Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Tiến trình đô thị hóa vùng đất Vị Thanh

17/05/2024 | 08:45 GMT+7

Vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu hình thành và phát triển từ buổi đầu khẩn hoang, lập làng lập ấp, mở mang kinh tế nông nghiệp rồi tiến lên đô thị hóa là một chặng đường khá dài. Dù trong giai đoạn chiến tranh hay giai đoạn hòa bình xây dựng thì tiến trình đô thị hóa luôn là đòn bẩy đưa xứ sở này có những bước tăng tốc, nhảy vọt.

Khu vực Hồ Sen, Vị Thanh vào năm 1960.

Trong giai đoạn 1960-1975, chủ trương thành lập khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu và thành lập tỉnh Chương Thiện, lấy xã Vị Thanh làm tỉnh lỵ, chính là ý đồ xây dựng Vị Thanh thành một đô thị quân sự; vừa củng cố thế lực, ngăn chặn lực lượng cách mạng (Khu 9) từ vùng căn cứ U Minh; lại vừa bảo vệ Cần Thơ - cửa ngõ vùng 4 về phía Tây Nam. Để đạt được mục tiêu, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tập trung đầu tư, đô thị hóa ngôi chợ làng Cái Nhum (xã Vị Thanh).

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, vùng giải phóng Vị Thanh - Hỏa Lựu chưa phục hồi được sức lực, trải qua bao năm bom đạn địch tàn phá, cây Cầu Đúc và nhiều cầu trên đường đi Hỏa Lựu bị đánh sập. Đường bộ hướng Cần Thơ đứt khúc, nhà cửa lác đác theo mé kinh, đường lộ; lại có một số nhà sàn cất nửa trên bờ nửa dưới nước, trông có vẻ xơ xác, nghèo nàn.

Thực ra nói chợ Cái Nhum, chợ Vàm Xáng - Hỏa Lựu, nhưng đây chỉ là các chợ “chồm hổm” chủ yếu bán hàng tự sản tự tiêu, do bà con nông dân trao đổi. Một vài vị cao niên nhớ lại, mô tả: Trong chợ, phố xá lụp xụp, ngói, lá cất chen nhau không hàng lối, xen lẫn phía sau chợ là mương, vũng sình lầy nước đọng, bèo cỏ um tùm. Do không có nhà lồng chợ nên các kệ, sạp mua bán đặt để ngổn ngang. Đoạn đường từ Vị Thanh đi Hỏa Lựu hầu như không có nhà cửa ở hai bờ. Khu chợ Vàm Xáng - Hỏa Lựu chưa đông bằng chợ Vị Thanh.

Khi khu trù mật khánh thành, quận Đức Long thành lập, đoạn đường 6km từ Vị Thanh đến Hỏa Lựu, người ta còn dùng xe ngựa kéo ghe một cách lạ lùng, vì bờ kinh trống trải.

Cường độ chiến sự ngày càng tăng, đô thị Vị Thanh càng thêm nhộn nhịp, một thứ nhộn nhịp của cuộc sống hối hả thời chiến, nhất là vào những năm sau trận tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968, cho đến ngày giải phóng 1975. Giai đoạn này, các căn cứ quân sự mở rộng, đồn bót vùng ven dày đặc. Số lính tráng, công chức càng đông hơn như: Biệt động quân, giang thuyền, thiết giáp, sư đoàn, bảo an, dân vệ, cảnh sát và bình định nông thôn, công chức... Ước tính lên đến khoảng 10.000 người.

 Bên cạnh đó, dân từ vùng ven, các xã, quận lân cận cũng tản cư bỏ ruộng, vườn về tỉnh lỵ để tránh bom đạn và những trận càn quét của địch. Đến trước ngày giải phóng năm 1975, dân số Vị Thanh lên đến 43.703 người, 6.919 nóc nhà, sinh sống trong 11 ấp... Thành phần người ở nội thị, hầu hết có nguồn gốc nông dân, chưa thích nghi được cuộc sống phố, chợ. Do đó, chủ yếu họ làm nghề “mua gánh bán bưng” hoặc đi làm mướn, khuân vác để sống qua ngày.

Nói chung, sinh hoạt chợ, phố cùng các dịch vụ tập trung cho nhu cầu chiến tranh: Lính tráng hành quân về, ra phố ăn nhậu; mua sắm đồ dùng cần thiết. Thị dân hoặc nông dân vùng ven đi chợ để bán đổi mấy thứ sản vật rau, củ, quả, cá, mắm. Xen lẫn trong các ngõ phố là màu áo trắng học trò tiểu học, trung học hồn nhiên giữa không khí hối hả.

