Thứ Năm, ngày 01/10/2020 | 09:16
Ông tên là Võ Sĩ Đảo, ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, là một trong 4 vệ sĩ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong thời gian Chủ tịch nước ở Khu căn cứ Ba Lào (ấp 5, xã Lương Tâm) chỉ đạo lực lượng vũ trang các tỉnh vùng ĐBSCL đánh đuổi Mỹ - ngụy (giai đoạn tháng 10-1970 - đầu năm 1974), khi ấy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Sáu Nam) là Tư lệnh Quân khu 9.
Ông Hai Đảo (thứ ba từ phải qua) trong lần hướng dẫn lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh thăm lại khu căn cứ Ba Lào, ở ấp 5, xã Lương Tâm.
Võ Sĩ Đảo làm... vệ sĩ
17 tuổi, chưa biết đánh giặc là gì nhưng khoái hình ảnh oai liệt của cha mình và bộ đội vác súng trên vai đánh giặc nên chàng thiếu niên Sĩ Đảo quyết tâm nhập ngũ. Thấy con có chí hướng tốt nên gia đình cũng thuận lòng. Ở ấp 5 thời đó thanh thiếu niên đăng ký đi đánh giặc không phải chuyện hiếm. Những người bạn, người anh cùng xóm với Sĩ Đảo như: Cồ, Tam, Yên (Tư Yên), Rô... cũng một lòng theo Đảng.
Thấy Sĩ Đảo có tính gan dạ nên tổ chức phân công tham gia Đại đội trinh sát của Trung đoàn 1 - U Minh, đơn vị chịu trách nhiệm trinh sát, dẫn đường cho bộ đội đánh giặc. Cũng vì nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm nên Đảo không ít lần chứng kiến đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ. Khoảng thời gian đó, ông Đảo được người anh cùng xóm là Nguyễn Văn Yên (Tư Yên) dìu dắt, chỉ cho các thế võ và cách sử dụng vũ khí.
Khi Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh về căn cứ Ba Lào chỉ huy đánh phá kế hoạch bình định, tràn ngập lãnh thổ sau Hiệp định Paris ở địa bàn Quân khu 9 thì cần một tổ vệ sĩ bảo vệ. Đại đội trinh sát và các đơn vị khác được giao tuyển chọn chiến sĩ tham gia gồm 4 người. Nhiều chiến sĩ ưu tú của các đơn vị được đưa vào danh sách tuyển và chàng thanh niên Sĩ Đảo trúng tuyển vì hội đủ các yếu tố: gan dạ, nhanh nhẹn, đặc biệt là có nhân thân tốt (cha là Võ Văn Đông làm Trưởng Công an xã Lương Tâm). “Biết mình được chọn thì mừng rỡ vô cùng, nhưng ý thức được đó là trách nhiệm nặng nề, lớn lao nên luôn dặn với lòng phải làm thật tốt”, ông Hai Đảo nhớ lại.
Tổ vệ sĩ do Ba Lọ làm tổ trưởng; 4 người trong tổ dù tuổi tác, quê quán khác nhau nhưng coi nhau như anh em trong nhà, cùng một mục tiêu là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tư lệnh. Làm vệ sĩ nên các anh luôn túc trực kề cận chỉ huy ngày lẫn đêm. Mỗi người đều mang bên mình 2 khẩu súng K63, K54, dao bấm để sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều lần địch ném bom căn cứ Ba Lào, để đảm bảo an toàn nên tổ vệ sĩ cùng chỉ huy thường xuyên di chuyển trú tránh, mỗi nơi ở khoảng 10 bữa, nửa tháng. Các thành viên trong tổ hầu như không có giấc ngủ ngon vì phải thay nhau bảo vệ an toàn tuyệt đối cho yếu nhân.
Trong thời gian làm vệ sĩ, từ tháng 5-1972 đến đầu năm 1974, chàng thanh niên Sĩ Đảo và đồng đội trải qua nhiều niềm vui, nỗi cơ cực và những kỷ niệm khó quên với chỉ huy. “Có lần Trung đoàn I - U Minh tổ chức đánh diệt đồn Tô Ma, dù đã chỉ đạo rất cặn kẽ Ban Chỉ huy Trung đoàn từ trước nhưng vị Tư lệnh Quân khu 9 vẫn muốn tổ vệ sĩ đưa đi xem diễn biến trận đánh với nguy cơ trúng pháo kích của giặc. Vậy là tổ vẫn phải đưa ông đi với sự canh phòng cẩn mật. Đây thật sự là vị Tư lệnh sâu sát với trận địa, góp phần cổ vũ, thôi thúc chiến sĩ tiêu diệt đồn Tô Ma trong thời gian ngắn”, ông Hai Đảo kể.
Trong ký ức của ông Hai Đảo hiện giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh người chỉ huy thường xuyên thăm hỏi chuyện ăn, ở, sức khỏe của chiến sĩ. “Từng tham gia bảo vệ cho ông Lê Đức Anh khi ông tham dự các cuộc họp chi bộ nên tôi chứng kiến không ít lần chỉ huy cầu thị ghi nhận ý kiến mà đồng chí góp ý. Chỉ huy coi anh em trong tổ như người thân, không hề có sự xa cách”, ông Hai Đảo hồi tưởng.
Nhiệm vụ của tổ bảo vệ hoàn thành khi Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh rời căn cứ trở về Trung ương. Ông Hai Đảo và các thành viên trong tổ tiếp tục tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 4 (Quân khu 9) cho đến ngày toàn thắng.
“Nhân chứng sống” của một thời khói lửa
Hòa bình lập lại, ông Hai Đảo tiếp tục tham gia công tác tại xã, ấp góp sức tái thiết lại quê hương. Vợ chồng ông có 4 người con (2 trai, 2 gái) được ông giáo dục nhiều về lòng yêu nước, làm việc có ích cho cộng đồng.
