Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Giao thông trong giai đoạn xây dựng và phát triển

03/05/2024 | 09:20 GMT+7

Sau giải phóng 1975, do tình hình kinh tế khó khăn, kinh phí hạn hẹp, nên chính quyền cách mạng chỉ tập trung đầu tư các tuyến đường chiến lược qua Long Mỹ, lên Cần Thơ.

Đường Trần Hưng Đạo dọc theo tuyến kinh xáng Xà No, thành phố Vị Thanh.

Từ đó, mạng lưới đường phố nội ô ngày càng xuống cấp. Những năm thời bao cấp, do thiếu nhiên liệu, đường Cần Thơ - Vị Thanh hư hỏng nhiều đoạn. Từ đó, hành khách trở lại dùng phương tiện tàu đò theo tuyến Vĩnh Thuận - Cần Thơ ghé Vị Thanh và ngược lại, phải mất từ 4-5 giờ mới tới Cần Thơ. Hoặc nếu đi đường bộ thì bằng xe lôi qua ngã ba Vĩnh Tường, sang xe đi tiếp lên Kinh Cùng, Cần Thơ.

Thị xã Vị Thanh được tái lập, từ năm 1999, tình hình dần được cải thiện. Tuyến đường thủy đã có tàu cao tốc từ Vĩnh Thuận đi Cần Thơ, ghé Vị Thanh lên xuống khách. Theo kinh Xà No đi, về Vị Thanh - Cần Thơ chỉ mất khoảng 1 giờ. Đặc biệt, kể từ khi trở thành tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang, rồi thành phố Vị Thanh giai đoạn 2004-2009, Vị Thanh nâng cấp và xây dựng mới 303km đường giao thông nông thôn và 5.000m cầu. Đến năm 2019, mạng lưới giao thông nội thị và giao thông đối ngoại trên địa bàn Vị Thanh được tập trung đầu tư, tăng tốc xây dựng để xứng tầm của một đô thị loại III, rồi nâng lên loại II; trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu - Bắc bán đảo Cà Mau.

Xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ nội ngoại thị cũng là giải pháp đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế trong tình hình mới. Do vậy, thị xã tiến hành hàng loạt các công trình giao thông. Chỉ một năm sau, tất cả 7 phường, xã đều có đường trải nhựa, xe 4 bánh nối tới trung tâm thị xã; 100% khu vực ấp có đường trải nhựa mặt cứng, xe 2 bánh đi, lại được 2 mùa.

Ngoài ra, nhiều công trình lớn của tỉnh trên địa bàn thị xã cũng hoàn thành vào những năm tiếp sau, nhất là giai đoạn Vị Thanh trở thành thành phố. Tiêu biểu như xây dựng cầu bê tông vĩnh cửu 30-4, nối trung tâm thị xã, qua kinh Xà No với Đường tỉnh 933 (sau đổi gọi đường 931C), đi Giồng Riềng - Rạch Giá (Kiên Giang).

 Được khởi công năm 2003, công trình xây dựng cầu Cái Tư (đoạn Cầu Đúc xưa) hoàn thành năm 2006 kết nối thông tuyến Quốc lộ 61 Vị Thanh - Gò Quao - Rạch Giá 55km, phá thế đường cùng của tỉnh Hậu Giang về phía Tây Nam. Cầu dài 514m, rộng 12m với 4 làn xe liên thông, độ thông tuyến cao 20m. Tổng vốn đầu tư 83 tỉ đồng.

Công trình cầu Xà No bề thế và ấn tượng, kết nối đường Hậu Giang (sau đổi tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp) tại khu hành chính tỉnh, qua cầu Xà No đi các huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Thới Lai, Ô Môn (thành phố Cần Thơ). Phần chính cầu dài 350m, cắt qua đường Trần Hưng Đạo, vượt kinh Xà No, dành cho 4 làn xe, trọng tải cầu 30 tấn. Tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng.

Đặc biệt là đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (sau đổi tên Quốc lộ 61C) dài 47km, rộng 11,5m được khởi công xây dựng từ ngày 3-9-2007, hoàn thành giai đoạn I năm 2012, đưa vào sử dụng. Rút ngắn thời gian hành trình còn 60-70 phút, tổng kinh phí đầu tư 3.400 tỉ đồng. Tuyến 61C đi qua các quận Cái Răng, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ), các huyện Châu Thành A, Vị Thủy (Hậu Giang), góp phần phá thế độc đạo từ bao đời nay, khi đến vùng Vị Thanh, mở ra hướng kết nối đường bộ thông suốt trên vùng đất phía Tây sông Hậu và Bắc bán đảo Cà Mau.

Như vậy, tuyến Quốc lộ 61C phá thế độc đạo, cầu Cái Tư phá thế đường cùng, cầu Xà No kết nối hai bờ kinh Xà No, tạo điều kiện để Vị Thanh phát triển không gian đô thị ra nhiều hướng. Đối với mạng lưới đường nội thị, nhiều tuyến được nâng cấp, mở mới, tạo gương mặt đô thị Vị Thanh sáng, đẹp, khang trang, tiêu biểu như: Đường đôi Trần Hưng Đạo, từ cầu Ba Liên đến ranh phường VII dài 10km, dọc theo kinh Xà No.

 Đường 3-2, tức Quốc lộ 61 đoạn qua nội thị, theo kinh Mương Lộ được mở rộng. Đây là con đường xưa nhất ở Vị Thanh, hình thành từ những năm 20 (thế kỷ XX). Qua nhiều lần nâng cấp, chỉnh trang, chiều dài 4.000m, rộng 20m, có nút giao - cầu vượt; trở thành tuyến đường đẹp chào đón khách từ hướng Đông phía huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ.

Đại lộ Võ Văn Kiệt, tức đường Tây Sông Hậu trước đây, tọa lạc phía Đông, thuộc khu đô thị hành chính - thương mại. Đường dài 2.700m, rộng 16,5m. Đại lộ Võ Nguyên Giáp (trước là đường Hậu Giang), xuyên qua khu hành chính - thương mại, nằm cạnh trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang, thông tới Quốc lộ 61C, một hướng thẳng qua cầu Xà No kéo dài, kết nối với đường Lê Hồng Phong tại xã Vị Tân. Tính đến cuối năm 2019, thành phố Vị Thanh có 182 tuyến đường, phố, trong đó, 132 tuyến đường đã đặt tên.

Về phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa, trên đường bộ thành phố có bến xe, mặt bằng 4,9ha, cùng với 18 xe khách cố định, 74 xe khách thuê bao, 191 xe tải hàng hóa. Đáng chú ý, số lượng xe con gia đình ngày càng nhiều, đến năm 2019, có 1.808 chiếc cùng 15.561 xe máy. Song song đó, vận tải thủy có: 1.802 vỏ lãi, 547 ghe chài trọng tài lớn (chở hàng hóa).

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển - giao thông thủy, bộ trên địa bàn Vị Thanh xưa và nay, đã cho thấy rất rõ vai trò quyết định trong đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế; kể cả những lúc làm phương tiện quân sự - chiến tranh.

Từng thời kỳ phát triển có nhiều cải tiến, sáng tạo thích nghi với trào lưu hiện đại, trong xây dựng cầu, đường và các phương tiện vận tải, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ trong môi trường xã hội.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>