Ít người làm được nhiều việc ?

06/09/2024 | 06:25 GMT+7

Sự quyết liệt, trách nhiệm, đổi mới trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu đã truyền cảm hứng, thôi thúc các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, linh hoạt, đổi mới, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ.

Bài 3: Cấp trên quyết liệt, cấp dưới quyết tâm

Đó chính là “chìa khóa” để Hậu Giang thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh người ít, việc nhiều.

Cán bộ phường Bình Thạnh (trái) đến nhà tuyên truyền, vận động người dân góp sức thực hiện các phong trào ở địa phương.

Cùng làm, cùng bàn bạc, cùng chia sẻ

Từ năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, riêng năm 2023 được tặng cờ thi đua xuất sắc tiêu biểu dẫn đầu Cụm thi đua Tây Nam Bộ.

Ít ai ngờ thành tích ấy được tạo nên từ tập thể chỉ có 13 biên chế (trong đó có 2 hợp đồng theo Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, biên chế của Hội ít nhất cả nước, vì số biên chế trung bình của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là 16 biên chế, trung bình cả nước khoảng 18 biên chế.

Cán bộ, công chức Hội LHPN tỉnh tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Hỏi về giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện ít biên chế, bà Nguyễn Thị Thùy Linh nhấn mạnh yếu tố “3 cùng”.

“Cùng làm: trong công việc chúng tôi không phân biệt lãnh đạo hay chuyên viên, nếu đã được giao nhiệm vụ thì phải làm tất cả, không trông đợi vào bộ phận tham mưu. Cùng bàn bạc: khi tổ chức thực hiện những nhiệm vụ mới, phức tạp, những khâu đột phá… cán bộ công chức được tham gia bàn bạc, thảo luận một cách thẳng thắn để đi đến thống nhất thực hiện. Và cùng chia sẻ: đối với những trường hợp có hoàn cảnh đột xuất, lãnh đạo cơ quan sẵn sàng chia sẻ công việc, kể cả những việc nhỏ như photo văn bản hay quét dọn”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết.

Nhờ “cùng làm, cùng bàn bạc, cùng chia sẻ” nên Hội LHPN tỉnh đã xây dựng nội bộ có sự đồng lòng, đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ. Với những thời điểm công việc chuyên môn nhiều như dịp 8-3, 20-10, chuẩn bị tổng kết thi đua cuối năm, hoặc có những sự kiện lớn do Hội tổ chức thì cán bộ, công chức phải động viên nhau làm việc tối đa, kể cả ban đêm và ngày nghỉ để hoàn thành công việc được giao.

Nhằm đáp ứng khối lượng hoạt động ngày càng nhiều, đảm bảo các chỉ tiêu Trung ương và nhiệm vụ cấp ủy giao, Hội LHPN tỉnh còn tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; trang bị cho cán bộ, công chức chuyên trách máy tính xách tay, tổ chức các cuộc họp không giấy, thành lập các nhóm zalo chuyển phát các văn bản sử dụng nội bộ, khai thác mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, số hóa tài liệu truyền thông.

Chủ động trong công việc cũng là giải pháp giúp cơ quan Hội thực hiện nhiệm vụ đạt về chất lượng, tiến độ. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, từ lãnh đạo đến nhân viên Ban Xây dựng hội thuộc Hội LHPN tỉnh đều xây dựng kế hoạch các công việc phải làm. Bà Nguyễn Thị Tiên, Trưởng Ban này, chia sẻ: “Việc này giúp chúng tôi xác định rõ những nhiệm vụ ưu tiên cần làm trước, làm sau để kịp tiến độ và không bị nghẽn”.

Trong tháng 8-2024, Ban Xây dựng hội lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên là phối hợp với VNPT Hậu Giang hoàn chỉnh và đưa vào vận hành App Phụ nữ Hậu Giang; đối chiếu việc thực hiện các tiêu chí thi đua; tham mưu nội dung sơ kết công tác hội và phong trào phụ nữ quý III, đề ra chương trình công tác quý IV…

Công việc nhiều nên lãnh đạo, nhân viên của Ban Xây dựng hội luôn làm việc hết công suất. “Người ít, việc nhiều nên để hoàn thành tốt, từ lãnh đạo đến nhân viên của Ban luôn giữ vững phương châm: “làm hết việc chứ không hết giờ”, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Chúng tôi còn phân công, giao nhiệm vụ rất cụ thể, rõ người, rõ việc. Nhiệm vụ được giao thì quyết tâm làm, nếu không hoàn thành kịp tiến độ thì người khác sẽ hỗ trợ, tiếp sức. Vì thế mà tình đoàn kết, sự thấu hiểu, sẻ chia được thể hiện trong mọi hoàn cảnh”, bà Nguyễn Thị Tiên chia sẻ.

Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đổi mới trong công việc

Tháng 8-2015, tỉnh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ. Lúc đó, tỉnh có cam kết với Trung ương là không tăng thêm biên chế nên buộc phải chia đôi lực lượng để phục vụ cho cả 2 bộ máy của huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ sau khi đi vào hoạt động.

Hiện nay, thị xã có 46 biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội; 63 biên chế công chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thị xã: 43 biên chế sự nghiệp cấp huyện. Theo Thị ủy Long Mỹ, số biên chế trên địa bàn còn thiếu so với quy định chung và thấp hơn so với các huyện, thị, thành khác trong tỉnh.

