Chuyện học ở xóm Khmer nghèo...

Chủ Nhật, ngày 23/08/2020 | 13:39

Nghỉ hè, Thị Ngọc Sương nói với mẹ chuẩn bị đồ đẹp để đến năm học mới lên Trường Cao đẳng Cần Thơ nhận bằng tốt nghiệp với mình. Mẹ của Sương ừa rồi lặng lẽ khóc thầm, gia đình nghèo mà con cái thành danh là niềm vui tột cùng rồi !

Ông Danh Quận bên các giấy khen của con.

Chuyện dài của xóm Khmer hiếu học (ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không chỉ bao nhiêu đó, mà đến từng nhà, gặp từng người, phóng viên thấy được nghị lực phi thường của những thế hệ biết góp nhặt con chữ cho mình, cho quê hương rạng danh.

Có chí thì nên

Ấp 10, xã Lương Nghĩa heo hút, nhiều dừa nước, cây dại. Người ta kể, xứ “khỉ ho cò gáy” này những năm 1975-1980, cấp 1 có hơn chục học trò đến trường làng, cấp 2 thưa dần và cấp 3 thì đếm trên đầu ngón tay. Những cậu học trò chịu khó đeo bám khi ấy có thể nhắc đến là anh Liêm, anh Hùng (Cường), anh Thành… May mắn hôm tác nghiệp, người viết được gặp anh Thành (Danh Thành), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 - người con của vùng đất khó sớm tối miệt mài bên đèn dầu trang sách.

Anh Thành kể, hồi đó đi học lớp 4 là sáng đi chiều mới về tới nhà do lộ đất, cây cối um tùm, lên cấp 2 thì đi xuồng chèo, cấp 3 thì còn “mình ên”, mà phải chở cây, lá ra huyện cất chòi ngoài hè trường rồi tự kiếm cá, bắt ốc, hái rau… Nói chung là tự lực trong bữa ăn hàng ngày để học. “Mỗi tháng, cha mẹ có nhín cho ít gạo, tiền, còn lại phải biết “liệu cơm gắp mắm” ăn uống, chong đèn học hành”, anh Thành kể.

Vì nhiều lý do mà anh Thành học gạo đong chữ, nhưng anh nói cái chính là ý thức ham muốn, cha mẹ vì mình cực khổ. “Họ luôn hết lời động viên, hồi ấy sách khá hiếm nhưng cha luôn tìm cách mua bằng được, đó là sự khích lệ rất lớn cho tôi vượt qua những năm đèn sách”, anh Thành tâm sự.

Ra trường với tấm bằng hạng ưu, ông giáo Thành xin về quê dạy học, mong muốn truyền “lửa” em cháu và Ngọc Sương là một trong những học trò ngoan.

Gia đình Sương có 3 chị em gái, Sương là chị hai. Nhà Sương nghèo mà còn mắc “cái eo” khi em út ra đời 1 tháng thì cha bỏ đi. Với 4 công ruộng cùng 4 miệng ăn và ngoại già yếu, khi ấy mẹ Sương như con cò lặn lội bờ ao vừa chằm lá mướn vừa làm ruộng nuôi cả nhà, nghèo khó, lam lũ, lem luốc không sao kể siết...

Ngọc Sương bên thành tích dìu dắt đàn em ở ấp 10.

Trong nghèo khó, Sương càng thêm nghị lực với mục tiêu học, học để sau này tiến thân, giúp gia đình, không để ai coi thường. Những năm đầu khi Trường Dân tộc nội trú Ô Môn (thành phố Cần Thơ) thành lập thì Sương là 1 trong 6 học trò đầu tiên của ấp nộp hồ sơ xin vào, Sương là đứa nghèo nhất.

