Chuyện về Bác Hồ viết báo, làm báo

Thứ Năm, ngày 15/06/2017 | 08:04

Học viết báo

Tại nước Pháp, năm 1919, Bác quen thân ông Jean Longuet, cháu ngoại của Các Mác, lúc đó là Chủ nhiệm báo Populaire, cơ quan của Đảng Xã hội Pháp. Longuet khuyến khích Bác viết bài để ông đăng báo, làm cho nhân dân Pháp hiểu sự thật bất công ở Việt Nam. Ngoài Longuet, Bác còn có dịp gần gũi ông Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, Chủ bút báo La Vie Ouvrière. Monmousseau cũng hướng dẫn Bác viết cho mục “tin tức vắn” trên báo của ông.

Một số báo Le Paria. Ảnh tư liệu

Thế là Bác quyết tâm học viết báo. Trần Dân Tiên trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã kể lại buổi đầu học viết báo của Nguyễn Ái Quốc như sau: “Ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người Chủ bút nói: ‘Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm, sáu dòng cũng được’. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng  lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. (…). Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó”(1).

Đúng 40 năm sau, ngày 16-4-1959, tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Bác chia sẻ với các nhà báo: “Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân”(2). Như vậy, cái trường mà Bác học viết báo là “trường đời”, “trường cách mạng” chứ không phải một trường đại học báo chí nào khác.

Buổi đầu học viết báo của Bác thật gian nan, nhưng Người đã kiên trì vượt qua và đạt được ý nguyện của mình.

Nhân đây, xin nói “ngoài đề” một chút: Khi viết về Bác Hồ hầu như ai cũng dựa vào cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên. Nhưng Trần Dân Tiên là ai thì suốt mấy chục năm qua, còn nhiều ý kiến khác nhau. Năm 2015, Bảo tàng Hồ Chí Minh tái bản (có bổ sung) cuốn “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội) tập hợp được 174 tên gọi, bí danh và bút danh Bác đã sử dụng; đang xác minh thêm 20 tên gọi, bí danh, bút danh khác; trong đó hoàn toàn không có bút danh Trần Dân Tiên. Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” (Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011) gồm 15 tập cũng không có tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Như vậy, Trần Dân Tiên hẳn nhiên không phải là bút danh của Bác; vấn đề còn lại ở chỗ đi tìm một người nào khác.

Sau đây là một thông tin do bà Phan Thị Minh cung cấp để bạn đọc tham khảo. Bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh) là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, chị nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm), bà con bạn dì với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (tức Nguyễn Thị Châu Sa). Bà Phan Thị Minh là tác giả bộ sách quý “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” (2 tập, 1.600 trang) do nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2001. Bà Phan Thị Minh có hai bài viết về Bác Hồ và cụ Phan Châu Trinh trong phần phụ lục cuốn sách của TS Thu Trang (Công Thị Nghĩa): “Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923)” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2002. Trong hai bài viết, bà Phan Thị Minh đã hai lần đề cập đến tác giả Trần Dân Tiên: “Chiều ngày 2-3-1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách mạng Tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn ‘Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch’ với bút danh Trần Dân Tiên”(3); “Ông Vũ Kỳ cho biết: ông là đồng tác giả trong nhóm thư ký của Hồ Chủ tịch đã viết ‘Những mẩu chuyện…’ dựa theo những câu chuyện kể lại của Hồ Chủ tịch”(3).

Cứ như bà Phan Thị Minh kể thì Trần Dân Tiên chính là ông Vũ Kỳ và “nhóm thư ký” của Bác Hồ, “tên chung” của đồng tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, viết mùa xuân 1948 ở Việt Bắc.

Bài báo đầu tiên, tờ báo đầu tiên

L’Humanité là tờ báo ngày của Đảng Xã hội Pháp do Jean Jaurès sáng lập năm 1904. Sau đại hội lần thứ XVIII (đại hội Tours), báo L’Humanité trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là bài “En Indo-Chine: La question indigène” (Vấn đề dân bản xứ ở Đông Dương) đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 2-8-1919.

