Thứ Hai, ngày 03/02/2025 | 05:42
Cách đây hơn 70 năm, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Thi hành Hiệp định, trong đó có nội dung: “ngừng bắn, tập kết, chuyển quân”, những người con miền Nam thu xếp hành trang tập kết ra Bắc, trong đó có ông Hai Mạnh (Lâm Tấn Mạnh), ở khu vực 4, phường IV, thành phố Vị Thanh.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông Hai Mạnh được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen.
Một hành trình dài ra đi để… trở về chưa như mong muốn, nhưng với ông Hai, đó là những gì của thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giơ hai ngón tay thay lời hẹn ước
Ở tuổi 94, ông Hai Mạnh như trẻ lại khi được hỏi về hành trình tập kết ra Bắc. Ông kể, ở tuổi 15 đã tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Ty Công an tỉnh Cần Thơ; giai đoạn 1948-1954, làm trinh sát Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 664 (Quân khu 9).
Năm 1954, ông Hai và đồng đội trong đơn vị nhận lệnh tập kết ra Bắc. Không khỏi lo lắng khi nghe kể miền Bắc ở cách xa miền Nam hàng ngàn cây số, thời tiết khắc nghiệt, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ nên ông sẵn sàng lên đường không chút do dự.
Ngày xuất quân, Mạnh còn được mẹ cha tiếp thêm dũng khí: “Con đi cố gắng học tập, trở thành người tốt cho đất nước được nhờ”.
Dù ngày tập kết diễn ra cách nay 70 năm nhưng vẫn vẹn nguyện trong trí nhớ ông Hai.
Theo đó, khu vực tập kết tại kênh Chắc Băng, dài khoảng 40 cây số, như một “cây đòn gánh” giữa hai đầu sông Cái Lớn ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và sông Trẹm ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Điểm tập kết cụ thể là một khoảng đất rất rộng nằm trên bờ vàm kênh Chắc Băng, tàu và xuồng ghe đậu một dọc dài đón quân. Nơi đây có dãy nhà lá nối dài nhau dùng để cho cơ quan chỉ huy bến tập kết làm việc và cho bộ đội ở trước khi lên đường cùng người thân đến chia tay, tạm trú.
Rồi ông Hai Mạnh kể thêm: Trên khoảng sân rộng là bãi chiếu bóng và sân khấu biểu diễn văn nghệ. Xung quanh bến và xa hơn một chút dọc bờ kênh xáng là băng, khẩu hiệu, pano, áp phích, cờ Tổ quốc rợp trời.
“Tại bến tập kết Chắc Băng không khí lúc nào cũng rộn ràng, tấp nập; dưới sông thì xuồng ghe ken dày, trên bờ lúc nào cũng có người đông đúc đi lại. Ðó là bộ đội, cán bộ dân chánh và người thân từ khắp các tỉnh, thành Nam bộ đến chia tay”, ông Hai kể như thể sống lại một thời lửa đạn.
Ký ức càng tiếp tục ùa về với ông: “Ở Chắc Băng khi đó có rất nhiều đơn vị, đông vui, nhộn nhịp lắm. Trên dòng kênh ghe xuồng đậu kín mặt sông. Lúc đó, ngoài người tập kết, còn có rất nhiều người thân tới thăm, đưa tiễn. Người sắp tập kết ra miền Bắc và người ở lại miền Nam tụ họp nhau mỗi nơi một nhóm, chỗ trong nhà, chỗ ngoài sân, có khi nơi lùm cây... Họ nói chuyện tâm tình cho tới khi mặt trời lên vẫn còn tiếp tục, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, câu chuyện của họ dường như không dứt!”.
Đến ngày lên đường, sau khi người chỉ huy thay mặt bộ đội và những người đi tập kết nói lời tạm biệt ngắn gọn với đồng bào, đồng chí và người thân trong không khí tràn đầy xúc động, bộ đội tập hợp trên sân trước cột cờ lớn để chuẩn bị xuống tàu; ở bến tập kết Chắc Băng, nhiều tàu nhỏ của Pháp đến đưa bộ đội và cán bộ ta ra tới Vũng Tàu rồi mới qua tàu Liên Xô đi ra miền Bắc.
Người ra đi xếp hai hàng dọc đều bước xuống tàu giữa rừng cờ vẫy gọi, giữa tiếng hò reo. Người đưa tiễn cũng tập hợp chỉnh tề để tiễn đưa, có nhiều người cầm cờ đỏ sao vàng tỏ lòng sắt đá…
Trong giờ phút ấy, mắt mỗi người ai nấy cũng lưng tròng. Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố, làm tiền tuyến cho cách mạng miền Nam; người ở lại giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Người đi và người ở đều giơ 2 ngón tay chào nhau thay cho lời hẹn ước 2 năm sau sẽ trở về đoàn tụ. Ðoàn tàu chạy khuất xa rồi mà chúng tôi vẫn còn nghe tiếng vọng của những người đưa tiễn!”, ông Hai Mạnh bùi ngùi kể lại.