Ông Hai Đảo giờ được xem là “nhân chứng sống” của lịch sử khu căn cứ Ba Lào trong những năm cuối của chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhiều người viết sử, các đơn vị bảo tàng, cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại vùng đất Lương Tâm anh hùng đều tìm đến ông. Với ông Hai Đảo, được kể lại những câu chuyện lịch sử là niềm vui, là trách nhiệm để giúp thế hệ hôm nay trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do, hiểu hơn những hy sinh, mất mát của cha ông ngày trước.
Thỉnh thoảng, ông lại chạy vỏ lãi đến kênh Ba Lào, nhìn cảnh để nhớ lại hình ảnh 4 anh em trong tổ vệ sĩ cùng chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ. “Tôi thương nhất là thằng Vinh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong tổ, nghe nó hy sinh trong một lần đi công tác mà tôi rất đau lòng. Còn tổ trưởng Ba Lọ, tổ phó Ba Sơn đã rất lâu rồi không gặp”, ông Hai Đảo bồi hồi.
Ông Hai Đảo cũng may mắn được gặp lại người chỉ huy mà mình từng bảo vệ năm xưa - Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm Long Mỹ. Nhìn thấy “cận vệ”, Chủ tịch nước mừng rỡ, hỏi thăm đủ điều về gia đình, cuộc sống. Đó cũng là lần cuối cùng ông Đảo được gặp cố nhân.
Bạn bè, đàn anh trong xóm đi bộ đội cùng thời với ông Hai Đảo phần lớn đã... in tên trên bảng vàng của ấp, chỉ còn ông Tư Yên. Hai ông hiện cùng tham gia Chi hội Cựu chiến binh ấp 5, thường hẹn nhau đàm đạo ôn lại kỷ niệm xưa.
“Tính cách thằng Hai Đảo lúc thanh niên và bây giờ vẫn vậy, hiền lành, thật thà, gần gũi với anh em. Có thay đổi chăng là tóc hoa râm, trên gương mặt dày những nếp nhăn và không còn nhanh nhẹn”, ông Hai Yên nói về người em của mình.
Mang trên mình nhiều thương tích do chiến tranh, cuộc sống của ông Hai Đảo hiện tại bám vào ruộng vườn và vui vầy bên con cháu. Hàng ngày, ông làm công việc “vệ sĩ” đưa cháu đến trường. Ngoài là hội viên cựu chiến binh, ông còn tham gia công tác chữ thập đỏ của ấp có trách nhiệm vận động chăm lo cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống không giàu sang nhưng ông thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống cho đất mẹ đơm hoa.
Ông thấy mừng vì đất nước phát triển không ngừng và ngày càng nâng tầm vị thế trên trường quốc tế; quê hương Lương Tâm bị tàn phá nặng nề của chiến tranh nay hồi sinh mạnh mẽ và được công nhận nông thôn mới. Đó chính là cái đích, cái lý tưởng và niềm tin để ông cùng biết bao thế hệ người dân Việt Nam quyết cống hiến tuổi thanh xuân, kể cả tính mạng cho nền độc lập - tự do - hạnh phúc...
“Ông Hai Đảo là người có uy tín ở địa phương. Với vai trò là đảng viên, ông gương mẫu đi đầu trong các mặt công tác của xã, ấp. Ông cũng là “nhân chứng sống” của khu căn cứ cách mạng Ba Lào và rất tích cực cung cấp tư liệu lịch sử cho các tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu về khu căn cứ này…”, ông Phạm Minh Hậu, Chủ tịch UBND xã Lương Tâm, cho biết. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN
07:52 30/06/2025
Trong 6 tháng đầu năm, trước bối cảnh tình hình chung có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo,
11:09 27/06/2025
(HGO) - Năm 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu kết nạp 1.322 đảng viên. Qua thực hiện trong 6 tháng đầu năm, đã kết nạp được 781 đảng viên, đạt 54,31% chỉ tiêu.
08:39 27/06/2025
(HGO) - Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức công bố các quyết định giải thể, kết thúc hoạt động công đoàn cấp huyện và tương đương; các quyết định tiếp nhận công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn trực thuộc các đơn vị giải thể, kết thúc hoạt động.
05:46 27/06/2025
Có những tên gọi khi cất lên đã khiến lòng người xao xuyến, gợi về những miền ký ức sâu lắng và những cảm xúc trọn vẹn: Cần Thơ yêu kiều - Hậu Giang trìu mến - Sóc Trăng thân thương.
09:54 25/06/2025
(HG) - Đó là yêu cầu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm; tổng kết công tác đoàn, đội trường học năm học 2024-2025, do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức vào ngày 23-6.
09:50 25/06/2025
(HG) - Sáu tháng đầu năm, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng và bàn giao 19 căn nhà tình thương cho phụ nữ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 950 triệu đồng.
05:54 25/06/2025
Hậu Giang sắp… lùi lại, tạm biệt một cái tên thân thương để hòa nhập, bước vào một chặng đường mới hứa hẹn mạnh mẽ hơn, giàu đẹp hơn!
06:41 24/06/2025
(HG) - Đầu năm đến nay, các cấp hội nông dân triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống hội viên, nhất là nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
13:59 23/06/2025
(HGO) - Ngày 23-6, Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6; tổng kết Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; các cuộc thi do Hội phát động và ra mắt quyển sách “Câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang”. Tham dự có bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long; bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
05:52 23/06/2025
Sau khi sắp xếp, tỉnh Hậu Giang còn 28 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 xã, 7 phường), giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 62,66%, bảo đảm giảm đúng tỷ lệ từ 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Trung ương.
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...