹ tái lập Hạm đội 2?

11/05/2018 | 10:15 GMT+7

Ngày 4-5 vừa qua, hải quân Mỹ thông báo đã tái lập Hạm đội Hải quân thứ hai (còn gọi là Hạm đội 2, vốn giải thể vào năm 2011) với nhiệm vụ chính là đối phó với mối đe dọa từ phía đội tàu ngầm hạt nhân của Nga đang hoạt động tại Đại Tây Dương…

Hạm đội 2 của hải quân Mỹ được thành lập lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với tên gọi Hạm đội Tác chiến thứ hai. Năm 1950, lực lượng được tái tổ chức để ủng hộ Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lấy tên gọi là Hạm đội 2 với phạm vi hoạt động trải dài trên Đại Tây Dương, từ Bắc Cực đến Nam Cực và từ bờ biển của Mỹ đến duyên hải phía tây của châu Âu. Hạm đội cũng hoạt động dọc theo hai bên duyên hải của Nam Mỹ và một phần duyên hải phía tây của Trung Mỹ. Vào thập niên 1990, Hạm đội 2 là lực lượng hải quân mạnh nhất ở Bắc Đại Tây Dương với nhiệm vụ chính: Theo dõi tàu ngầm chiến lược của Nga. “Trước năm 2011, có thời điểm Hạm đội 2 quản lý 126 tàu thủy, 4.500 máy bay và 90.000 nhân viên”, BBC cho hay. Tuy nhiên, năm 2011, hạm đội này bị giải thể vì các vấn đề về kinh tế và cơ cấu.

Tàu chiến trong biên chế của Hải quân Mỹ hoạt động tại bắc Đại Tây Dương. Ảnh: financialtribune.com.

Sau 7 năm giải thể, ngày 4-5 vừa qua, hải quân Mỹ quyết định tái lập Hạm đội 2. Lễ công bố quyết định diễn ra tại căn cứ hải quân ở Norfolk, bang Virginia (Mỹ). Đây cũng sẽ là trụ sở chính của Hạm đội 2 trong tương lai. Theo Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson, việc tái thiết lập Hạm đội 2 nhằm bảo đảm việc Mỹ chú trọng hơn cho khu vực Đại Tây Dương, đồng thời thể hiện khả năng ngăn chặn hiệu quả, mạnh mẽ trước các đối thủ.

Theo CNN, “các đối thủ” ở đây chính là Nga và Trung Quốc. “Chiến lược phòng thủ quốc gia mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên cho việc đối đầu Nga và Trung Quốc. Trên thực tế, Washington lâu nay vẫn quan ngại trước sự gia tăng sức mạnh hải quân của Nga, đặc biệt với hạm đội tàu ngầm của Moscow cũng như sự gia tăng hiện diện của các lực lượng Nga tại Đại Tây Dương”, CNN cho hay. Đồng tình với nhận định trên, cựu chỉ huy tàu khu trục Mỹ, chuyên gia quân sự Brian McGrath, khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post khẳng định: “Sự hồi sinh của Hạm đội 2 là dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định hành động tại Đại Tây Dương một cách mạnh mẽ và thuyết phục hơn”.

Dự kiến, Hạm đội 2 sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1-7 tới. Bước đầu, trong thành phần chỉ huy sẽ có 11 sĩ quan và 4 binh sĩ giúp việc. Sau đó, lực lượng của hạm đội được tăng lên 85 sĩ quan, 164 quân nhân và các lực lượng bảo đảm khác. Tuy nhiên, thông tin về người đứng đầu Hạm đội 2 và các loại vũ khí, khí tài của lực lượng này hiện chưa được thông báo. Theo nguồn tin từ hải quân Mỹ, Hạm đội 2 sau khi khôi phục sẽ thực hiện các nhiệm vụ quân sự ở khu vực Đại Tây Dương và bờ biển phía đông của Mỹ. "Hạm đội 2 sẽ thực hiện chiến dịch và quản lý hành chính với tàu, máy bay và lực lượng mặt đất trên bờ biển phía dông (Mỹ) và ở bắc Đại Tây Dương", thông báo của hải quân Mỹ cho hay.

Với sự trở lại của Hạm đội 2, hiện hải quân Mỹ có tất cả 7 hạm đội. Các hạm đội trong hải quân Mỹ đóng vai trò là bộ phận cung ứng lực lượng, không tiến hành các chiến dịch quân sự một cách độc lập mà đúng hơn là huấn luyện và duy trì các đơn vị hải quân để sau đó cung cấp thành phần lực lượng hải quân cho mỗi bộ tư lệnh tác chiến thống nhất.

Hiện Hạm đội 7 đang được triển khai ở khu vực Thái Bình Dương trong khi Hạm đội 5 được triển khai ở khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và vùng Vịnh. Đây là những nơi đều đặt ra thách thức về chính trị, an ninh và quân sự đối với Mỹ. Vì lẽ đó, việc tái lập Hạm đội 2 sẽ tạo thế trận chiến lược và sách lược mới về chính trị và an ninh. Ba hạm đội này vừa có thể tập trung vào sứ mệnh quân sự chính, vừa có thể hậu thuẫn cho nhau, giúp nhau hành động nhanh chóng hơn và linh hoạt hơn.

Theo BÌNH NGUYÊN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>