Với những chính sách ưu đãi cho người dân tộc, được nhận hỗ trợ hộ nghèo hàng tháng nhưng Sương cho biết khi qua cao đẳng rồi mẹ phải kêu bán 2,5 công đất, bản thân phải làm gia sư mới có đủ chi phí học. “Ra trường, mẹ còn 1,5 công đất, tóc mẹ thêm bạc mà lòng tôi quặn thắt. Bây giờ dạy học, tôi luôn nhớ về những gương hiếu học xứ mình, tâm huyết hơn trong truyền dạy ý thức ham học cho đàn em cốt để chúng biết nhiều hơn mà tiến thân”, Sương tâm sự.

Đảng viên đi trước...

Mạch nguồn chuyện hiếu học ở ấp 10 còn hơn thế nữa. Người ta tin rằng do có nhiều gia đình người Khmer (có hộ đảng viên) đông con xứ này đều học thành danh nên tạo sự nối tiếp để bắt đầu thêm mạnh mẽ.

Dù nối tiếp hay khởi đầu gì cũng phải kể đến hộ ông Lâm Khem (ông là đảng viên) và hộ Danh Quận lần lượt có đến 4, 5 người con học đại học, trong đó có 2 thạc sĩ.

Gặp lão nông Lâm Khem - cái tên quen thuộc trên báo chí, ông vẫn nhanh nhẹn, nhớ nhiều thứ. Làm Bí thư Chi bộ ấp này từ năm 1985 đến năm 2011, khi được hỏi, ông kể vanh vách từng nhà có con đi học cao đẳng, đại học. Ông cho rằng trước đó ở xứ mình có những gương hiếu học nhưng dậy lên cao trào là sau khi ông cùng ban dân chánh ấp đồng lòng xuất tiền túi, vận động hỗ trợ cất 2 phòng học cây lá để giúp con cháu tiện bước đến trường vào năm 1997. Để rồi sau đó con của ông, con cháu xóm giềng ấp 10 được chắp cánh ở mái trường này (Tiểu học Lương Nghĩa 3) bay cao, bay xa hơn trong vùng trời tri thức.

Ông Lâm Khem: “Đất không bền, cái đầu mới tồn tại lâu dài”.

Hộ ông Khem thuộc diện khá giàu nên chuyện học của con không khó lắm. Cho con phần gia sản vật chất với ông khá đơn giản nhưng ông có quyết định khác: “Đất không bền, cái đầu mới tồn tại lâu dài”.

Vậy là ông cùng vợ thống nhất cho 4 con học tới nơi tới chốn. Lần lượt là Lâm Kim Liễu vào Đại học Cần Thơ (năm 2005), sau đó là Lâm Liền, Lâm Kim Loan và Lâm Toán; hiện nay, Liễu có bằng thạc sĩ. Có lúc 2-3 người con ông Khem cùng học đại học, ông phải bán đến 13 công đất, được 6 cây vàng để dành lo chi phí cho con học, tiền bán lúa cho con lắt nhắt là riêng.

Ông Lâm Khem huyên thuyên kể chuyện các con học xong làm ở đâu, nhà cửa, con cái thế nào… “Bây giờ tôi tâm đắc: mình là dân thất học (cha mẹ ông và vợ chồng ông - PV) mà vẫn có quan điểm cho con học đại học. Lúc làm Bí thư Chi bộ, tôi lội giáp ấp động viên từng hộ cho con học chứ không để dốt, đôi khi còn lấy gia đình mình ra làm gương để thuyết phục và có nhiều hộ đồng tình”, ông Khem nói thêm.

Có lẽ “lĩnh hội” được chuyện nên học từ ông Khem mà hộ rất khó khăn ở ấp - Danh Quận (hơn 1 công đất ruộng) bằng mọi giá “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày đêm kiếm tiền lo cho 5 người con học đại học, nhiều nhất ấp 10.

Mùa mưa, đến nhà ông Quận rất khó, cách nhà ông chừng vài trăm mét là kênh Ranh, giáp tỉnh Kiên Giang, đất phèn mặn nơi đây cũng khó trồng trọt. Bên bình trà nóng và mấy củ khoai lang vợ ông Quận mang ra, phóng viên thấy rõ sự khốn khó của gia đình này.