Ở Pháp, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Le Paria, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa, xuất bản bằng tiếng Pháp. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành mô tả: “Măng-sét in chữ Le Paria ở giữa. Bên phải có ba chữ ‘Lao động báo’, chữ Hán, nhưng chữ ‘động’ được viết thêm chữ ‘nhân đứng’ do Nguyễn Ái Quốc sáng tác ra. ‘Lao động báo’ là tờ báo của người lao động. Bên trái có hàng chữ Ảrập phiên âm là An Mancurơ, có nghĩa tương tự như các thứ chữ Pháp và Hán”(4). Thật ra, chữ động #-­ (bộ nhân) không phải “do Nguyễn Ái Quốc sáng tác ra” mà đã có từ xưa như một số tự điển Hán Việt ghi nhận, cùng nghĩa với chữ động #® (bộ lực) dùng phổ biến hiện nay.

Tên báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc đặt. Tiếng Pháp, “le paria” chỉ những người cùng khổ, ở dưới đáy tận cùng của xã hội, những người bị ruồng bỏ, khinh bỉ. Đặt tên báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc muốn nói: Đây là tờ báo của những người cùng khổ, những người bị thực dân, đế quốc áp bức, bóc lột và quyết chiến đấu để giải phóng mình ra khỏi tình cảnh ấy. Mặt khác, còn có ý chơi chữ: Ở ngay thủ đô Paris hào nhoáng, mệnh danh là hoa lệ, văn minh, còn có tầng lớp người nghèo khổ, bị bạc đãi, sống bơ vơ!

Nguyễn Ái Quốc được phân công làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Tôn chỉ, mục đích của báo là chiến đấu để “giải phóng con người”. Le Paria số 1 ra ngày 1-4-1922; số 38 (cuối cùng) ra tháng 4-1926. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách từ số 1 (4-1922) đến số 15 (6-1923); sau đó, Người rời Pháp đi Liên Xô, nhưng vẫn gửi bài về đăng báo. Tổng cộng, Nguyễn Ái Quốc có trên 30 bài viết và tranh vẽ trên báo Le Paria, nội dung chủ yếu là tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc, thức tỉnh các dân tộc thuộc địa đứng lên giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự chủ, xây dựng cuộc sống mới.

Từ khi ra đời, Le Paria luôn “sống” trong tình cảnh cực kỳ khó khăn: thiếu người, thiếu tiền, thiếu phương tiện hoạt động, luôn bị mật thám rình rập, làm khó dễ. Thời Nguyễn Ái Quốc phụ trách báo, Người đảm đương hết các khâu: viết bài, biên tập, trình bày, trang trí, vẽ tranh, phát hành và… bán báo. Le Paria, tờ báo do Bác Hồ sáng lập đầu tiên cũng là cuộc “tổng dợt” đầu tiên trong đời viết báo, làm báo của Người.

Kỳ thú thay, bài báo đầu tiên Bác viết bằng tiếng Pháp và tờ báo đầu tiên Bác sáng lập, làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút cũng bằng tiếng Pháp, xuất hiện giữa lòng thủ đô nước Pháp, nhằm đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp!

Đọc Luận cương của Lênin trên báo L’Humanité

Năm 1911 ra đi từ Sài Gòn, đến đầu năm 1920, Nguyễn Ái Quốc có 9 năm đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều nhà văn hóa và hoạt động chính trị, nghiên cứu nhiều học thuyết, lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh của nhân dân lao động; từ đó, nhận thức và hiểu biết của Người càng sâu rộng, tạo cơ sở cho những lựa chọn, quyết định của mình.

Một ngày, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm của Lênin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920 và trình bày tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến 7-8-1920. Trong tác phẩm này, có một nội dung quan trọng là Lênin yêu cầu các Đảng Cộng sản phải giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc, thực hiện đoàn kết giai cấp vô sản các nước tư bản với các dân tộc bị áp bức để chống kẻ thù chung là đế quốc, phong kiến. Luận cương của Lênin đã đáp ứng được yêu cầu và giải tỏa ngay nỗi ray rứt của Nguyễn Ái Quốc lúc đó: “Cái Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”.

Bốn chục năm sau (1960), Bác kể lại giây phút lịch sử ấy trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin” đăng trên báo Nhân dân ngày 22-4-1960 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta’/Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(5).

