Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Các kiểu nhà truyền thống của người Hỏa Lựu - Vị Thanh

06/09/2024 | 07:13 GMT+7

Người xưa đến vùng rừng U Minh - hai bờ sông Cái Lớn và rạch nhánh, có thuận lợi là nơi đây có nguồn vật liệu làm nhà ở thật dồi dào, với cây tràm, cây nhum, cây cui, đưng, năng, lác đều khắp.

Một kiểu nhà truyền thống của Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa (ảnh chụp 2007).

Tra lại tư liệu và tìm hiểu qua nhân chứng, cho thấy sự hình thành nhà ở vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh có nhiều biến đổi về loại, kiểu. Phổ biến nhất của giới nông dân nghèo là kiểu nhà một gian, hai mái nhà hình chữ V ngược kèm theo một hoặc hai chái nhỏ hai bên hay phía sau. Cấu trúc bộ cột có 3 hàng: cột cái, hai hàng cột con.

Buổi đầu lập nghiệp, dân gian đã quan niệm: “Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu?”, do cuộc sống rày đây mai đó, nên người ta chỉ cất nhà tạm bợ. Nếu cần bỏ xứ này đi xứ khác thì đá, đạp một cái sập xuống là xong, nên kêu là “nhà đá, nhà đạp”.

Trải qua thăng trầm từ buổi đầu, đến thời hiện đại - các kiểu nhà ở hình thành rất thô sơ, có thể kể đến các loại nhà như chòi nhỏ hẹp, không theo kiểu nào. Nhà chôn chân, có một mái, lợp lá, cột đều chôn xuống mặt đất hay nhà kê tán được lợp bằng ngói hoặc lá dừa nước, vách ván…

 Vào giữa thế kỷ XIX, số lượng nhà giàu khá giả ở Hỏa Lựu - Vị Thanh nhiều thêm, nên chất lượng nhà ở được quan tâm hơn, với các kiểu nhà đa dạng như: nhà trính, nhà sắp đọi, nhà chữ đinh,... Nhà bát dần thường dùng cho chùa, đình, miễu.

Bước vô các nhà giàu, người ta thường thấy có 3 khu vực: Nhà trên (nhà trước) rộng nhất là nơi dành thờ cúng, tiếp đãi khách, nghỉ ngơi. Khu nhà giữa (nhà trong) làm buồng ngủ cho cặp vợ chồng; đàn bà, con gái. Đây cũng là phòng cất giữ gia sản (vàng, tiền, vật quý,...). Khu nhà sau (nhà dưới) dùng làm bếp nấu ăn, bồ lúa hoặc kho vật dụng.

Các loại kiểu nhà của giới giàu có đều đắp nền cao, cẩn đá, lót gạch; mái thì lợp ngói. Mặt tiền hướng ra sông, có bến nước (ghe, tàu đậu) và nhà thủy tạ. Cá biệt, nhà địa chủ còn cất thêm lẫm lúa và các gian phụ cho người giúp việc ở như nhà ông Huỳnh Tấn Tước (Chủ Chẹt), nhà ông Lý Tấn Lợi (Cả Lợi). Đặc biệt, tại khu vực đầu doi Ngã Ba Di Hạn vào những năm 30 (thế kỷ XX), địa chủ Trần Kim Yến (Sáu Yến) có cất một căn nhà cao cẳng theo “kiểu Tây”, để ở quản lý các lô đất rừng tràm. Đây là căn nhà lầu đầu tiên trên vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh (dân gian gọi lầu Sáu Yến).

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, các nhà địa chủ kiên cố phải phá sập, để tránh cho quân Pháp chiếm giữ, làm cứ điểm đánh phá cách mạng. Đồng thời, do bom đạn chiến tranh nên nhiều nhà bề thế khang trang khác, cũng bị tàn phá. Người dân nông thôn trở lại làm kiểu nhà ở tạm bợ. Do đó, trên địa bàn Hỏa Lựu - Vị Thanh giờ đây, không còn tồn tại căn nhà cổ xưa nào.

Vào giữa cuối thế kỷ XX, chợ Vàm Xáng - Hỏa Lựu cùng chợ Cái Nhum đã khá sung túc. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà lồng chợ. Xem lại ảnh tư liệu chợ Cái Nhum xưa, sẽ thấy dãy phố mua, bán chừng vài mươi căn, có một vài căn một trệt, một lầu. Sang thời kỳ xây dựng khu trù mật, rồi thành lập tỉnh Chương Thiện, thì phố xá, nhà ở kiểu mới được xây dựng theo quy hoạch đô thị tỉnh lỵ Vị Thanh.