Thế nhưng khi nói đến chuyện học của con là ông Quận như quên đi khó nhọc: “Tôi thấy gia đình anh Khem tiên phong trong nuôi dạy con ăn học nên tôi làm theo. Văn hóa là chìa khóa mở đầu giúp ích cho xã hội nên tôi cố lo cho con”.

- Nếu chỉ hơn 1 công đất thì ông bà không thể đủ chi phí lo cho 5 người con - phóng viên hỏi.

- Đúng, bao nhiêu đó thấm tháp gì ?

- Vậy sao ông lo được ?

- Thú thật với chú, vợ chồng tôi làm đủ thứ công chuyện. Làm lúa nè, chăn nuôi heo, gà, vịt, phụ hồ, giăng lưới, cắm câu và nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước; con tôi đi học thì tối chạy bàn, làm gia sư, đứa lớn có tiền tiếp đứa nhỏ học hành… Còn nữa, chú thấy bên hong nhà có trụ phát sóng di động không? Thay vì cho thuê hàng năm thì tôi bán đứt vị trí đó 12 năm lấy hẳn 75 triệu đồng để dành đó cho con.

Có lẽ tổng hợp các phương cách ấy mà ngày qua ngày lay lắt các con của ông Quận lần lượt vinh quy. Nếu bằng tốt nghiệp của con ông Khem có thể tính bằng vàng bằng lúa thì của con ông Quận tính bằng những sợi bạc trên mái đầu mẹ cha… “Lúc con học, về thăm nhà mình mừng lắm nhưng đến khi nó đi lại lo, lo vì không có tiền cho con. Nhưng tôi và vợ không bao giờ nói hết tiền mà phải làm như dư dả để cho con yên tâm học”, ông Quận kể thêm.

Biết hộ khá giàu nuôi con học đại học cực 1, cha mẹ mình cực đến 10 nên các con ông Quận vô cùng cố gắng để học thành tài. Người con trưởng bây giờ là thạc sĩ, dạy ở Trường Đại học Cần Thơ…

Giảm 95% hủ tục - ấp 10 khởi sắc

Ấp này hiện có đến 51 hộ Khmer (12,2% trong tổng số hộ Khmer) có con đã, đang học cao đẳng, đại học, trên đại học với 109 người. So các ấp khác có đông hộ Khmer trong tỉnh thì tỷ lệ này rất cao. Ông Danh Muôi, Trưởng ấp 10, nói cỡ 20 năm rồi chuyện học ở đây như thi đua trong từng hộ, nhà nào có con học nhiều, học cao, thành đạt là cả phum sóc nhắc tới thường xuyên.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Ký Hiếu Thanh, Phó Ban Dân tộc tỉnh, ông không ngớt lời khen: “Ở đây đã hình thành Hội hiếu học do anh Lâm Khem dẫn dắt. Anh ấy lấy thực tế giữa chuyện học cao, ít học mà động viên nhiều hộ; lấy sự cần cù của hộ nghèo có con học thành danh mà khuyến khích. Đây là điểm sáng hiếu học của tỉnh, từ đó dân trí nâng cao rõ nét”.

Xứ hiếu học bây giờ cũng khó khăn lắm khi còn 274 hộ nghèo trên tổng số 545 hộ toàn ấp (261 hộ Khmer nghèo) nhưng có khoảng 70% lộ xi măng được xây dựng cho xe 2 bánh lưu thông. Điều đặc biệt hơn hết là hủ tục của người Khmer giảm đến 95%.

“Khoảng năm 2000, tới ngày lễ, giỗ, chúng tôi cúng kiếng, cầu nguyện, ăn chơi ngày đêm; nhạc, trống, kèn rùm beng cả xóm không ngớt, bây giờ rất ít, mê tín dị đoan giảm, đi đâu cũng nghe bàn chuyện học, làm ăn”, ông Khem thông tin. Tiếp lời, ông Quận nói, cũng mười mấy năm trước, đám cưới, chú rể phải ngồi làm lễ bên đàng gái 1 ngày 1 đêm, bây giờ không còn nữa, phần lớn từ học hành mà chuyển biến đó chứ !