Đậm nghĩa tình với đồng bào
Sau bao ngày lênh đênh trên biển, tàu của nước bạn Liên Xô chở đồng bào miền Nam đi tập kết cũng đã đến được đích. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên đất liền thì gặp bão, phải neo đậu ở Hòn Mê. Sau khi bão tan, đoàn người tập kết được đưa vào đất liền tại Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Khi ấy là mùa Đông, cảm nhận đầu tiên của ông Hai Mạnh là cái rét rất lạ so với miền Nam.
Ông nhớ lại dù cơ thể mệt mỏi do di chuyển dài ngày trên biển nhưng nhìn đồng bào Thanh Hóa xếp hàng dài chục cây số đứng đợi dọc đường khiến lòng ông lâng lâng khó tả. Tuy mưa gió, rét, ướt át, đồng bào miền Bắc vẫn kiên nhẫn đợi. Có ngày ở Sầm Sơn, năm sáu ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam lên bờ, việc tiếp đón vẫn luôn được chu đáo như đón người thân, những đứa con đi xa trở về.
“Lên đến bờ, chúng tôi được phát áo bông, thứ vốn lạ lẫm với những đứa con phương Nam. Tôi còn nhớ bữa cơm đầu tiên có đầy đủ thịt, cá, ăn cơm, nhưng ngược lại bà con ở đây lại bữa cháo bữa rau, làm bộ đội thêm lo nghĩ... “Người dân Thanh Hóa đã thật sự nhường cơm sẻ áo cho chúng tôi, nhớ hoài không quên!”, ông Hai Mạnh kể.
Đêm đầu tiên ngủ trong lán trại, dù đắp chăn bông nhưng ông Hai Mạnh vẫn thấm lạnh nơi đất Bắc. Biết bộ đội miền Nam xa nhà, không khỏi nhớ thương người thân, nên mấy ngày liên tục các đoàn đại biểu phụ lão, phụ nữ, thanh niên của tỉnh Thanh Hóa đến thăm, chăm nuôi như người con trong gia đình. Sợ bộ đội đói bụng, buổi tối, người dân còn nấu khoai lang cho ăn, tình cảm đó với ông Hai và bộ đội miền Nam làm sao kể hết.
Nhờ sự yêu thương, đùm bọc ấy mà ông Hai Mạnh và cán bộ, chiến sĩ miền Nam không mất nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống miền Bắc. Nỗi nhớ nhà cũng dần nguôi ngoai, vì họ đã coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
Cán bộ, chiến sĩ miền Nam sau khi tập kết ra Bắc được học tập văn hóa và huấn luyện quân sự. Nhiều người trở về phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng ông Hai Mạnh thì lỡ hẹn; ông được phân công ở lại sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Những năm tháng ấy, ông Hai Mạnh sinh sống, phục vụ qua nhiều địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Đông, Hải Phòng. Đi đến đâu cũng được đồng bào miền Bắc yêu thương, đùm bọc nên ông nguyện đem hết sức mình cống hiến cho miền Bắc thân yêu, vì một ngày Bắc - Nam sum họp.
Giúp dân làm nông là công việc thường xuyên của ông Hai Mạnh. Miền Bắc mưa bão triền miên, việc làm nông của đồng bào vất vả vô cùng.
Ông nhớ lần đến Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), khi lúa của người dân đến ngày thu hoạch thì gặp mưa bão, những cánh đồng lúa vàng óng ánh bỗng phút chốc chìm trong lũ. Với suy nghĩ cứu được bao nhiêu thì cứu nên mấy ngày liên tục, Hai Mạnh ngụp lặn trong nước thu hoạch lúa giúp dân, đỉa bám đầy người nhưng không hề hấn gì.
Còn khi đến Hải Phòng, ông Hai Mạnh được phân công nhiệm vụ tại Quốc doanh vận tải sông biển, đơn vị trực thuộc Công ty tàu biển Việt Nam.
Nhiệm vụ được ông đảm nhận là cùng đồng đội sử dụng các tàu có trọng tải lớn lưu thông trên sông Hồng vận chuyển hàng trăm ngàn tấn than phục vụ sản xuất của các nhà máy ở miền Bắc, nhiều nhất là các chuyến chở than để cung cấp cho Nhà máy dệt Nam Định.
Sau đó, Hai Mạnh được phân công về Xí nghiệp 10 cũng trên địa bàn Hải Phòng, làm Đội trưởng Đội cơ điện với nhiệm vụ chỉ huy vận hành các loại máy điện công suất lớn phục vụ đóng tàu thuyền, sà lan.
Với tinh thần, thái độ rất tích cực trong công việc, chàng trai trẻ Tấn Mạnh còn được giao thêm nhiệm vụ trung đội trưởng dân quân tự vệ để bảo vệ xí nghiệp.
