Quyết tâm, quyết liệt lập lại trật tự, an toàn giao thông

26/09/2024 | 07:14 GMT+7

Bài 2: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát

Ngay đầu năm, ngành chức năng, địa phương có nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát. Nhờ đó, không chỉ giúp nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông mà còn góp phần xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm.

Chi bộ ấp 7, xã Vị Tân tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến đồng bào dân tộc Khmer.

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, những năm trước, công tác tuyên truyền về trật tự, ATGT trong đồng bào dân tộc Khmer hay người dân vùng sâu, vùng xa được ngành chức năng, địa phương quan tâm thực hiện, nhưng không thường xuyên, liên tục. Thậm chí, cách làm có nơi chưa phù hợp, nên còn nhiều trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông.

Tăng cường tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa

Vì vậy, để mọi tầng lớp nhân dân ngày càng biết rõ hơn các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, nhất là Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 mà chấp hành nghiêm, năm nay, Ban ATGT tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành có liên quan và ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố thay đổi cách thức tuyên truyền. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, phù hợp từng nơi theo phương châm “tuyên truyền sâu sát, phù hợp từng đối tượng”.

Ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, có gần 100 hộ dân tộc Khmer. Trước đây, nhiều trường hợp không đội nón bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; lái xe khi đã uống rượu, bia; chở 2, chở 3... xuất hiện thường xuyên. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đầu năm đến nay, hàng tháng, Chi bộ ấp 7 đều phối hợp với các đoàn thể tổ chức họp tổ, nhóm để kịp thời thông tin tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn xã, thành phố và tỉnh.

Chi bộ còn phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, những lỗi người dân thường vi phạm khi tham gia giao thông và mức phạt từng trường hợp. Ngoài ra, quan tâm hướng dẫn người dân cách nhận biết nón bảo hiểm đạt chất lượng; thông tin những trường hợp có nguy cơ vi phạm Luật Giao thông đường bộ để phối hợp tuyên truyền, giáo dục. Theo ông Danh Bảy, ngay lần đầu được tham dự buổi tuyên truyền do Chi bộ ấp 7 phối hợp tổ chức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của cá nhân ông chuyển biến rõ rệt.

Từ đó, dù đi xe mô tô, xe gắn máy hay xe đạp điện, ông cũng đều đội nón bảo hiểm, tuân thủ các biển báo giao thông, tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia… “Sau buổi tuyên truyền, tôi cũng thường xuyên quan tâm nhắc nhở, giáo dục các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật để tham gia giao thông được an toàn, văn hóa”, ông Danh Bảy chia sẻ.

Ông Võ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân, thông tin, thời gian qua, công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 đến đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn được các ấp thực hiện thường xuyên, liên tục bằng cách lồng ghép ở buổi họp tổ, nhóm, phát tờ rơi, tờ bướm. Ngoài ra, tại những cuộc gặp thông qua các dịp đi chợ, đi đám… cũng được trao đổi, nhắc nhở.

“Nhờ tuyên truyền thường xuyên, liên tục nên góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trong việc chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Hiện nay, mỗi khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên lộ nông thôn hay bất cứ đâu, người dân đều đội nón bảo hiểm. Đầu năm đến nay, xã không có trường hợp đồng bào dân tộc Khmer nào bị cảnh sát giao thông xử lý vi phạm”, ông Dũng cho biết thêm.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền về trật tự, ATGT cũng được chính quyền, đoàn thể xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ quan tâm thực hiện sâu rộng. Ngoài lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp tổ, nhóm, hàng tháng, các ban, ngành, đoàn thể xã còn đẩy mạnh thực hiện bằng hình thức trực quan thông qua loa lưu động; treo băng rôn ở khu dân cư, chợ.