Nhờ báo L’Humanité mà Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản do Lênin lãnh đạo. Từ đó, mọi suy nghĩ, hành động của Bác đều dựa trên nền tảng của sự lựa chọn lịch sử này.

Gửi bài về đăng báo Đảng trong nước

Ở trong nước, năm 1938, Đảng Cộng sản Đông Dương cho ra báo Dân Chúng, xuất bản công khai bằng tiếng Việt tại Sài Gòn, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và viết bài về những vấn đề lý luận chính trị. Từ cuối năm 1938, đang hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc gửi bài về đăng báo Dân Chúng ở trong nước. Bài “Những sự hung tàn của đế quốc Nhật” ký tên P.C.Lin đăng trên báo Dân Chúng 3 số liền: số 46 ngày 21-1-1939, số 47 ngày 24-1-1939 và số 48 ngày 28-1-1939. Đây là bài báo đầu tiên Bác viết gửi về đăng báo Đảng ở trong nước.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng xuất bản tờ báo tiếng Pháp Notre Voix ở Hà Nội. Từ tháng 2-1939, dưới danh nghĩa là nhà báo Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết một loạt bài với tựa đề “Thư từ Trung Quốc” ký tên P.C.Lin (hoặc Lin) gửi về đăng báo Notre Voix; qua đó, thông báo tình hình Trung Quốc, góp ý kiến chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng bạn đọc

Ở Pháp, thuở mới tập viết báo, có lần gửi bài cho báo L’Humanité, Bác Hồ nói với anh em ở tòa báo: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”(6).

Năm 1950, khi đã là Chủ tịch nước, viết bài gửi cho tuần báo Pour une Paix durable et pour une Démocratie populaire, Bác kèm theo thư gửi Bộ Biên tập, trong đó ghi: “Tôi không viết tiếng Pháp đã từ lâu, khá lâu. Lần này viết, chắc mắc nhiều lỗi. Mong các đồng chí sửa hộ các lỗi đó. Nếu thấy cần thiết, đồng chí có thể sử dụng tài liệu này để viết lại hoàn toàn bài báo… Nếu trong bài có những sai về chính trị, mong đồng chí sửa hộ những sai đó và gửi cho chúng tôi lời phê bình. Xin cảm ơn trước”(7).

Báo Nhân dân ngày 14-3-1962 có đăng bài của Bác tựa đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui?” ký tên T.L. Ngay tựa bài, Bác chơi chữ thật ý vị: Lạc ở đây là đậu phộng, đồng âm với lạc chữ Hán #Ù nghĩa là vui. Bài viết có câu: “Nếu đưa ra nước ngoài, thì 1 tấn lạc đổi được 15 tấn gang”. Nhưng sau đó, trên báo Nhân dân ngày 17-4-1962, Bác có lời “xin lỗi” bạn đọc: “Trong báo Nhân dân (14-3-1962), dưới đầu đề ‘Làm thế nào cho lạc thêm vui’ đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L. xin thành thật tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc”(8).

Chính đức khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng tòa báo và bạn đọc, biết nhận khuyết điểm và xin lỗi khi có sai sót làm cho uy tín, nhân cách của nhà báo Hồ Chí Minh càng thêm cao đẹp.

***

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh nhận ra báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng. Người đọc báo, viết báo, sáng lập báo, làm chủ nhiệm, chủ bút báo, trở thành nhà báo cách mạng vĩ đại. Di sản báo chí của Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và lý tưởng cộng sản của Người. Nhà báo Hồ Chí Minh đã để lại hậu thế tấm gương báo chí ngời sáng: Khiêm tốn, bền bỉ học tập, thông thạo nhiều ngoại ngữ, kiến thức uyên bác, đạo đức trong sáng, nghiệp vụ tinh thông; gan dạ, dũng cảm trước kẻ thù, cái ác, cái xấu; quý trọng, cổ vũ từng cái đúng, cái hay, cái đẹp; trọn đời sử dụng ngòi bút của mình phục vụ Tổ quốc và Nhân dân, đấu tranh vì tiến bộ nhân loại.

PHẠM MINH KHẢI

 

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Thanh niên Giải phóng, TP.Hồ Chí Minh, 1975, trang 47-48 (lược trích).