Từ sau trận Mậu Thân 1968, đô thị Vị Thanh không còn an toàn, thật sự là đô thị chiến tranh; bởi lực lượng cách mạng có thể đánh vô bất cứ lúc nào, theo suy nghĩ của người dân, kể cả lính tráng, công chức. Tuy vậy - khách quan mà nhìn nhận: Tốc độ phát triển đô thị khá nhanh, dù bộ mặt phố chợ, còn nặng về quân sự, cho thấy: chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn thể hiện quyết tâm, tạo bộ mặt trù phú về kinh tế cho tỉnh lỵ Chương Thiện, tạo thế bền vững về quân sự, hòng đối phó với lực lượng cách mạng.

Nhìn chung, sự hình thành và phát triển đô thị Vị Thanh, tập trung nhiều nhất ở khu vực nội ô, quy mô diện tích không rộng lớn lắm; nhưng cũng đủ để phục vụ nhu cầu quân sự và đời sống dân cư thời chiến. Đáng chú ý, việc tăng tốc phát triển hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư xây dựng với kinh phí rất lớn. Đó cũng là cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển trong thời gian này.

Những năm 1967-1975, hoạt động thương mại ở chợ Vị Thanh sung túc hơn, nhiều hộ kinh doanh lớn bán máy móc, nông ngư cơ; một số nhà đầu tư mạnh dạn mở khách sạn tại nội ô Vị Thanh như: Phi Long, Khai Minh, Tứ Hải (có khách sạn cao đến 4 tầng vào năm 1974), phục vụ khách vãng lai. Ở khu hành chính, đặt trụ sở các cơ quan cấp tỉnh như: Ngân hàng phát triển nông nghiệp và gần 20 ty, sở chuyên môn. Bên kia kinh Xà No là khu kỹ nghệ với nhiều xí nghiệp.

Chỉ trong 15 năm (1960-1975) đô thị Vị Thanh đã hình thành và phát triển, sánh ngang với nhiều đô thị tỉnh lỵ khác trong vùng. Kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội tương đối xứng tầm với cấp tỉnh lỵ. Tại trung tâm có những tòa nhà lầu, nhà lồng chợ, bến tàu, bến xe, công viên, hồ thủy tạ, lữ quán, khách sạn. Tổng số 25 tuyến đường ở đây; đã gần bằng 1/3 số đường phố ở Cần Thơ. Một số mặt vượt xa nhiều đô thị ra đời trước Vị Thanh nửa thế kỷ như: Long Mỹ, Phụng Hiệp, Cái Răng, Ô Môn,…

Những bước tiến về đô thị hóa, còn cho thấy sự gắn liền với công nghiệp hóa, dù hoạt động này chỉ mới bước đầu. Tính từ năm 1960, dân số nội thị Vị Thanh mới có 22.000 người, chỉ sau 15 năm đã lên đến 43.703 người, chưa kể gần 10.000 binh lính, cán bộ, công chức.

Điều nổi lên khá rõ là ảnh hưởng của văn minh đô thị Cần Thơ, hoặc từ Sài Gòn kể cả ảnh hưởng nếp sống phương Tây ngày càng nhiều hơn; bởi số binh lính, công chức, doanh nghiệp đến làm ăn đều có gốc gác tứ xứ. Hơn nữa, các thiết bị, tiện nghi phục vụ cuộc sống và sản xuất, bày bán khắp thị trường như: Máy nông ngư cơ, phương tiện vận tải. Đặc biệt là các loại xe “Honda”, xe lôi, xe Lamberta chạy đường Vị Thanh - Mười Bốn Ngàn, Vị Thanh - Hỏa Lựu, Vị Thanh - Cầu Nàng Mau... bắt đầu xuất hiện tạo nên kiểu sinh hoạt mới về vận chuyển, đi lại. Song song đó, các loại sản phẩm, hàng gia dụng ngoại nhập, hay từ Sài Gòn, Cần Thơ đưa về đã tạo nên tập quán tiêu dùng mới.

Thực tế đó cho thấy một vóc dáng đô thị Vị Thanh: vừa khẩn trương về quân sự; vừa nhộn nhịp về kinh tế. Đồng thời, cũng thể hiện một nếp sống vội vã, luôn sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bom đạn chiến tranh!

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>