Những con người tôi gặp, phum sóc tôi qua đã cho một “sàng khôn” về sự trân quý con chữ, vượt khó thành tài. Từ những đốm lửa hồng, hiếu học ở đây thành phong trào để rồi có những khởi sắc đáng kể về nhận thức, việc làm, góp phần cho quê hương Lương Nghĩa nói riêng, Hậu Giang nói chung thêm đổi thay, tiến bộ…

Đưa con vào đại học nghĩ rằng

Con hơn cha là nhà có phúc

Một đời ông gắn liền cơ cực

Đời cha không nghĩ sớm đổi thay...

Vào đại học con mừng con khóc

Rời giảng đường nguyện giúp ích quê hương…!

Chuẩn bị tựu trường năm học 2020-2021, có người ở ấp 10 điện thoại cho tôi hay, xứ này lại có thêm mấy em vào đại học…

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới

Xem thêm

Hậu Giang tiếp tục phát triển ấn tượng

07:52 30/06/2025

Trong 6 tháng đầu năm, trước bối cảnh tình hình chung có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo,

Kết nạp đảng viên đạt 54,31%

11:09 27/06/2025

(HGO) - Năm 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu kết nạp 1.322 đảng viên. Qua thực hiện trong 6 tháng đầu năm, đã kết nạp được 781 đảng viên, đạt 54,31% chỉ tiêu.

11 công đoàn cấp huyện và tương đương kết thúc hoạt động kể từ ngày 30-6

08:39 27/06/2025

(HGO) - Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức công bố các quyết định giải thể, kết thúc hoạt động công đoàn cấp huyện và tương đương; các quyết định tiếp nhận công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn trực thuộc các đơn vị giải thể, kết thúc hoạt động.

Một “mái nhà” - Một khát vọng

05:46 27/06/2025

Có những tên gọi khi cất lên đã khiến lòng người xao xuyến, gợi về những miền ký ức sâu lắng và những cảm xúc trọn vẹn: Cần Thơ yêu kiều - Hậu Giang trìu mến - Sóc Trăng thân thương.

Mỗi cán bộ đoàn, hội, đội không ngừng đổi mới, thích ứng, tiên phong và sáng tạo

09:54 25/06/2025

(HG) - Đó là yêu cầu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm; tổng kết công tác đoàn, đội trường học năm học 2024-2025, do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức vào ngày 23-6.

Xây dựng 19 căn nhà tình thương cho phụ nữ khó khăn về nhà ở

09:50 25/06/2025

(HG) - Sáu tháng đầu năm, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng và bàn giao 19 căn nhà tình thương cho phụ nữ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 950 triệu đồng.

Hậu Giang ơi, còn mãi trong tim !

05:54 25/06/2025

Hậu Giang sắp… lùi lại, tạm biệt một cái tên thân thương để hòa nhập, bước vào một chặng đường mới hứa hẹn mạnh mẽ hơn, giàu đẹp hơn!

Đẩy mạnh chăm lo hội viên, nông dân nghèo

06:41 24/06/2025

(HG) - Đầu năm đến nay, các cấp hội nông dân triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống hội viên, nhất là nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc

13:59 23/06/2025

(HGO) - Ngày 23-6, Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6; tổng kết Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; các cuộc thi do Hội phát động và ra mắt quyển sách “Câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang”. Tham dự có bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long; bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Bố trí hài hòa, hợp lý chỗ làm việc cho từng cán bộ, công chức

05:52 23/06/2025

Sau khi sắp xếp, tỉnh Hậu Giang còn 28 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 xã, 7 phường), giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 62,66%, bảo đảm giảm đúng tỷ lệ từ 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Trung ương.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

11:02 30/06/2025

(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

Kính gửi Quý độc giả thân yêu !

08:11 30/06/2025

Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

“Hạnh phúc tuổi trẻ”

08:10 30/06/2025

Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.

Mãi nhớ Hậu Giang qua từng câu hát, lời ca !

08:09 30/06/2025

Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...