Trước tiên, tại khu thương mại cất ngôi nhà lồng chợ Vị Thanh rộng lớn, tọa lạc cạnh đại lộ 70m, được xây dựng theo kiểu 2 mái nối dài, với hàng cột bê tông, cốt thép, mái lợp tôn. Xung quanh là 2 dãy nhà phố mặt dựng nhà trệt hoặc một trệt, một lầu. Tất cả đều xây dựng kiên cố, vách tường, lợp ngói. Tại khu hành chánh, các kiểu nhà làm việc, trụ sở đều có kiến trúc hiện đại, dáng hình lạ mắt; cùng với các bệnh viện, nhà bảo sanh, ký nhi viện. Phía ngoại vi, là các lô gia cư trong khu trù mật tại xã Hỏa Lựu hay xã Vị Thanh bố trí các nhà ở ngay hàng thẳng lối, cất một kiểu giống nhau: ba gian, hai chái, lợp lá. Trước có sân, cổng và hàng rào gỗ.

Từ thời điểm này, trên thị trường nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng hiện đại được tung ra, bán tại Vị Thanh như: sắt, tole, xi măng Hà Tiên, gạch bông, gạch tàu, lò gạch xây tại chỗ sản xuất cung ứng nhu cầu. Đáng chú ý, nhiều vật liệu “nhà binh” bên trong lực lượng binh lính Việt Nam Cộng hòa, lén lút bán ra ngoài như: sắt ấp chiến lược, tole lạnh của Mỹ và loại giấy lợp nhà bằng nhựa,...

Sau năm 1975, do hậu quả chiến tranh nặng nề, cùng với tình hình khó khăn về kinh tế, thiếu thốn vật liệu xây dựng nên việc sửa chữa, nâng cấp hay xây cất nhà ở mới bị hạn chế. Một thời gian dài, gương mặt nội ô Vị Thanh không thay đổi, ngay cả khu vực cơ quan, trường học cũng không được chỉnh trang nhiều. Thỉnh thoảng mới xuất hiện một số nhà tường ngói ở xóm ấp vùng ven.

 Thời đổi mới, mở cửa - với chủ trương thông thoáng của nhà nước, công nhận các thành phần kinh tế; tư nhân bung ra làm ăn, cửa hàng, tiệm quán mở thêm. Cơ sở làm ăn được xây mới, hoặc nâng cấp. Người giàu có tăng lên, phố chợ, gia cư mới được xây dựng ở nội, ngoại thị. Do đó, nhiều kiểu nhà mới, kiến trúc đẹp ra đời theo xu thế đô thị hóa, đặc biệt hình thức “biệt thự” phát triển, với khuôn viên cây xanh, hoa kiểng, hòn non bộ, cổng, hàng rào khang trang. Trong nội thị, để gia tăng diện tích sử dụng, hình thức nhà cao tầng được đầu tư, xây dựng khá nhiều, nhiều tòa nhà mới cao đến 5-7 tầng là trụ sở doanh nghiệp, ngân hàng, siêu thị, khách sạn.

Từ đô thị truyền thống hiện hữu, Vị Thanh phát triển về hướng Đông - Bắc, phía Tây - Nam hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới theo quy hoạch như: Trung tâm hành chính của tỉnh, Trung tâm hành chính thành phố. Sự phát triển nhà phố nội thị, hay nhà ở vùng nông thôn ngoại thành ngày nay không còn cách biệt nhiều. Đi ra xa hướng ngoại vi, vẫn có thể bắt gặp các kiểu nhà ở mới, khang trang, hiện đại. Xây dựng bằng vật liệu cao cấp, trang trí mỹ thuật đẹp, hài hòa. Đó cũng là vóc dáng “nông thôn mới”, ngày một rõ nét. Điều đó cho thấy quan niệm ở nhà tạm bợ, “ăn nhiều, ở bao nhiêu” đã thuộc về quá khứ vào thời khẩn hoang, hay thời buổi chiến tranh. Quan niệm dân gian giờ đây đã khẳng định: “Người sống có nhà, người chết có mồ”!

Có thể thấy, việc ăn - mặc - ở trên đất Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa là nét văn hóa đậm chất dân gian, dân dã. Đó là thành quả do các thế hệ tiền nhân đã dày công tìm tòi, chế biến, sáng tạo và gầy dựng. Đồng thời cũng ghi dấu buổi đầu phát triển của đời sống; nền tảng vững bền để tiếp tục biến đổi, phát triển đi lên trong thời đại ngày nay.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>