Một số nội dung liên quan đến vi phạm pháp luật trong khám chữa bệnh BHYT và tội gian lận BHYT được quy định tại Điều 215 Bộ Luật Hình sự

19/07/2024 | 11:17 GMT+7

Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, bổ sung các tội danh mới áp dụng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, có tội gian lận BHYT được quy định tại Điều 215 Bộ Luật Hình sự. Đến ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 05) để hướng dẫn áp dụng tội gian lận BHYT, cụ thể:

1. Hành vi thuộc tội gian lận BHYT quy định tại khoản 1 Điều 215 Bộ Luật Hình sự bao gồm:

- Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

- Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định.

2. Hình thức xử lý vi phạm tội gian lận BHYT và các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 215 Bộ luật Hình sự:

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, nếu hành vi trên chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Tại khoản 2 Điều 215: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

- Tại khoản 3 Điều 215: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền BHYT 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

- Tại khoản 4 Điều 215: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, nhóm hành vi vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh BHYT được quy định từ Điều 84 đến Điều 95 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm như sau:

- Cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh.

- Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh.

- Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong khám chữa bệnh BHYT.

- Áp sai về giá, ghi sai chủng loại, đơn vị, tên dịch vụ kỹ thuật trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

- Xác định quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT không đúng với thông tin trên thẻ BHYT.

- Lạm dụng việc chỉ định và sử dụng thuốc, hóa chất, VTYT, DVKT và dịch vụ y tế khác quá mức cần thiết so với quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật y tế làm thiệt hại đến người bệnh có thẻ BHYT, quỹ BHYT và cơ sở KCB.

- Hình thức xử lý các vi phạm trên:

Tất cả vi phạm trong khám chữa bệnh BHYT có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền vi phạm hành chính từ 200.000 đồng đến mức cao nhất là 70 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm, mức độ gây thiệt hại.

Trong đó, vi phạm có mức xử phạt cao nhất thuộc nhóm các vi phạm về quản lý thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác trong khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể là kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.

(Link Nghị định số 117/2020/NĐ-CP:

 https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/09/117.signed.pdf)

Ngoài các quy định chế tài xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến KCB BHYT nêu trên, Cơ quan BHXH khuyến khích người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” trên thiết bị di động để tự tiếp cận, tra cứu, theo dõi thông tin cá nhân tham gia BHXH, BHYT và thực hiện dịch vụ công cho cá nhân một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu, hạn chế các hành vi trục lợi BHYT qua việc đánh cắp thông tin trên thẻ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT khống, hành vi bất chính vi phạm liên quan đến BHYT.

Hãy cài đặt ứng dụng VssID để giảm thiểu hành vi trục lợi BHYT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>