“Chúng tôi cũng tranh thủ người có uy tín ở địa phương để cùng lực lượng công an, đoàn thể tuyên truyền cho bà con Luật Giao thông đường bộ. Mặt khác, củng cố, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về ATGT. Đầu năm đến nay, xã không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào”, bà Võ Thị Ngọc Như, Bí thư Xã đoàn Lương Nghĩa, cho hay.

Theo Ban ATGT tỉnh, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT được sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh, nhất là thông qua các hội thi, hội diễn. Chưa kể, đơn vị còn tổ chức Hội nghị Ký cam kết thực hiện đúng quy định về bảo đảm trật tự, ATGT cho các doanh nghiệp, chủ bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, đánh giá: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, triển khai thực hiện tốt. Các cơ quan truyền thông còn phản ánh kịp thời các hoạt động bảo đảm ATGT. Qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông”.

Phân tuyến, địa bàn rõ ràng, chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát

Với phương châm “tuần tra, kiểm soát linh hoạt, sát địa bàn”, đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đẩy mạnh phân tuyến, địa bàn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, sát hơn. Bởi trước đây, nhiều tuyến thường xuyên vắng bóng cảnh sát giao thông, nên hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách và không ít vụ tai nạn giao thông, đua xe trái phép xảy ra.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh đảm trách tuyến Quốc lộ 1, đoạn giáp ranh thành phố Cần Thơ đến vòng xoay vào Trung tâm thành phố Ngã Bảy. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Đệ, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, thông tin, để đảm bảo trật tự, ATGT trên đoạn đường này, ngày thường, lực lượng có mặt trên đường 24/7. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tổ tuần tra, kiểm soát của phòng đều sử dụng đầy đủ công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; máy đo nồng độ cồn, tốc độ… nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng thời, sử dụng camera ghi lại hoạt động trong ca tuần tra, kiểm soát, nhất là các trường hợp không chấp hành kiểm soát, cản trở, lăng mạ, chống đối lực lượng; cài đặt ứng dụng di động hỗ trợ tuần tra, kiểm soát (VNeCSGT) trên thiết bị di động cá nhân để hạn chế chồng chéo đối tượng kiểm soát.

“Vào các đợt cao điểm, chúng tôi kết hợp tuần tra, kiểm soát công khai với hóa trang nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Từ khi phân tuyến lại, tình hình trật tự, ATGT trên tuyến Quốc lộ 1 ổn định; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ giảm hơn trước”, thiếu tá Nguyễn Hoàng Đệ thông tin thêm.

Còn tại thành phố Vị Thanh, trước đây, cảnh sát giao thông thành phố chỉ được tuần tra, kiểm soát các tuyến nội ô, tỉnh lộ, đường về trung tâm xã, nhưng nay có thêm Quốc lộ 61 và Quốc lộ 61C. Cụ thể, cùng với xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát hàng tuần, hàng tháng, vào dịp lễ, tết, Công an thành phố còn triển khai các kế hoạch cao điểm để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Khanh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an thành phố Vị Thanh, cho rằng: “Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhất là những trường hợp vi phạm về phóng nhanh, vượt ẩu; nồng độ cồn… đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm để tạo tính răn đe, giáo dục. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường phối hợp với công an các xã tuần tra, kiểm soát ở các tuyến lộ nông thôn nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm”.

Nhờ triển khai đồng bộ trong việc tuần tra, kiểm soát, nên tạo được sức răn đe đối với nhiều người, qua việc nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Theo đó, đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người, bị thương 5 người, so cùng kỳ năm 2023, giảm 5 vụ, giảm 5 người chết và giảm 2 người bị thương.

Đại tá Phan Văn Giữ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định: “Đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động thay đổi cách thức tuần tra, kiểm soát và tổ chức nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm về trật tự, ATGT sát với thực tế từng nơi. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nhất là “thượng tôn pháp luật”, góp phần không nhỏ trong việc kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông toàn tỉnh”.

Ngoài thay đổi cách tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông, ngành chức năng còn kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

NHẬT TÂN

Bài 3: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>