Chung tay làm đẹp đường quê

17/06/2024 | 07:26 GMT+7

Tình nguyện quét rác và trồng cây xanh trên các tuyến đường dân sinh là cách mà bà Huỳnh Thu Tặng, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, lựa chọn để làm đẹp quê hương suốt nhiều năm qua.

Bà Tặng tâm niệm còn khỏe là còn làm để đường quê khang trang, sạch đẹp.

“Được động viên nhiều lắm!”

Nhiều năm nay, từ những con đường nhỏ đến đường lộ thênh thang ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, thường xuyên in dấu chân của bà Huỳnh Thu Tặng với hành trình quét rác, trồng cây xanh của mình. Không cần trả công cũng chẳng phải làm để kiếm thu nhập, bà Tặng đến với công việc này từ một ý định tình cờ. Theo lời bà Tặng, cạnh nhà bà có cầu sắt chữ Y rẽ về 3 hướng. Hồi đó, có xe chở vật liệu xây dựng chạy ngang bị đổ cát đá trên cầu. Thấy vậy, bà vội lấy dụng cụ thu dọn để mọi người qua lại an toàn. Sẵn đó, bà quét sạch rác, lá cây trên cầu. Thấy việc làm ý nghĩa nên bà quyết định không chỉ làm sạch ở cây cầu mà còn cho cả những tuyến đường nông thôn gần đó. Ngày qua ngày, như một thói quen, công việc ấy gắn bó với hơn 4 năm qua.

Bà Tặng chia sẻ: “Lúc đầu, từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây, tôi thấy người ta tập thể dục nên cũng muốn đi cho có sức khỏe. Nhưng khi nhìn thấy cây cầu bắc qua sông gần nhà có rác tôi nghĩ đâu mình làm thử quét rác rồi bắt đầu làm luôn, mà khi làm thì được mọi người động viên nhiều lắm!”.

Dù là công việc tự nguyện nhưng không vì thế mà bà Tặng dễ dãi với bản thân mình. Đều đặn cứ khoảng 4,5 giờ sáng, căn nhà nhỏ của bà đã sáng đèn. Bà Tặng lật đật chuẩn bị dụng cụ cho hành trình một ngày mới, cần mẫn như con ong làm đẹp cho đời. Tâm sự về công việc của mình, bà Tặng chia sẻ, ban đầu khi thấy bà làm công việc này cũng có lời ra tiếng vào, nhưng bà quyết bỏ ngoài tai tất cả, cứ âm thầm làm công việc của mình. Bởi với bà, làm việc gì cũng có người thương, người ghét.

“Cũng có số ít người nói mình làm chuyện bao đồng nhưng tôi đâu có bận tâm. Tôi quyết định rồi nên không có nghe mà chỉ cười thôi. Mình không có nản vì đã tính kỹ rồi, ai nói gì nói. Mình quyết định là không có ai lay chuyển được hết”, bà Tặng bày tỏ.

Sống cách nhà bà Tặng mấy căn, bà Ngô Thị Kim Hai chứng kiến hành trình làm đẹp đường quê của người hàng xóm của mình từ những ngày đầu tiên. Theo lời bà Hai, từ ngày bà Tặng rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê sinh sống và bắt đầu quét rác, trồng cây xanh đã làm cho các tuyến đường trong ấp đẹp lên.

Bà Hai chia sẻ: “Dì ba (bà Tặng) hiền lắm, ở đây ai cũng thương. Dì có chiếc xe đẩy, quét dọn rác đường đi rồi trồng cây, hoa dọc tuyến đường nữa. Thấy đường sạch bóng mình cũng mừng. Bà con ở đây thấy vậy cũng giữ gìn vệ sinh. Hoa kiểng đường này, dì ba trồng không đó. Tôi có khuyên dì ba lớn tuổi rồi hạn chế đi quét rác lúc hừng sáng nguy hiểm nhưng dì nói ở nhà buồn quá, đi quét cho sạch sẽ”.

Cũng dành tình cảm cho việc làm ý nghĩa của bà Tặng, bà Huỳnh Thị Kiều Thu, người dân xã Đông Thạnh, cho biết thêm: “Đường sá ở đây được quét dọn sạch sẽ. Bà con ở đây ai cũng thương chị Tặng. Xã, huyện có khen nữa. Chị có một mình nên 4-5 giờ sáng là thức đi rồi, đi vòng vòng quét hết. Thấy tội nghiệp lắm, nắng mưa gì cũng làm. Ở đây, ai cũng hoan nghênh chị hết”.

Còn khỏe là còn làm

Men theo con đường dân sinh dài gần 1km, chổi dừa, sọt rác, kéo được bà Tặng chất gọn trên xe đẩy. Thấy rác thì quét sạch, thấy cỏ sẵn tay dọn, cây xanh thì bà cắt tỉa, còn đất trống ven đường thì bà để ý hôm sau sẽ trồng hoa hoặc cây xanh. Lá cây, chai nhựa, túi ni lông… được bà phân loại hẳn hoi để về xử lý thân thiện với môi trường.

Vì tuổi cao không thể mang vác nặng nên bà Tặng đong nước vào những chai nhựa rồi đẩy từng chuyến để tưới cho những cây xanh, hoa của mình đã trồng để giúp chúng phát triển tươi tốt. Bà con địa phương kể, vào mùa mưa khiến lá cây rụng nhiều, vậy là công việc của bà Tặng nhiều hơn, họ thấy bà làm cả sáng và chiều.

Những người hàng xóm chia sẻ, dù việc làm của bà Tặng tuy nhỏ nhưng hiếm ai có thể làm và duy trì suốt thời gian dài như vậy. Công việc không được trả công nhưng bà Tặng làm với cả tâm huyết, kỹ lưỡng. Chính vì vậy mà hàng xóm hay những người xung quanh chưa hề nghe bà than thở bất cứ điều gì. Lối xóm quý mến bà Tặng lắm nên thỉnh thoảng cho bánh mì, củ khoai… để tiếp sức cho bà làm việc. Địa phương cũng có hỗ trợ, tạo điều kiện để bà Tặng an tâm làm việc.

Còn với riêng bà Tặng, công việc xuất phát từ “tâm”, không mong muốn nhận lại lợi ích riêng gì, chỉ mong quê nghèo sẽ ngày càng chuyển mình khang trang, sạch đẹp.

“Có sức khỏe là cứ làm hoài, tại vì đi làm như vậy thấy vui. Nhiều khi mấy đứa học trò nhỏ thấy tôi quét như vậy cái nó nói “Con cảm ơn bà”. Rồi thỉnh thoảng có xe 2 người đi, chở đồ thấy tôi họ nói “cảm ơn cô nhiều”. Mà nhiều người vậy đó làm tôi thấy vui. Tôi cứ làm không nghĩ gì. Quen rồi, tới giờ đó thức dậy đi làm. Trừ khi nào công việc cần thiết lắm tôi mới nghỉ”, bà Tặng bộc bạch.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>