Dù “sinh sau đẻ muộn” và biên chế ít nhưng thị xã đạt được thành tựu phát triển đáng tự hào. Đầu năm 2020, thị xã được công nhận đô thị loại III, mở ra bước ngoặt cho đô thị phát triển ngày càng sầm uất, khang trang; được tỉnh quy hoạch là 1 trong 3 đô thị vệ tinh và trở thành trung tâm giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận. Các vùng nông thôn chuyển mình thấy rõ khi thị xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên khi thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,36 triệu đồng (cuối năm 2015) lên 60,48 triệu đồng (cuối năm 2023).

Không dễ để thị xã Long Mỹ đạt được thành tích này, đó là thành quả từ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, gần dân, được dân thương yêu, tín nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương này.

Thấy tuyến đường kênh Lý Vàng, ở khu vực Thạnh Hiếu bị xuống cấp, cấp ủy, chính quyền phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ tranh thủ tìm nguồn vận động xã hội hóa để nâng cấp. Nhờ khéo vận động nên một Việt kiều Mỹ là người con của quê hương đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng mới tuyến đường này.

Lo xong kinh phí, cán bộ, công chức phường đến từng hộ dân sinh sống trên tuyến đường để vận động bà con hiến đất, vật kiến trúc phục vụ việc thi công. Nhờ ý Đảng - lòng dân là một nên tuyến đường mới rộng 2,5m, dài 2,4km, tổng kinh phí khoảng 4 tỉ đồng đã được xây dựng hoàn thành giữa năm 2024.

Nhìn tuyến đường mới thông thoáng, phẳng phiu trước cửa nhà mình, ông Võ Phi Hùng, khu vực Thạnh Hiếu, phấn khởi chia sẻ: “Đường mới được xây dựng rộng rãi, phẳng phiu nên việc đi lại thuận lợi hơn trước”.

Giống như nhiều hộ khác, gia đình ông Võ Phi Hùng hiểu được lợi ích của việc xây đường mới, do đó tự nguyện hiến đất, làm nền hạ phục vụ thi công. Ông dự tính tới đây, sẽ nâng độ cao khoảng sân trước nhà ngang bằng với mặt đường và trồng thêm cây cảnh, hoa kiểng để tạo không gian sạch đẹp.

Nhiều công trình trị giá hàng tỉ đồng được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” là dấu ấn nổi bật của phường Bình Thạnh những năm gần đây, cho thấy công tác vận động quần chúng của địa phương này đạt hiệu quả cao. Đó là nền tảng để phường liên tục nằm trong tốp đầu thi đua phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Võ Văn Trường, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thạnh, cho biết: “Cán bộ, công chức của phường làm việc với quyết tâm và trách nhiệm cao, sâu sát cơ sở. Khi không có lịch họp, cán bộ, công chức của phường dành thời gian đi cơ sở để biết được địa phương mình đang gặp khó khăn như thế nào mà có biện pháp tháo gỡ; hiểu được người dân còn trăn trở điều gì để trong lãnh đạo, điều hành sát hợp hơn; đi để tuyên truyền, vận động người dân góp sức thực hiện các nhiệm vụ, công trình, phong trào ở địa phương”.

Theo ông Đoàn Quốc Thật, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, với số lượng biên chế không nhiều nhưng khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện ngày càng nhiều, để hoàn thành tốt thì địa phương tập trung củng cố, xây dựng bộ máy tinh gọn, chất lượng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo phục vụ cho ngành, lĩnh vực phụ trách. Phân công, phân việc hợp lý để mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều biết rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời xác định những công việc quan trọng và ưu tiên hoàn thành trước, tránh bị phân tán vào những công việc khác chưa cần thiết.

Lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã còn tăng cường giao tiếp, đối thoại để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, lắng nghe ý kiến và phản hồi từ cán bộ, công chức, viên chức. Đảm bảo mọi người cảm thấy ý kiến của họ được lắng nghe và ghi nhận. Khi có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ tại cơ quan, đơn vị nào đó thì nhanh chóng giải quyết một cách công bằng và hợp lý để không ảnh hưởng đến hoạt động. Quan tâm trang bị máy móc, thiết bị, đặc biệt là trang bị các phần mềm phục vụ cho chuyên môn, nghiệp vụ theo từng ngành, lĩnh vực.

“Với vai trò Bí thư Thị ủy, tôi có những chỉ đạo, động viên, khuyến khích để cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị trên địa bàn thị xã phải luôn đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Khen thưởng kịp thời những người có thành tích xuất sắc. Khuyến khích tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức đổi mới trong công việc. Chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm, hiệu quả không cao”, ông Đoàn Quốc Thật, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, chia sẻ.

Chính sự quyết liệt của cấp trên, quyết tâm của cấp dưới đã tạo nên khí thế “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Đó chính là “chìa khóa” để Hậu Giang thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

Với nhiều thành tựu nổi bật đạt được những năm gần đây, tỉnh đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và các tỉnh, thành bạn đến thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm công tác. Các đồng chí ghi nhận, đánh giá Tỉnh ủy Hậu Giang có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo, điều hành, trong đó có việc chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ bằng phương châm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu.

TRƯỜNG SƠN - CẨM LÌNH

-----------------

Bài 4: Từ phương châm biến thành hành động

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>