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang. 415-416.

(3) Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, trang 403 và 415.

(4) Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, trang 87-88.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Sdd, trang 127.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Sdd, trang 123.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Sdd, trang 34 (lược trích).

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Sdd, trang 548.

Viết bình luận mới

Xem thêm

Người Vị Thanh và mối quan hệ ngoài xã hội

08:23 20/12/2024

Quá trình cộng cư, giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, người Vị Thanh đã mở rộng mối quan hệ xã hội, đoàn kết chung tay, chung lòng, quyết chí lập nghiệp.

Quyết liệt chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

05:57 19/12/2024

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được Hậu Giang thực hiện quyết liệt, nghiêm túc; bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội.

Chăm bồi nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc

07:24 18/12/2024

Thành phố Vị Thanh có đông đồng bào dân tộc Khmer, Hoa sinh sống.

Cần nâng chất hoạt động chi hội cựu chiến binh ấp, khu vực

07:29 17/12/2024

(HG) - Ngày 16-12, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh tổng kết công tác hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 39 quần chúng

07:29 17/12/2024

(HG) - Ngày 16-12, thành phố Vị Thanh tổ chức Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa VII năm 2024 nhằm tạo nguồn kết nạp đảng viên cho năm sau. Lớp diễn ra đến ngày 20,

Tọa đàm nâng cao công tác hậu phương quân đội

07:25 17/12/2024

(HG) - Sáng 16-12, Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Chương trình tọa đàm nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), với chủ đề “Hậu phương vững chắc, tiền tuyến vững tâm”.

Hậu Giang sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu vượt bậc hơn nữa

07:22 17/12/2024

Trong chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có những chỉ đạo, định hướng quan trọng đối với Hậu Giang.

Phụ nữ với công tác hậu phương quân đội

07:20 17/12/2024

Hậu phương quân đội là một trong những nhiệm vụ được các cấp hội LHPN trong tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hoạt động thiết thực, từ đó nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức hội.

Hun đúc hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng

05:52 17/12/2024

Hướng đến Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, thành phố Vị Thanh phát động đợt thi đua cao điểm, khí thế sôi nổi lan tỏa khắp các phường, xã.

Niềm vui nhân đôi và cam kết sắt son

05:45 17/12/2024

Đánh giá tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang vui mừng khi lãnh đạo thành công các nhiệm vụ chính trị, trong đó tăng trưởng kinh tế xếp thứ hai vùng ĐBSCL. Hậu Giang đang rất phấn khởi vì Bộ Chính trị vừa chuẩn y kết quả bầu đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Bí thư Tỉnh ủy. Cả tỉnh đang thực hiện chủ trương chung của toàn Đảng trong tổng kết Nghị quyết số 18 và niềm tin vào quá trình đổi mới công tác xây dựng Đảng của toàn Đảng.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó áp thấp nhiệt đới

14:28 23/12/2024

(HGO) - Để chủ động phòng ngừa, ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế khác và đời sống của người dân trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đơn vị có liên quan và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cập nhật dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết trong những ngày tới để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện nghiêm túc Quyết định số 44/QĐ-BCH ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

“Vui Tụ Tết - Kết Tình Thân” cùng Mirinda tại Hội chợ Xuân Hậu Giang - Ất Tỵ 2025

14:17 23/12/2024

Khi Tết đang đến gần, không khí nhộn nhịp tràn ngập khắp nơi, Hội chợ Xuân Hậu Giang - Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 20-1 đến 26-1-2025 tại Công viên Chiến Thắng, đường Hòa Bình, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, là sự kiện không thể bỏ lỡ, đây không chỉ là nơi mua sắm mà còn là dịp để tận hưởng không khí mùa xuân, gắn kết yêu thương và sẻ chia niềm vui.

Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp khởi công “Cầu nối yêu thương” số 118 với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng tại huyện Long Mỹ

09:17 23/12/2024

(HGO) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, UBND huyện Long Mỹ tổ chức khởi công “Cầu nối yêu thương” số 118 (Cầu kênh Trực Thăng), ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

06:35 23/12/2024

Việc triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại thông minh đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.