Ông Hai Mạnh nhớ lại thời điểm cuối năm 1972, khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, Xí nghiệp 10 cũng là mục tiêu của chúng. Giặc ném bom rất ác liệt, ông đã chỉ huy Đội dân quân tự vệ sử dụng vũ khí bắn trả. Có lần, quả bom giặc ném xuống nổ cách ông khoảng 6m, sức công phá lớn khiến đất đá văng tứ tung, ông bị vùi lấp trong đất, nhờ đồng đội kịp thời ứng cứu nên mới thoát chết.
Trong thời gian làm việc ở Xí nghiệp 10, ông quen và nên duyên vợ chồng với bà Vũ Thị Lan, quê Nam Định. 4 người con của hai ông bà lần lượt ra đời trong sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào, đồng chí miền Bắc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, gia đình ông trở về miền Nam sinh sống cho đến ngày nay.
Ông Hai Mạnh hồi tưởng: “Ngày đi tập kết, cứ nghĩ 2 năm sẽ trở về, không ngờ đi biền biệt 21 năm. Đời người có những ký ức đẹp, với tôi, nhớ nhất là năm tháng được đồng bào miền Bắc chăm sóc, cưu mang trong ngần ấy năm trời đi tập kết. Đoàn kết Bắc - Nam ruột thịt chính là sức mạnh để xây dựng nên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập ngày nay. Riêng tôi đã sống trọn tình, vẹn nghĩa, đem cả tuổi thanh xuân đóng góp những “viên gạch hồng” cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.
* * *
70 năm đi qua, cùng với dòng chảy lịch sử, những chuyến tàu tập kết mãi mãi thấm đậm nghĩa tình mà Nhân dân hai miền Nam - Bắc dành cho nhau. Từ những chuyến tàu lịch sử, từ nghĩa tình Nam - Bắc thiêng liêng ấy, đã tôi luyện những “hạt giống đỏ” ngày càng thêm sức sống, trưởng thành, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; để lại những bài học vô cùng quý báu cho hôm nay và cả mai sau về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
TRƯỜNG SƠN
08:54 03/02/2025
(HG) - Theo Hội Nông dân huyện Châu Thành, thiết thực hoạt động chăm lo tết cho cán bộ, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, Tết Nguyên Đán vừa qua, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt, thăm và tặng quà tết.
08:51 03/02/2025
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.
08:30 03/02/2025
Với mục tiêu tạo môi trường sống trong lành, sạch đẹp, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ triển khai đã mang lại những kết quả tích cực.
03:43 30/01/2025
Từ việc phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, Huyện ủy Phụng Hiệp tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024,
15:31 29/01/2025
Kết thúc năm 2024, Đảng bộ Châu Thành A đã ghi thêm thành tích mới hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
09:21 29/01/2025
Mấy mươi năm lặng lẽ vun đắp để tình làng nghĩa xóm thêm ấm êm thì cũng ngần ấy thời gian những con người nặng nợ với hòa giải tô đậm lên trang sách của đời đẹp đẽ hơn. Khi tiết xuân thắm sắc cũng là lúc đâu đó câu chuyện về hòa giải thấu tình đạt lý được nhắc lại như để làm bền chặt thêm tình người.
09:35 28/01/2025
Cùng với khát vọng cống hiến, từng cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh nhà đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc chung tay góp sức “thêu dệt” quê hương phồn vinh, giàu đẹp.
09:34 28/01/2025
Nhiệm kỳ 2019-2024, vai trò xung kích, tình nguyện của tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh và lực lượng thanh niên Hậu Giang được khẳng định bằng những kết quả đáng tự hào.
06:30 27/01/2025
Ngày xuân, nghe chuyện thủ lĩnh đoàn tiếp lửa cho thanh niên khởi nghiệp thành công thật cuốn hút; chuyện của chị em khởi nghiệp làm giàu thì càng hấp dẫn biết chừng nào !
06:28 27/01/2025
Khép lại năm 2024, Công đoàn Hậu Giang với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ đột phá đăng ký được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, 11 chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao và 24 chỉ tiêu Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) đề ra.
09:03 03/02/2025
Khi thị trường bất động sản bước vào một chu kỳ phát triển mới, các nhà đầu tư lại đang “rục rịch” tìm kiếm những "miền đất hứa" tiếp theo. Và Hậu Giang đang nổi lên như một điểm sáng đầu tư hấp dẫn. Để hiểu rõ hơn về tiềm năng của thị trường bất động sản tại Hậu Giang, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Xuân Lượng (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
08:53 03/02/2025
(HG) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
08:51 03/02/2025
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.
08:47 03/02/2025
Với tinh thần “5 tiên phong” theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ngành Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang đang tập trung khắc phục những tồn tại của năm cũ và hướng tới mục tiêu cao hơn trong năm 2025, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.